Đại thắng mùa xuân năm 1975

Ngày 7.4.1975: Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho các đơn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa"

15:36, 07/04/2025

Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975.
Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975.

Sáng 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh gửi điện số 157-HĐKTK cho các đơn vị mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

Cùng ngày 7/4/1975, để lại Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng mới giải phóng, cánh quân Duyên Hải gồm đại bộ phận Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3 và Tiểu đoàn 3 thiết giáp Quân khu 5, chia làm 5 khối bắt đầu hành quân theo Đường số 1 tiến về phía nam.

Đội hình hành quân của Quân đoàn rải ra khá dài, gồm hơn 2.500 xe chở bộ đội và xe tăng thiết giáp, xe kéo pháo… Tổng quân số tham gia hành quân là hơn 32.000 người.

Phương châm thực hiện là “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” để chậm nhất ngày 25/4/1975 phải có mặt tại khu vực tập kết chiến dịch ở Rừng Lá (cách Xuân Lộc 20km) chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược.

Tại Ninh Thuận, Đại đội 311 đặc công của tỉnh đánh sâu vào trung tâm thị trấn Tháp Chàm, diệt địch, làm chủ nhà ga, khu Máng và khu ngã ba đường vào sân bay Thành Sơn.

Sau khi nhận điện của Tổng Tư lệnh, ngay trong ngày 7/4/1975, tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, Trung ương Cục và Quân ủy Miền họp, đề ra chủ trương: “Trong khi khẩn trương chuẩn bị cho phương án chiến dịch quy mô lớn, để tranh thủ thời gian, tạo ra và lợi dụng được những đột biến mới, lực lượng B.2 mở một chiến dịch nhằm chia cắt chiến lược, triệt để bao vây chia cắt Sài Gòn. Nếu địch có hiện tượng tan rã đột ngột lớn thì không nhất thiết đợi lực lượng ở ngoài vào đủ, cũng có thể nhanh chóng, táo bạo, bằng lực lượng của B.2 và một số đơn vị tăng cường chọc thẳng vào Sài Gòn, kết hợp với lực lượng đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy từ bên trong để đánh chiếm Sài Gòn”.

Nhận được báo cáo của Trung ương Cục về kế hoạch giải phóng Sài Gòn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn chỉ đạo: Cần đợi phần lớn lực lượng Quân đoàn 3 và Quân đoàn 1 vào đến nơi hãy bắt đầu tiến công. Một khi đã bắt đầu tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng, vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn.

Với khí thế thi đua chi viện miền nam, trong các tháng 2, 3 và 4 năm 1975, Quân khu 2 liên tiếp thực hiện ba đợt tuyển quân và đều vượt chỉ tiêu. Toàn Quân khu đạt 104,3%, trong đó Vĩnh Phú 104,3%, Yên Bái 106%, Lào Cai 102%. Cho tới ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đã có 209.528 thanh niên, những con em ưu tú của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu 2 tham gia lực lượng vũ trang, tương đương với 20 sư đoàn.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày 6.4.1975: Đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thành thị
Ngày 6/4/1975, Thường vụ Trung ương Cục miền nam ra chỉ thị đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thành thị. Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ban hành tài liệu “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng”.
06/04/2025
Ngày 5.4.1975: Thành lập cánh quân Duyên Hải
Ngày 5/4/1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, được thành lập. Bộ đội Trường Sơn tập trung lực lượng khẩn trương vận chuyển quân và hàng hóa vào miền nam.
06/04/2025
Ngày 4.4.1975: Quân ủy Trung ương chỉ thị gấp rút giải phóng Trường Sa
Ngày 4/4/1975, Quân ủy Trung ương chỉ thị gấp rút giải phóng các đảo do quân ngụy miền nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.
04/04/2025
Ngày 3.4.1975: Thành phố Đà Lạt và toàn tỉnh Tuyên Đức giải phóng, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng
8 giờ 20 phút ngày 3/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng. Như vậy, đến ngày 3/4/1975, hai tỉnh phía nam Tây Nguyên là Tuyên Đức và Lâm Đồng hoàn toàn giải phóng; chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng, vượt xa dự kiến ban đầu.
03/04/2025