Khởi sắc sự nghiệp "Trồng người" nơi cực Bắc
Xuân 2019 - Trong tiết trời Xuân ấm áp, điểm lại những thành quả ngành Giáo dục huyện Đồng Văn, mỗi người luôn tự hào về những đóng góp, nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên, các thầy, cô giáo và đồng bào các dân tộc nơi vùng lõi Công viên Địa chất trong công cuộc “ươm mầm xanh” trên đá.
Học sinh trường PTDT bán trú Tiểu học, THCS xã Sà Phìn trong giờ học vẽ tranh. |
Năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng GD-ĐT đã củng cố, giữ vững thành quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục (PCGD) Tiểu học, THCS; cũng là năm 19/19 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn PCGD Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phong trào thi đua “Hai tốt” được các đơn vị quan tâm, số lượng giáo viên giỏi, học sinh giỏi tham gia các kỳ thi cấp huyện, tỉnh đạt giải cao tăng nhiều so với năm trước. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được làm tốt, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức; trang thiết bị, đồ dùng học tập được trang bị đầy đủ hơn, giúp các em học tập tốt hơn. Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của tỉnh về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, từng bước phát huy nội lực, nâng cao nhận thức của nhân dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Nổi bật nhất trong đó là thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa các dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong nhà trường; 100% các trường học đều triển khai nghiêm túc. Đã tổ chức được hơn 2 nghìn buổi giáo dục kỹ năng sống, đưa văn hóa vào các nhà trường với nội dung đa dạng, đặc sắc như: Văn hóa kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Tày, Giấy… những điệu hát, múa, dân ca, trò chơi dân gian; học sinh được học, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, kiến thức về những khu di tích, địa danh lịch sử. Nội dung được tích hợp vào các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và thông qua việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, các hội thi… Trong thời gian tới, ngành sẽ đổi mới hơn nữa về nội dung, hình thức giảng dạy, tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn trong các nhà trường cũng được đánh giá cao, góp phần nâng cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ Công viên Địa chất, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đồng Văn Mua Thị Hồng Minh cho biết: Chiến lược “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; đặt ra cho ngành sứ mệnh cao cả nhưng cũng hết sức nặng nề. Những thành tích đã đạt được là động lực để lãnh đạo, cán bộ ngành Giáo dục nỗ lực không ngừng, thực hiện tốt hơn nữa sự nghiệp “trồng người”.
Một mùa Xuân mới đang về, hòa chung không khí tươi vui của đất trời và lòng người, ngành Giáo dục Đồng Văn nguyện nỗ lực không ngừng để thắp sáng ước mơ của các em học sinh nơi vùng Cao nguyên đá.
Bài ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc