Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển KT-XH: Nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt
Xuân 2019 - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; trong 3 năm (2016-2018), được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư; sự lãnh đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy – HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh, cũng như quyết tâm, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp, ngành và sự đồng thuận, ủng hộ của đồng bào các dân tộc…, KT-XH của tỉnh tăng trưởng và chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; AN-QP được giữ vững, ổn định; niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có chuyển biến rõ nét; việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp được thực hiện đúng lộ trình; kỷ cương, kỷ luật hành chính tiếp tục tăng cường; công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khảo sát trang trại Dâu tây tại thành phố tự trị La Trinidad trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Philippin. Ảnh: HỒNG DUYÊN |
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đúng trọng tâm; tiềm năng, lợi thế của địa phương từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân đạt 7,5%/ năm và so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; đã có 19/48 chỉ tiêu hoàn thành và vượt (chiếm 39,6%); 21/48 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 43,8%); 4/48 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 8,3%) và 4/48 chỉ tiêu đạt dưới 50% (chiếm 8,3%). Trong các chỉ tiêu đạt và vượt, có những chỉ tiêu trọng yếu, đòi hỏi phải huy động nguồn lực đầu tư lớn, như tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân đạt 4,6%/ năm, vượt 15% so với chỉ tiêu nghị quyết; số xã đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới 34/30 xã, vượt 13% so với chỉ tiêu nghị quyết; tỷ lệ thôn bản có đường đi được xe cơ giới vượt 11% so với chỉ tiêu nghị quyết…
Theo quy luật, để kinh tế tăng trưởng phải có đầu tư, thách thức này đã được nhận diện và chỉ ra ngay từ đầu nhiệm kỳ, do trong giai đoạn này vốn đầu tư công bị cắt giảm, ưu tiên cho trả nợ vốn vay và thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Vì vậy, để đạt được mức tăng trưởng bình quân 8%/năm, trong giai đoạn 2015-2020, ngoài việc phải quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tỉnh tập trung các giải pháp xúc tiến, huy động được các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; thông qua cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào ba lĩnh vực trọng điểm, song song với tổ chức các Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Kết quả, một số dự án lớn thu hút vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch được khởi công, như Dự án Chăn nuôi và chế biến sữa của Tập đoàn TH Trule Milk; Dự án Trồng rừng của Tập đoàn Hào Hưng… cùng một số dự án khác đang được các Tập đoàn: FLC, Vingroup, Thiên Minh, Công ty TNHH Dương Đạt - Gia Lai, Tập đoàn Phúc Lộc… nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư. Quan điểm của tỉnh là, để khắc phục những khó khăn, bất lợi trong thu hút đầu tư về vị trí địa lý, kết cấu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực; ngoài việc đòi hỏi các cấp, ngành phải cố gắng gấp đôi, gấp ba so với các tỉnh có điều kiện thuận lợi trong khu vực, tỉnh cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà cụ bà Phàn Xì Ngấn, 98 tuổi (tổ 3, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang). Ảnh: KIM TIẾN |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong nhiệm vụ phát triển KT-XH cũng còn một số hạn chế, yếu kém như: Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông. Chất lượng một số Quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, nhất là quy hoạch đất đai, đô thị; hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo, lập Quy hoạch, Kế hoạch còn thiếu độ tin cậy. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tăng quy mô đầu tư và chất lượng chưa cao, thiếu bền vững; hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn với liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị chưa có chuyển biến rõ nét. Quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực còn nhỏ và thiếu tính cạnh tranh; việc triển khai các dự án thu hút đầu tư còn chậm. Phát triển dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; thiếu các cơ sở dịch vụ du lịch có chất lượng cao, sản phẩm phục vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú; tiềm lực khoa học - công nghệ còn yếu kém, tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ lệ nhỏ. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn. Vùng kinh tế động lực chưa thể hiện được vai trò đầu tàu...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn động viên các lực lượng tham gia diễn tập thực binh tại cuộc Diễn tập Khu vực phòng thủ huyện Quản Bạ gắn với hoạt động của Sở Công thương và Cụm tác chiến Biên phòng Nghĩa Thuận. Ảnh: KIM TIẾN |
Để hoàn thành 29 chỉ tiêu còn lại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, giai đoạn 2019-2020; đòi hỏi các cấp, ngành phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, không được chủ quan, thỏa mãn. Theo đó, yêu cầu phải tập trung đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi hai khâu đột phá, năm chương trình trọng tâm và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Đề án Phát triển KT-XH, Tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tháo gỡ các “nút thắt”. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các Quy hoạch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, gắn với việc đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách và đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn đầu tư công, để hoàn thiện các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách địa phương…, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đi đôi với đào tạo nghề, giải quyết việc làm để hoàn thành các chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo… và các tiêu chí thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; chủ động trong công tác đối ngoại phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế. Chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí đã đạt và vượt. Đối với 21 tiêu chí, hiện đã hoàn thành đạt từ 80% đến dưới 100%, xây dựng kế hoạch, gắn với nguồn lực thực hiện, để phấn đấu hoàn thành trong năm 2019, nâng 4 tiêu chí hoàn thành từ 50% đến dưới 80%, lên hoàn thành từ 80% đến dưới 100% và nâng 4 tiêu chí hoàn thành dưới 50%, lên hoàn thành trên 70%.
Với mục tiêu cao nhất, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng tỉnh Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh, kêu gọi và đề nghị các cấp, ngành; đặc biệt người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quyết tâm, quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ ngành, lĩnh vực phụ trách, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH sớm hơn một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
NGUYỄN VĂN SƠN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc