"Hà Giang quê hương tôi": Tiếng lòng Nhạc sỹ Thanh Phúc
Xuân 2019 - Bước vào căn phòng đơn sơ, giản dị, tràn ngập tình yêu thương của gia đình nhạc sỹ Thanh Phúc trên tầng 2 nhà E2, khu tập thể Thành Công (Hà Nội), tôi chợt thấy ấm áp lạ thường. Ông mới trở về sau những ngày điều trị ở bệnh viện. Bà nhẹ nhàng đỡ ông ngồi trên chiếc sô pha rồi định vào phòng trong. Ông gọi lại và nhẹ nhàng bảo: “Bà cứ ngồi đây với tôi”. Dường như ông muốn cùng bà sống lại những kỷ niệm, tâm tình với miền đất, con người Hà Giang vậy.
Nhạc sỹ Thanh Phúc tâm sự: “Quê tôi ở làng Đường Lâm, Ba vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhưng cuộc đời tôi gắn bó với Hà Giang nhiều và sâu nặng nghĩa tình. Tôi đến Hà Giang từ năm 13 tuổi; bố tôi hy sinh và đang yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Hà Giang. Rồi ông nội tôi, mẹ tôi, em trai tôi cũng đã yên nghỉ ở Hà Giang… Tôi đã đặt chân đến tất cả các huyện và rất nhiều xã của Hà Giang, sáng tác nhiều bài hát về vùng đất thân yêu này… Và cũng từ lâu rồi, không chỉ lãnh đạo mà cả bà con các dân tộc trong tỉnh đã coi tôi như người con của Hà Giang. Tôi đã viết ‘’Hà Giang quê hương tôi’’ bằng cả tấm lòng mình”.
Rồi câu chuyện được kể, dường như là sự ôn lại những kỷ niệm của hai ông, bà. Ông, bà cùng nhớ lại các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hà Giang với sự quý trọng: “Các anh ấy quý mến, quan tâm đến tôi nhiều lắm”. Từ khi ông chuyển công tác về Hà Nội, tỉnh vẫn mời lên những dịp Lễ, Tết. Không chỉ tỉnh mà cả các huyện, xã, rồi các ngành cũng mời ông về thăm, sáng tác bài hát cho địa phương, cho ngành. Với nhạc sỹ Thanh Phúc, điều ấy quý vô cùng. Bởi ông là người không biết tiêu tiền – như bà nói, thì được trân trọng, được tạo điều kiện để sáng tác là hạnh phúc lớn. Năm 2003, tỉnh đã tổ chức riêng cho ông đêm nhạc “Nhạc sỹ Thanh Phúc với Hà Giang”, ông cảm kích vô cùng. Những năm gần đây, do sức yếu, ông không đi xa được nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn về thăm. Đoàn ĐBQH của tỉnh về Hà Nội họp cũng đến thăm; khi ông ốm, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, rồi cả Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vào viện thăm.
Ông, bà thật vui khi kể những lần lên Hà Giang, các cháu thanh niên nhận ra ông ngoài đường thì ào đến ríu rít: “Chúng cháu hát những bài hát của ông nhiều mà nay mới được gặp. Mỗi khi đi đâu, biết cháu là người Hà Giang, các bạn tỉnh khác lại hát bài “Hà Giang quê hương tôi”, chúng cháu cảm động lắm…”.
Ông đưa tôi xem cuốn album lưu giữ những tấm ảnh của ông, bà với Hà Giang. Bên tấm ảnh Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Đức Thanh về tận nhà nhạc sỹ Thanh Phúc (năm 2001) để trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Giang” là Quyết định tặng thưởng của tỉnh. Trong đó ghi “Nhạc sỹ Thanh Phúc đã sáng tác hơn 60 bài hát về Hà Giang”. Còn trong tập bài hát của nhạc sỹ Thanh Phúc viết về Hà Giang, thì dường như có đủ các địa danh của tỉnh. Rồi ông kể chuyện về một bài trong tập đó – bài hát có đủ tên 22 dân tộc chung sống trên mảnh đất Hà Giang. Bài hát đó nhạc sỹ sáng tác theo đề nghị của ông Sùng Đại Dùng, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Rồi câu chuyện cũng trở về với bài hát “Hà Giang quê hương tôi”. Nhạc sỹ trầm ngâm tự sự, ông đã đưa vào bài hát những gì đặc trưng nhất của Hà Giang: Là rừng núi, gỗ, chè, phiên chợ, tiếng nhạc ngựa… Nghe ông kể, tôi thấy có biết bao tâm tình ẩn chứa trong lời ca ngọt ngào ấy. “Con đường đi trên mây lên tới Cổng trời” là con đường mang tên Hạnh phúc, có phần đóng góp công sức của em trai ông. Nhạc sỹ Thanh Phúc cũng đi và chứng kiến sự gian nan, nguy hiểm trên từng cung đèo dốc từ những ngày đầu. “Tiếng nhạc ngựa vui theo nguồn hàng” là ký ức về đoàn ngựa thồ hàng với cả chục con, tiếng nhạc ngựa cứ rộn vang núi rừng. Rồi, không chỉ có thiên nhiên giàu đẹp, có nhịp sống tươi vui, lời bài hát còn mở ra tương lai tươi sáng; từ tiếng còi tầm của nhà máy gạch năm xưa, nay Hà Giang có biết bao nhà máy bề thế và điện sáng đã về muôn nơi… Hà Giang đã thực sự đổi mới và phát triển!
Khi tôi hỏi về chất liệu âm nhạc để ông sáng tác bài “Hà Giang quê hương tôi”, nhạc sỹ Thanh Phúc nói thật giản dị mà sâu sắc: Khi tình cảm đã gắn bó với nhau rồi, đã trở thành ruột thịt rồi thì lời ca, âm điệu cứ hồn nhiên nhập vào bài hát.
Tôi nhận ra rằng, bài hát “Hà Giang quê hương tôi” chính là tiếng lòng của nhạc sỹ Thanh Phúc với Hà Giang, mảnh đất tươi đẹp, ấm tình người nơi cực Bắc Tổ quốc.
Bài, ảnh: Vũ Quang Huy (Hà Nội)
Ý kiến bạn đọc