Nhiều lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
BHG - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhiều lao động tự do trên địa bàn tỉnh có điều kiện được hưởng lương hưu, có thẻ BHYT để chăm sóc khi ốm đau.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tư vấn về lợi ích cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện. |
Theo quy định của pháp luật, người tham gia BHXH tự nguyện phải đủ từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia đóng BHXH tự nguyện đủ 20 năm và đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi đối với nữ thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí. Số tiền hưu trí hàng tháng cao hay thấp tùy thuộc vào mức đóng BHXH tự nguyện của người tham gia. Bên cạnh đó, người tham gia còn được cấp một thẻ BHYT miễn phí để khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh cho đến khi qua đời.
Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, từ 1.1.2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người tham gia, cụ thể: Hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Trong những năm qua, công tác truyền thông về BHXH tự nguyện của ngành BHXH đã được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh. BHXH tỉnh phối hợp cùng Bưu điện tỉnh, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Mỗi cán bộ, nhân viên BHXH là một tuyên truyền viên, đồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các tổ, khu phố ở địa phương và thực hiện các họat động ra quân tuyên truyền với cờ phướn, biểu ngữ trên các tuyến đường đông dân cư để người dân biết về chủ trương của Nhà nước về BHXH tự nguyện, BHYT.
Chị Nguyễn Thị Hân, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, cho biết: BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Tôi là lao động tự do, sớm nhận thức được những rủi ro bản thân có thể gặp phải khi về già, không còn khả năng lao động. Được sự tư vấn của nhân viên BHXH tỉnh, tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai.
Có thể nói, BHYT là tấm “bùa hộ mệnh” dành cho người dân lúc ốm đau, bệnh tật. Còn BHXH chính là giải pháp tối ưu trợ giúp người dân khi về già, khi mất khả năng lao động. BHXH tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động, không được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH định kỳ. Tính đến cuối tháng 3.2021, toàn tỉnh có 8.300 người tham gia BHTN, con số vẫn còn ít do người dân quen được nhà nước bao cấp, địa bàn tỉnh có sự phân bố dân cư rải rác, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, dẫn đến rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn cho quá trình tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, thu nhập người dân còn thấp, nhiều người chưa hiểu hết về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện cho nên chưa thu hút được người dân tham gia.
Ông Lê Chí Diện, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH tỉnh cho biết, nhằm phát triển loại hình bảo hiểm này, thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức các buổi đối thoại với người dân; mở rộng và nâng cao chất lượng các đại lý thu; tổ chức lễ ra quân, hội nghị thu hút đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, ký kết thỏa thuận với các sở, ban, ngành tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện cho hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; tập trung bố trí nhân lực rà soát đối tượng hộ gia đình theo từng khu phố, xã, phường…; phân tích dữ liệu, lọc đối tượng theo nhóm đã tham gia nhưng dừng đóng; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu và mỗi cán bộ, viên chức, người lao động ngành BHXH.
Bài, ảnh: Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc