"Cú hích" mới cho lĩnh vực "công nghiệp không khói"
Xuân 2019 - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Du lịch là lĩnh vực “mũi nhọn”, giúp huyện giảm nghèo bền vững. Từ đó, BCH Đảng bộ huyện đã đề ra chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững; đây là một trong 5 chương trình trọng tâm huyện “dồn lực” thực hiện. Qua hơn 2 năm triển khai với nhiều giải pháp, kế hoạch cụ thể, lĩnh vực du lịch, thương mại đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đưa huyện Đồng Văn ngày một khởi sắc…
Khách du lịch nước ngoài tìm hiểu thông tin về Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Đồng Văn có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch - là trung tâm của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ được tạo nên bởi những ngọn núi đá cao vút tầm mắt, ẩn chứa 54 di sản địa chất, địa mạo (chiếm 39% số di sản địa chất, địa mạo của vùng Cao nguyên đá). Khai thác những tiềm năng, lợi thế, huyện Đồng Văn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Qua từng năm, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch đã được chú trọng đầu tư như: Nhà đón khách xã Lũng Cú, Sà Phìn; xây dựng hồ sơ xếp hạng các di sản phi vật thể; lập dự án bảo tồn và tu bổ di tích Phố cổ Đồng Văn; tập trung xây dựng Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm Trên xã Sủng Là, Làng Văn hóa Lô Lô Chải, xã Lũng Cú. Đồng thời, triển khai xây dựng các điểm dừng chân, Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá, Hang Mây xã Tả Lủng; tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình tâm linh xã Lũng Cú.
Du khách thích thú với cảnh đẹp hoang sơ, hùng vỹ của Đồng Văn. |
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huyện Đồng Văn có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng cơ sở cơ sở hạ tầng; áp dụng chính sách ưu đãi về phát triển du lịch, dịch vụ miền núi. Trong hơn 2 năm, huyện đã thu hút các tổ chức, cá nhân đến đầu tư, phát triển du lịch với tổng số vốn trên 186 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 47 khách sạn, nhà nghỉ, 211 nhà khách và nhà lưu trú homstay với trên 1.100 phòng ngủ, 2.300 giường; 43 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Trung bình mỗi năm, huyện đón trên 300 nghìn lượt khách; doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt trên 158 tỷ đồng.
Bên cạnh việc khuyến khích, đầu tư phát triển du lịch, với 54,6 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc; có 9/19 xã, thị trấn biên giới; Đồng Văn cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy thương mại thông qua việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường từ thị trấn Phố Bảng - Mốc 379 xã Phố Là; xây dựng bãi tập kết hàng hóa, đỗ xe tại các lối mở; củng cố, duy trì hoạt động 6/9 chợ tại các xã, thị trấn biên giới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng kỷ lục, đạt 456 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2015, tăng 81% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Điều đáng nói là, trong quá trình phát triển thương mại, du lịch, huyện Đồng Văn đã xây dựng được 32 sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương; thành lập, củng cố các làng nghề may mặc (xã Phố Bảng, Phố Cáo), thêu dệt (Lũng Cú), đan lát (Sính Lủng), làm khèn Mông (Hố Quáng Phìn), rèn đúc lưỡi cày (Tả Lủng), hương nhang sạch (Sảng Tủng), trạm khắc bạc (Sủng Là)…
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: Quá trình triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch, dịch vụ - thương mại, huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, nhưng những kết quả trên đã thể hiện nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện vào cuộc sống.
Bài, ảnh: HỒNG NỤ
Ý kiến bạn đọc