Ngôi trường thông minh

13:48, 21/04/2024

BHG -  Hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học, tạo ra môi trường giáo dục thông minh, tăng tương tác, mở rộng kết nối, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện, Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Hà Giang) đang hướng đến xây dựng trường học thông minh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Giáo dục.

Với phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”, từ năm học 2021 - 2022, Trường THCS Lê Quý Đôn sử dụng phần mềm khảo thí online trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giữa kỳ và thi học kỳ của tất cả các khối. Ưu điểm của phần mềm này là mỗi học sinh được cấp một mã đề khác nhau, máy tính với chế độ full màn hình và kết nối với tài khoản của giáo viên, trong quá trình thi, học sinh không được thoát màn hình để mở bất kỳ ứng dụng nào khác, tất cả các thao tác thay đổi trên máy đều được báo về tài khoản giáo viên, trong đó hiện rõ đầy đủ số lần thoát bài và thời gian thoát bài, giáo viên sẽ biết được học sinh có gian lận trong thi cử hay không.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn thi học kỳ trên phần mềm khảo thí online.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn thi học kỳ trên phần mềm khảo thí online.

Thầy giáo Nguyễn Quang Uy chia sẻ: “Việc sử dụng phần mềm khảo thí online đảm bảo quá trình thi diễn ra công bằng, minh bạch, giáo viên không thể can thiệp để nâng điểm; phần mềm tự chấm điểm giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian; từ kết quả thi, phần mềm sẽ có các biểu thống kê, phân tích tỷ lệ điểm học sinh, từ đó giúp nhà trường có đánh giá đúng để triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời trong công tác giảng dạy”.

Để tăng cường công tác quản lý và giảng dạy, Trường THCS Lê Quý Đôn chủ trương xây dựng “trường học không giấy tờ”. Từ hồ sơ, giáo án, quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn, hành chính, tài chính, nhân sự, học sinh... đều thực hiện trên môi trường mạng. 100% phí dịch vụ giáo dục thu qua hệ thống ngân hàng, không dùng tiền mặt. Nhà trường đồng thời thực hiện tuyển sinh đầu cấp trên nền tảng số, xét tốt nghiệp lớp 9 trên phần mềm do Sở GD&ĐT cung cấp; thực hiện nghiêm túc phần mềm quản lý giáo dục VnEdu, CSDL ngành. Đội ngũ giáo viên không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục mà luôn chủ động, linh hoạt trong sử dụng các phầm mềm trong giảng dạy để ứng dụng chuyển đổi số như: Giáo án điện tử, Word, Powerpoint, E-Learning, OLM, Modabook, Qizzi, Plicker, phần mềm thí nghiệm ảo Phet…. Tại các lớp học đều lắp đặt các máy điểm danh học sinh nhận diện bằng vân tay kết nối đến điện thoại của giáo viên và phụ huynh giúp công tác quản lý học sinh thuận lợi, chặt chẽ. Để quản lý tốt công tác bán trú, nhà trường sử dụng hiệu quả phần mềm bán trú, trong đó thực đơn, số lượng, định lượng dinh dưỡng đều được cập nhật liên tục cho từng ngày giúp giáo viên và phụ huynh có thể giám sát, quản lý chặt chẽ việc ăn bán trú ở trường của con.

Trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, những ưu thế mang lại đều được nhà trường tận dụng hiệu quả, trong đó đặc biệt nhất là sử dụng mạng xã hội zalo, Facebook  trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội quy nhà trường và tuyên truyền các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được các em nhiệt tình ủng hộ, theo dõi. Cùng với đó, do lượng kiến thức nhiều, trong khi thời gian mỗi tiết học trên lớp hạn chế nên các bài giảng, các thông tin, thắc mắc của học sinh cần trao đổi, giải đáp được giáo viên chia sẻ qua nhóm zalo của lớp học. Học sinh cũng được tiếp cận kho kiến thức bằng nhiều phương pháp khác nhau. Em Vũ Trần Linh Anh, học sinh lớp 8A2 chia sẻ: “Ngoài việc học tập trên lớp, chúng em có thể học tập mọi lúc, mọi nơi với máy tính kết nối internet và học trực tuyến với các giáo viên thông qua các ứng dụng. Việc thi trên phần mềm khảo thí online với sự minh bạch cao cũng giúp chúng em phải tự ý thức, nỗ lực học nhiều hơn để có thể đạt được điểm cao trong các kỳ thi”.

Ngôi trường thông minh thực sự mang lại những kết quả tích cực, giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn trường hiện có 10 lớp học với tổng số 356 học sinh, 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm học 2022 - 2023, nhà trường đạt 248 giải học sinh giỏi (HSG) cấp thành phố, 102 giải HSG cấp tỉnh; 98,4% học sinh lớp 9 thi đỗ vào Trường THPT Chuyên của tỉnh. Năm học 2023 - 2024, trường có 77 học sinh tham gia kỳ thi HSG lớp 9 cấp tỉnh và 206 học sinh tham gia kỳ thi HSG lớp 6, 7, 8 cấp thành phố. Có 99,66% học sinh lớp 6, 7, 8 có kết quả học tập đạt loại khá, giỏi; 98,58% học sinh lớp 9 đạt học lực khá, giỏi; nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi Toán, Tiếng Anh qua mạng Internet.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Qúy Đôn, Đặng Thị Thùy Linh cho biết: “Bên cạnh đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực, phẩm chất người học, nhà trường ưu tiên trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, hướng đến xây dựng trường học thông minh. Theo “Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” của Bộ GD&ĐT đánh giá về 2 nhóm tiêu chí thành phần gồm: Chuyển đổi số trong dạy, học và chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, hiện nay, Trường THCS Lê Quý Đôn đã đạt mức độ 3, mức độ cao nhất trong bộ chỉ số đánh giá, đây là mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản và một số yêu cầu nâng cao về triển khai chuyển đổi số”.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật ở Bắc Mê
BHG - Tại hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 – 2030, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan của yếu kém trong công tác giáo dục và phân tích làm rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện Bắc Mê huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất các giải pháp bằng những việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục huyện nhà nói riêng, tỉnh ta nói chung.
21/04/2024
Giúp người dân hiểu hơn về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
BHG - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân về chính sách chi trả DVMTR cũng như trong công tác BVPTR.
20/04/2024
Đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh vào các trường CAND
BHG - Xác định công tác tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân (CAND) hàng năm là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng lực lượng. Mùa tuyển sinh năm 2024, Công an tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh vào các Trường CAND cho học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Qua đó thu hút thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi, tạo nguồn cán bộ chất lượng cao cho lực lượng CAND nói chung và lực lượng Công an tỉnh Hà Giang nói riêng.
20/04/2024
Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh tặng quà hộ nghèo huyện Mèo Vạc
BHG - Ngày 19.4, đoàn công tác Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh do Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi tặng quà tại huyện Mèo Vạc.
19/04/2024