Ứng phó Biến đổi khí hậu - nhìn từ hoạt động truyền thông

07:46, 19/11/2014

HGĐT- Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng Biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với đại bộ phận người dân vẫn là lĩnh vực mới, căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học triển khai thực hiện còn thiếu, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về BĐKH còn rất nhiều hạn chế, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, từng bước nâng cao nhận thức, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc... vì vậy, hoạt động truyền thông cần phải được chú trọng.


Nhận thức rõ điều này, thời gian qua Sở TN-MT đã phối hợp chặt chẽ với Plan Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, với các nội dung phong phú, gắn thực tiễn cuộc sống lao động sản xuất của người dân từng vùng có nguy cơ cao, chịu nhiều tác động của BĐKH. Một trong những hoạt động hữu ích đó là việc triển khai Dự án Nâng cao khả năng chống chịu, khả năng thích ứng BĐKH tại huyện Xín Mần.

 

Dự án được triển khai trong vòng 2 năm, từ tháng 7.2012 đến giữa năm 2014 tại 30 thôn của 3 xã Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Nàn Ma với mục tiêu nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó thiên tai và BĐKH cho trẻ em, người nghèo, người dễ bị tổn thương, chính quyền địa phương; thử nghiệm, nhân rộng mô hình dự án về nâng cao nhận thức và cơ chế ứng phó cũng như thích ứng của cộng đồng với BĐKH. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam xếp thứ 5 về mức độ hứng chịu tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan và thứ 7 về mức độ dễ bị tổn thương trong số 233 nước tham gia nghiên cứu. Người dân sinh sống ở khu vực ven biển, miền núi chịu tác động của lũ lụt thường xuyên hơn, mưa to và lốc xoáy với cường độ mạnh hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn, xói mòn đất, lũ quét và sạt lở đất diễn ra nhiều hơn. Riêng trẻ em chiếm một nửa trong số người bị ảnh hưởng hay tử vong do thiên tai toàn cầu, bởi lẽ năng lực thích ứng với tác động BĐKH của trẻ em, thanh niên và cộng đồng còn hạn chế. Vì vậy, nếu thiếu sự tham gia của trẻ em, thanh niên trong lập kế hoạch, quá trình ra quyết định và ít sự hỗ trợ cho trẻ em thực hiện các ý tưởng, hành động ứng phó BĐKH sẽ không mang lại kết quả cao.

 

Khi triển khai tại huyện Xín Mần, dự án đã tiến hành hàng loạt các hoạt động truyền thông thiết thực như: Hoạt động phát thanh măng non qua hệ thống loa, chiếu phim BĐKH, dạy lồng ghép; thi vẽ tranh BĐKH, rung chuông vàng, tìm hiểu các nội dung BĐKH; tập huấn cho giáo viên, học sinh về kiến thức, kỹ năng ứng phó BĐKH, truyền thông về BĐKH tại thôn, bản; tập huấn phòng, chống rét, dịch bệnh, tập huấn quay phim cho nhóm trẻ về BĐKH... Các hoạt động truyền thông mang tính tương tác cao, gắn thực tiễn, lấy trẻ em làm chủ thể nên kết quả mang lại rất khả quan. Ngoài việc thu hút được hàng nghìn lượt giáo viên, học sinh tham gia tập huấn, các hoạt động ngoại khóa như thi vẽ tranh, tập làm phim, thi kiến thức theo hình thức rung chuông vàng đã thực sự thổi làn gió mới, giúp các em cụ thể hóa được những khái niệm trừu tượng, từ đó có cái nhìn rõ nhất về BĐKH và những tác động của nó đối với đời sống hàng ngày ngay chính nơi các em đang sống.

 

Một trong những nội dung cũng được đánh giá mang lại hiệu ứng tích cực, đó là hoạt động lồng ghép BĐKH với giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào quá trình lập kế hoạch phát triển KT-XH địa phương. Nội dung này được triển khai với các hoạt động chính như đánh giá tình trạng dễ tổn thương và khả năng ứng phó BĐKH, qua đó giúp người dân, các cấp chính quyền có được bức tranh tổng thể về tình hình BĐKH tại địa phương, xây dựng được những kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ rủi ro. Còn việc thử nghiệm các mô hình mới, nhằm thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ của khí hậu, tác động của thiên tai cũng mang lại những thành công mới. Các mô hình đã được triển khai như trồng cỏ voi, trồng rừng xoan - mỡ hỗn giao, trồng đào cảnh quan, chuyển đổi vụ ngô, ủ phân vi sinh hữu cơ, mô hình đậu tương xen ngô và đậu tương xen chuối, lạc... đã đảm bảo được nguồn thức ăn về mùa đông cho gia súc, phủ xanh, giữ đất, phòng chống sạt lở, chọn lựa được những giống cây trồng tốt, phù hợp với BĐKH, các giống cây trồng xen đã mang lại hiệu quả kép, vừa có tác dụng cải tạo, giữ ẩm cho đất, vừa nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân.

 

Triển khai trong thời gian ngắn với dày đặc các hoạt động truyền thông có tính tương tác cao, chủ thể trực tiếp là người dân vùng dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai, dự án đã giúp trẻ em và người dân nâng cao nhận thực về BĐKH; chính quyền địa phương tạo điều kiện, ủng hộ sự tham gia của người dân vào các hoạt động tập huấn, giám sát và triển khai mô hình; nhu cầu của người dân, đặc biệt các nhóm yếu thế được thảo luận, cân nhắc, lựa chọn ưu tiên đưa vào mô hình thích ứng BĐKH... Đặc biệt, việc sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông đã làm thay đổi hành vi, thái độ của trẻ em, người dân về BĐKH.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân thị trấn Yên Bình mong có nguồn nước sạch sinh hoạt
HGĐT- Thiếu nước vào mùa khô và phải sử dụng nước đục vào mùa mưa lũ để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, là những khó khăn mà rất nhiều người dân thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình đang phải hứng chịu. Thực tế này đã đặt ra vấn đề phải nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới hệ thống cấp nước để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân. Vì vậy, mong muốn có nguồn nước
19/11/2014
Bộ Tài chính cấp bổ sung gần 2,2 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em Hà Giang
HGĐT - Thực hiện chế độ quy định tại Quyết định 239/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010- 2015, Bộ Tài chính tạm cấp bổ sung có mục tiêu gần 2,2 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang để hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3, 4 và 5 tuổi năm 2014.
18/11/2014
Tuổi trẻ Bà Rịa – Vũng Tàu tích cực trong công tác phòng, chống ma túy
Tỉnh Đoàn đã lễ tuyên dương 14 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy. Mỗi cá nhân và cơ sở đoàn được tuyên dương là một mắt xích quan trọng trong đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy và cảm hóa người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
18/11/2014
Người dân Sơn Vĩ “khát điện” cạnh hai trạm biến áp (!)
HGĐT- Đã hơn một năm nay, gần 60 hộ đồng bào người Giấy, người Mông ở khu tái định cư thôn Tà Ngày và Mé Lầu của xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) mỏi mòn “chờ” được sử dụng điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù hai Trạm biến áp (TBA) đứng sừng sững ngay giữa 2 thôn, đường điện chạy qua nóc nhà, nhưng người dân chỉ biết “gãi đầu, gãi tai” chẳng hiểu vì sao ngần ấy thời gian vẫn
18/11/2014