Công chúng với tự do ngôn luận trên mạng xã hội
BHG - Trên lĩnh vực truyền thông có ba tuyến tiếp cận: Chủ thể truyền thông, phương tiện truyền thông và tiếp nhận truyền thông. Ta thường quen với mô hình, truyền thống mà chủ thể truyền thông đưa tin qua các phương tiện truyền thông đến công chúng với tư cách là người tiếp nhận thông tin. Ở mô hình này chủ yếu công chúng tiếp nhận thông tin thụ động, một chiều. Khi với sự lên ngôi của mạng xã hội, thì công chúng trở thành chủ thể, trở thành lực lượng tiếp nhận và có quyền sáng tạo, chủ động phát tán thông tin. Đây là vấn đề rất mới, sự thay đổi lớn này cần được xã hội quan tâm để thích nghi và điều chỉnh phù hợp.
Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch núp dưới những chiêu bài hết sức tinh vi, thâm độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị_Ảnh: minh họa |
Mạng xã hội là không gian mở, nên tự do ngôn luận trên mạng xã hội là vấn đề đang đặt ra đối với công chúng và nhà quản lý. Phải chăng tự do ngôn luận trên mạng xã hội là quyền ai cũng được đưa ra bất kỳ phát ngôn nào, cung cấp bất kỳ thông tin gì, hay chia sẽ bất kỳ nội dung nào. Đây là sự lầm tưởng có thể không có chủ định, nhưng có thể là sự lợi dụng để tự do phát tán thông tin thông qua mạng xã hội với chiêu trò tự do ngôn luận. Cho nên hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận đúng nghĩa, đúng thực chất đang là vấn đề đặt ra cho công chúng khi mà công chúng vừa là người tiếp nhận, vừa là người có quyền phát tán thông tin. Phải chăng tự do ngôn luận trên mạng xã hội là tự do tuyệt đối, vượt khỏi giới hạn pháp lý và đạo đức, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn nạn trên mạng xã hội như tin giả, lừa đảo, tục tĩu tấn công cá nhân, phát ngôn thù ghét, kích động, lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương chính sách… Việc thiếu các cơ chế quản lý chặt chẽ, kịp thời, hay các biện pháp xử lý những vi phạm chưa phù hợp cũng đã làm rộ lên sự tranh cãi xung quanh quyền tự do ngôn luận.
Phải có trách nhiệm và hiểu đầy đủ quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội khi công chúng đã thành chủ thể trong các mối quan hệ về truyền thông. Nếu người sử dụng mạng xã hội là những công chúng có đạo đức, có hiểu biết thì chỉ làm những điều pháp luật không cấm, không những thế còn biết tránh những điều gây ảnh hưởng, tổn hại cho cộng đồng và xã hội. Với các yếu tố mà khi tiếp cận thông tin cần xử lý đó là nhận tin, phân tích, đánh giá và sáng tạo, thì công chúng cần có năng lực để tư duy bình luận và phản biện sao cho vừa phát huy được sáng tạo, tự do cá nhân vừa phải trong khuôn khổ của mối liên hệ mật thiết với quyền tự do ngôn luận trên mạng.
Trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay và sự nhiễu loạn thông tin trên môi trường truyền thông xã hội, thì năng lực truyền thông của công chúng phải gắn với thể chế chính trị, bối cảnh xã hội và nền tảng văn hóa. Lúc này những hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của một quốc gia, một dân tộc là yếu tố rất quan trọng để công chúng làm chủ được trong môi trường là chủ thể của hoạt động truyền thông, điều này được coi là cốt lõi. Muốn có được điều đó thì các nguồn thông tin chính thống, có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người tiếp nhận thông tin có khả năng định hướng, định hình cách ứng xử của bản thân trên mạng, có kỷ năng tư duy phản biện biết tránh xa cạm bẫy và biết tỉnh táo trước nguồn tin giả, lừa đảo thất thiệt. Công chúng phải có đủ kiến thức và nhận thức được vị trí của mình để nhận biết quyền tự do ngôn luận đầy đủ và thực chất khi sử dụng mạng xã hội, để tỉnh táo và có khả năng phản biện trước những thông tin thật giả, ứng xử có trách nhiệm và khôn ngoan khi tiếp nhận thông tin; phải luôn có ý thức về quyền làm chủ tự do ngôn luận của mình. Tự do ngôn luận đầy đủ và thực chất nhất là biết sử dụng mạng xã hội để tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội, chứ không được tự do dùng mạng xã hội để gây hệ lụy cho cộng đồng với những hành vi thiếu trách nhiệm, vô đạo đức dù đó là ai.
Lấy một ví dụ hiện hữu. Ngày 8.1.2021 mạng xã hội Twitter khóa tài khoản của Tổng thống D.Trump do những phát ngôn của ông được cho là nguyên nhân kích động cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Lý do mà Twitter đưa ra là lo ngại do ông D.Trump tiếp tục dùng quyền tự do ngôn luận đưa ra những phát ngôn kích động bạo lực gây bất lợi cho nước Mỹ trong thời kỳ chuyển giao quyền lực đầy nhạy cảm. Dư luận Mỹ tuy có nhiều tranh cãi, nhưng Tổng Giám đốc Twitter khẳng định đó là quyết định đúng đắn. Vụ việc này cho thấy ngay cả ở nước Mỹ, nơi mà họ tự cho là “cái nôi của tự do” thì kể cả những người có quyền lực nhất nước Mỹ cũng không có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, khi quyền tự do ngôn luận ấy gây bất lợi cho xã hội. Mặt khác qua vụ việc này cho thấy các mạng xã hội có quyền đơn phương xử lý quyền tự do ngôn luận của công chúng khi họ thấy cần thiết. Đây là lời nhắc nhở với công chúng rằng, không có tự do ngôn luận tuyệt đối ngay cả trên mạng xã hội mở. Tự do kiểu ấy nếu không bị chế định bởi các quy định luật pháp, chuẩn mực đạo đức thì cũng chịu sự quản lý và phán quyết của các nhà cung cấp dịch vụ.
Cho nên tự do ngôn luận trên mạng xã hội đúng đắn nhất là khi công chúng biết cách sử dụng mạng xã hội với mục đích và nhu cầu của bản thân gắn với trách nhiệm xã hội và chuẩn mực đạo đức. Việc sử dụng truyền thông phù hợp với luật pháp và đạo đức, có động cơ trong sáng, việc làm minh bạch, chính danh để phát triển bản thân và phục vụ xã hội đó là giá trị đích thực của tự do ngôn luận mà công chúng khi sử dụng qua mạng xã hội cần nắm vững. Đó cũng chính là giá trị đích thực mà công chúng với tư cách là chủ thể truyền thông trước thực tế đang diễn ra trong thời đại hội nhập, công nghệ 4.0 và sự bùng nổ thông tin hiện nay. Công chúng phải luôn ghi nhớ đầy đủ trách nhiệm chủ thể truyền thông của mình để thực thi quyền tự do ngôn luận đúng nghĩa nhất, phù hợp với nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hoàng Duy