Tăng cường bác sỹ cho tuyến xã còn nhiều khó khăn

08:04, 16/06/2008

(HGĐT)- Trước nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân ngày càng tăng cao, bệnh viện tuyến tỉnh luôn trong tình trạng quá tải do bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên Nguyên nhân chính là tuyến cơ sở thiếu bác sỹ.


 
 Cán bộ, y, bác sỹ Trạm Y tế xã Tân Bắc (Quang Bình) thường xuyên làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về tăng cường bác sỹ cho tuyến xã trên địa bàn các huyện; từ năm 2005, ngành Y tế tỉnh ta đã thực hiện chương trình đưa bác sỹ về công tác tại các xã, nhờ đó chất lượng KCB cho nhân dân từng bước được nâng lên. Nhưng việc tăng cường bác sỹ cho tuyến xã ở tỉnh ta vẫn còn bất cập.


Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình này, ngành Y tế tỉnh đã triển khai rất tích cực như đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, điều động, luân chuyển và tuyển dụng các bác sỹ về công tác tại các trạm y tế ở các xã trong tỉnh. Mặc dù rất quan tâm công tác này, nhưng ngành Y tế đã không thực hiện đạt chỉ tiêu 65% số xã trong tỉnh có bác sỹ mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Theo số liệu của Sở Y tế, hiện toàn tỉnh trung bình có 4,9 bác sỹ/10.000 dân; 4,37 cán bộ/trạm y tế xã (với 853 cán bộ/195 xã), có 62/195 bác sỹ đang công tác tại trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực, đạt tỷ lệ 31,7%... Từ năm 2005 đến nay, ngành Y tế đã điều động 91 bác sỹ về xã công tác đạt 47,7%, trong đó có 23 bác sỹ do tuyến tỉnh tăng cường, 19 bác sỹ do tuyến huyện tăng cường và 49 bác sỹ được phân công công tác tại xã.


Tăng cường bác sỹ về tuyến xã đã góp phần nâng cao hiệu quả KCB ban đầu cho nhân dân, số bệnh nhân đến KCB tại các trạm y tế xã ngày càng tăng. Lực lượng cán bộ y tế xã phải tổ chức đi KCB tại gia đình từng bước được hạn chế. Ngoài công tác KCB cho nhân dân tại trạm y tế xã, các bác sỹ còn dành thời gian tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm. Bác sỹ được giao làm Trưởng trạm y tế còn có vai trò tích cực tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, tham gia viết đề tài khoa học để nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ của trạm y tế xã.


Tuy nhiên, việc tăng cường bác sỹ về xã của ngành Y tế thực hiện chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bác sỹ Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nguyên nhân chính là tỉnh ta thiếu nguồn bác sỹ để tăng cường cho tuyến xã. Hiện tại nguồn bác sỹ biên chế cho Bệnh viện tỉnh, Bệnh viện huyện còn thiếu rất nhiều so với chỉ tiêu giường bệnh đề ra. Nhiều bác sỹ khi được tăng cường về tuyến xã, do có trình độ chuyên môn cao, phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao nên đã được ngành cử đi học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị... do đó số bác sỹ công tác tại trạm y tế xã ngày càng giảm đi do luân chuyển cán bộ và nghỉ chế độ mà không có nguồn bổ sung. Hơn nữa, từ ngày 1.4.2007, thực hiện Nghị định số 171, 172 ngày 29.9.2004 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện và Quyết định số 3478 ngày 26.12.2006 của UBND tỉnh về việc chuyển giao các trạm y tế xã, phường, thị trấn từ trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý. Việc chia tách y tế tuyến huyện theo mô hình mới Nghị định số 172 của Chính phủ, bộ máy quản lý hành chính gồm có: Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế dự phòng huyện... do đó thiếu cán bộ, đặc biệt là bác sỹ, dược sỹ đại học trực tiếp làm chuyên môn... Có một số Trung tâm Y tế dự phòng huyện và Phòng Y tế huyện chỉ có 1 bác sỹ, số bác sỹ đã giảm do phải tăng cường cho huyện.


Để đạt được mục tiêu 65% số xã có bác sỹ mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là điều khó khả thi. Theo bác sỹ Đặng Văn Huynh: Ngành Y tế đã trình UBND tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức các khoa, phòng chuyên môn tuyến huyện như: Củng cố các khoa hồi sức cấp cứu, cấp cứu nội, ngoại, sản khoa, rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn bố trí và kết hợp với sự hỗ trợ đào tạo tại chỗ. Từ đầu năm 2008, ngành đã chọn một số bác sỹ có năng lực chuyên môn tương đối khá để tăng cường cho tuyến huyện, đặc biệt là bệnh viện huyện. Hiện nay, tại các huyện như Vị Xuyên, Bắc Quang, ngành đã tổ chức thực hiện tăng cường 1 tuần có bác sỹ xuống tổ chức khám tại trạm y tế cơ sở từ 1-2 ngày đã góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Chỉ tiêu tăng cường bác sỹ cho tuyến xã sẽ được ngành Y tế đảm bảo thực hiện từ năm 2009 và các năm về sau từ nguồn cán bộ đang học bác sỹ chuyên tu tại trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2008, ngành Y tế xúc tiến xây dựng đề án đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học theo địa chỉ tại các trường Đại học Y khoa Thái Bình, Đại học Dược Hà Nội trình UBND tỉnh phê duyệt.


Để có thêm nhiều bác sỹ về công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân... bài toán đặt raở đây không chỉ của riêng ngành Y tế mà còn phải có sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng của tỉnh. Thiết nghĩ, tỉnh ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chính sách ưu tiên, chế độ đãi ngộ trong việc thu hút các sinh viên ngành Y sau khi tốt nghiệp. Dành nhiều ưu tiên cho những bác sỹ đang tình nguyện công tác tại tuyến xã của tỉnh trong việc hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cũng như đảm bảo điều kiện để họ yên tâm công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình phục vụ lâu dài tại các xã vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh.


Hoàng Anh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến với Cao Bành
(HGĐT)- Cao Bành là thôn vùng cao, vùng khó khăn của xã Phương Thiện (TXHG), nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh ngút ngàn. 100% người dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc Dao.
30/05/2008
2 cháu bé mất tích, nghi chết đuối trên sông Lô
(HGĐT)- Ngày 29.5, tại tổ 1, phường Quang Trung, thị xã Hà Giang phát hiện cháu Lê Hoàng Anh, sinh năm 1996, học lớp 6 trường THCS Lê Lợi và cháu Bùi Chiểu Đại, sinh năm 1998, học lớp 4 không trở về nhà.
30/05/2008
30 trẻ em chết mỗi ngày vì tai nạn thương tích
Khuôn mặt bầu bĩnh, giọng nói nhỏ nhẹ, song đôi mắt cô bé Hồ Thị Thu Hương luôn đượm buồn, nhất là khi nhìn bạn bè tung tăng đạp xe đến trường. Cách đây 7 năm, một tai nạn giao thông đã cướp đi một cánh tay khi em băng qua đường đến trường.
28/05/2008
Báo động tình trạng trẻ chết đuối
Mới đầu hè nhưng đã có nhiều vụ tai nạn chết đuối liên tiếp xảy ra. Nạn nhân hầu hết là trẻ em. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có con em trong độ tuổi đi học, đặc biệt là khi kỳ nghỉ hè đã gần kề.
28/05/2008