English | Tiếng Việt
Chủ nhật, 04/05/2025, 17:16

Công an Hà Giang góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

17:01, 17/04/2025

BHG - Cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Hà Giang, những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước (1954 – 1975), vượt lên gian khó, lực lượng Công an tỉnh ta đã có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của cách mạng.

Hà Giang là tỉnh biên giới địa đầu cực Bắc Tổ quốc, có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Giang không phải là trọng điểm về sản xuất công nghiệp, quốc phòng hay cứ điểm quân sự. Tuy nhiên, cùng với việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, Hà Giang là địa bàn có Quốc lộ 2C, nơi vận chuyển viện chợ của nước bạn vào Việt Nam từ Cửa khẩu Thanh Thủy qua thị xã Hà Giang và qua cầu Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang để về xuôi. Chính vì thế, đây là địa bàn bị đế quốc Mỹ chú ý và thực hiện phá hoại từ rất sớm nhằm cắt tuyến đường tiếp tế.

Hoạt động văn nghệ chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam của học sinh Trường THCS Lê Lợi, thành phố Hà Giang. 						Ảnh: CTV
Hoạt động văn nghệ chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam của học sinh Trường THCS Lê Lợi, thành phố Hà Giang. Ảnh: CTV

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc với mật độ không kích ngày càng ác liệt. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Giang đã khẩn trương chuyển hướng củng cố, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an, phòng gian, bảo mật; cùng với lực lượng Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không, sơ tán, bảo vệ trị an, bảo vệ cơ quan, kho tàng, xí nghiệp. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động chiến đấu ở khắp nơi trong tỉnh. Từ đầu tháng 8.1965, Hà Giang lần đầu phải đương đầu trực tiếp với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.

Ngày 15.11.1965, Mỹ cho máy bay ném bom, bắn phá cầu Vĩnh Tuy, Bắc Quang. Đợt không kích này khiến cầu Vĩnh Tuy, một điểm kết nối giao thông quan trọng trên Quốc lộ 2 của Hà Giang bị phá hỏng; một số người dân bị thiệt mạng và bị thương, một số nhà cửa, tài sản trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tuy bị thiệt hại. Hoạt động đánh phá của địch khiến giao thông bị ách tắc, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân. Những lần dùng không quân uy hiếp và tấn công của Mỹ từ tháng 8 đến tháng 11.1965 hòng gây hoang mang và tâm lý lo sợ sức mạnh Mỹ, khiến bà con ta nhụt ý chí đánh Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã nhầm khi sự phá hoại của chúng trong các đợt không kích càng khiến Nhân dân ta căm phẫn hơn. Cũng trong thời gian trên, Công an Hà Giang đã tích cực nắm tình hình, trinh sát phát hiện, trấn áp kịp thời những đối tượng phản động ở một số địa bàn như ở Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang lợi dụng tình hình hòng chống phá ta hoặc kết nối với Mỹ.

Những năm 1967, 1968, Hà Giang tiếp tục là địa bàn tiếp nhận viện trợ lương thực, vũ khí và lực lượng từ nước bạn sang làm nhiệm vụ quốc tế. Nắm bắt được điều này, Mỹ liên tục cho máy bay do thám, rải truyền đơn tuyên truyền gây hoang mang dư luận, kích động bọn phản động nổi dậy chống phá cách mạng. Ngày 21.9.1967, Mỹ cho một toán gián điệp, biệt kích gồm 7 tên xâm nhập xuống địa bàn xã Việt Vinh (Bắc Quang). Nhưng lực lượng Công an và Nhân dân đã cảnh giác, nhanh chóng tóm gọn toán gián điệp. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận chúng có nhiệm vụ tình báo, nắm các mục tiêu quân sự của ta, trinh sát tuyến vận chuyển quốc tế trên tuyến Quốc lộ 2 nhằm chỉ điểm để địch đánh phá, ngăn chặn tuyến chi viện cho tiền tuyến của ta. Công an cũng nắm thêm kế hoạch các đợt hoạt động gián điệp sắp diễn ra và phương thức hoạt động của chúng để bí mật báo cáo Bộ Công an lập chuyên án, đồng thời thực hiện việc đưa tin giả để Mỹ không ném bom Quốc lộ 2. Từ đó, góp phần làm thất bại hoạt động gián điệp và bảo vệ tốt các mục tiêu quan trọng ở Hà Giang, đảm bảo tuyến vận chuyển quan trọng qua Quốc lộ 2.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Giang đã tích cực chú trọng xây dựng cơ sở bí mật nhằm đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ; dựa vào quần chúng nhằm phát hiện các đối tượng nghi vấn nhằm đấu tranh chống bọn phản cách mạng, gián điệp ẩn náu. Công an tỉnh đã tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt công tác bảo vệ nội bộ, qua đó gần như trong thời chiến, các cơ quan, đơn vị đều có nội quy bảo vệ; thực hiện tốt cuộc vận động bảo vệ an ninh, trật tự và phòng gian, bảo mật…

Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Giang đã viết đơn tình nguyện sẵn sàng đi chiến đấu, tăng cường chi viện cho lực lượng an ninh miền Nam. Qua đó, Công an Hà Giang trong 5 đợt chọn lọc đã cử 16 đồng chí vào chiến trường miền Nam. Trong đó, tiêu biểu như đồng chí Làn Kim Tiến, Công an thị xã Hà Giang đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Có thể khẳng định, qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đầy gian khổ, lực lượng Công an Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ tài sản nhà nước và Nhân dân. Những năm tháng gian khổ không chỉ thể hiện quyết tâm, ý chí chiến đấu và đóng góp của Công an Hà Giang mà còn khẳng định sự trưởng thành của Công an Hà Giang, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày 17.4.1975: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện nói rõ về nhiệm vụ đánh phá các sân bay của địch
Ngày 17/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nói rõ về nhiệm vụ đánh phá các sân bay của địch. Chiến trận tại Xuân Lộc-Long Khánh diễn ra ác liệt.
17/04/2025
Ngày 16.4.1975: Giải phóng thị xã Phan Rang và toàn tỉnh Ninh Thuận
Ngày 16/4/1975, ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang của địch, giải phóng thị xã Phan Rang và toàn tỉnh Ninh Thuận. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã giành chiến thắng tại Phan Rang.
17/04/2025
Ngày 15.4.1975: Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh giành nhiều thắng lợi
Ngày 15/4/1975, cuộc chiến đấu ở Phan Rang tiếp tục diễn ra ác liệt. Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh giành nhiều thắng lợi.
15/04/2025
Ngày 14.4.1975: Giải phóng đảo Song Tử Tây
Ngày 14/4/1975, Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Bộ đội đặc công hải quân và Quân khu 5 giải phóng đảo Song Tử Tây. Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
14/04/2025