English | Tiếng Việt
Thứ 7, 10/05/2025, 20:49

Đại thắng mùa xuân năm 1975

Ngày 22.4.1975: Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi

10:37, 22/04/2025

Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền nam; các đơn vị nhận nhiệm vụ và triển khai các công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26/4/1975). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26/4/1975). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền nam. Sau đó, đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch, chỉ thị: Mỹ-ngụy tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, lập chính phủ mới, đưa ra đề nghị ngừng bắn đi đến tìm giải pháp chính trị cứu vãn tình thế khỏi thất bại hoàn toàn. Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị…

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: Địch trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài sang mùa mưa… Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trung tâm… Hướng Tây Nam và Đường số 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng rút từ Sài Gòn về Cần Thơ.

Tại thị xã Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, quân địch sau khi rút chạy bằng tàu, thuyền ra biển tưởng lực lượng ta tiến về phía nam nên quay lại chiếm giữ thị xã. Ngày 22/4/1975, Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 được tăng cường Tiểu đoàn 5 thiết giáp, một tiểu đoàn pháo 105, một đại đội pháo cao xạ và Đại đội 9 Trung đoàn 128 Sư đoàn 325 cùng các lực lượng địa phương tiến công giải phóng thị xã Hàm Tân, tiêu diệt và làm tan rã gần 5.000 tên địch đang co cụm trong thị xã.

Cũng tại Bình Tuy, ngày 22/4/1975, Trung đoàn 812 cùng các lực lượng phối hợp nhanh chóng đánh chiếm khu vực Láng Gòn. Đại đội địa phương 88 dùng cối 60 ly bắn phá được kho đạn ở Động Đền. Một mũi tiến công khác vượt biển ra đánh giữ đảo Hòn Bà (cách đất liền 2km).

Cùng ngày, tại sở chỉ huy cánh Đông, Bộ Tư lệnh cánh Đông nhận nhiệm vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh do phái viên của Bộ Tư lệnh chiến dịch truyền đạt. Ngay trong đêm, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 họp nghiên cứu quán triệt nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch tác chiến của Quân đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22/4/1975, Thiếu tướng Hoàng Cầm – Tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện – Chính ủy Quân đoàn 4 tới Sở Chỉ huy Tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Gia Ray, báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm của Quân đoàn với Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Cùng ngày, tại Đồng Đế, Bộ Tư lệnh Trường Sơn triệu tập hội nghị khẩn cấp cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thông báo sự chuẩn bị của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

Ngày 22/4/1975, được sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên viên Văn phòng Tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO), không quân địch ném bom CBU-55 xuống khu vực Quân giải phóng tập kết tại Xuân Lộc. Sức công phá của bom đã phát quang một vùng rộng lớn, làm chết hàng trăm người và thiêu cháy nhiều nhà cửa, vườn tược của dân thường khu vực ngoại vi thị xã.

Theo Nhân Dân Điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khơi dậy lòng yêu nước từ những bài học lịch sử
BHG - Lịch sử không chỉ là những sự kiện, ngày, tháng đánh dấu các mốc “vàng son” của dân tộc, mà lịch sử còn chứa đựng những bài học sinh động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh của các thế hệ đi trước để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bởi vậy, giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng.
22/04/2025
Người Hà Giang có mặt ở Sài Gòn trong chiến thắng 30.4.1975
BHG - Đúng dịp tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh, sinh năm 1954, hiện là Tổ trưởng tổ 14, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang. Chú Thịnh đã có một hành trình lịch sử từ Hà Giang tới Sài Gòn và được hòa trong giờ phút chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh trưa 30.4.1975.
22/04/2025
Ngày 21.4.1975: Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng
Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng. Ban Bí thư gửi điện cho Thường vụ Trung ương Cục bức điện số 178 chỉ đạo về công tác tiếp quản Sài Gòn.
21/04/2025
Ngày 20.4.1975: Thành ủy Sài Gòn-Gia Định chỉ thị chuẩn bị tổng khởi nghĩa
Ngày 20/4/1975, ta truy kích địch rút chạy khỏi Xuân Lộc. Quân ủy Trung ương điện khẩn cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị ưu tiên vận chuyển đạn dược, xăng dầu. Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Gia Định chỉ thị cho các lực lượng chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
20/04/2025