Đến với “Làng lính” Tùng Vài

08:21, 27/03/2008

(HGĐT)- Trên khắp dải biên cương Hà Giang, trong tâm khảm của mỗi cán bộ, chiến sỹ (CBCS) biên phòng, họ đều coi: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Có rất nhiều CBCS biên phòng đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất biên giới, song có lẽ nhiều nhất phải kể đến Đồn biên phòng Tùng Vài, huyện Quản Bạ.


 
 Chính ủy Biên phòng, Đồn trưởng Đồn Tùng Vài và các gia đình Điệp, Hùng - Oanh, Đường - Liên. Ảnh: Phương Hoa

Có tới 17 cặp. ấy là chưa kể đến các cặp mà các anh trước ở Đồn, do yêu cầu nhiệm vụ, khi thuyên chuyển đến đơn vị mới, hậu phương vẫn còn ở lại nơi đây. Họ có nhiều lý do để cả gia đình đến lập nghiệp, gắn bó với mảnh đất nơi biên giới: Có người đưa vợ con ở quê lên, cũng có CBCS khi nhận nhiệm vụ tại Tùng Vài còn “chưa gì”, trong quá trình công tác, qua các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao, các lần gặp gỡ giữa Đồn và trường học, địa phương, trai biên phòng, gái giáo viên, gái ngành y vương vấn, nhớ nhung những ánh mắt nụ cười vàhọ đến với nhau bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng, rồi nên vợ nên chồng, cũng có người lấy vợ là thiếu nữ người địa phương nơi địa bàn công tác của Đồn, hoặc cùng huyện Quản Bạ. Khá nhiều cô bé, cậu bé con biên phòng đã chào đời ngay tại nơi biên giới này.


Cưới xong, không phải cặp vợ chồng nào cũng dư dả, nhiều năm liền, họ vẫn ở nhờ gian tập thể của trường hoặc phân viện. Tích cóp dần rồi mượn đất của xã làm nhà. Có thâm niên ở Làng Biên phòng lâu nhất, trước hết phải kể đến Nguyễn Chí Bình, Quân Y, quê Vị Xuyên, lấy vợ là Lẻo Thị Thiện,y sỹ phân viện Tùng Vài (Thiện vừa được chuyển ra công tác tại Bệnh viện huyện). Thứ hai là vợ chồng Hà Văn Điệp- Đỗ Thị Bảy, đã 13 năm gắn bó với Tùng Vài. Điệp quê huyện Na Hang, Bảy quê huyện Sơn Dương, đều cùng tỉnh Tuyên Quang. Mới ngày nào Điệp về nhận công tác ở Đồn, rồi vào tổ công tác xã Cao Mã Pờ, cách đồn bộ gần 10km. Về tổ, ngoài thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác, anh được đi tập huấn và tham gia dạy lớp xoá mù chữ cho bà con ở xã. Còn Bảy, tốt nghiệp trường Sư phạm 12+ 2 Hà Giang, cô được phân công lên dạy ở trường Tiểu học Tùng Vài, gần ngay đồn Tùng Vài. Họ quen nhau trong cuộc giao lưu giữa Đoàn trường và Đồn, cô giáo Bảy thường xuyên giúp và hướng dẫn “trò Điệp” phương pháp sư phạm, cũng nhờ đó mà Điệp làm tốt hơn việc giảng dạy ở các lớp xoá mù chữ. Tình yêu đến với họ nơi biên ải, thế rồi năm 1994, họ làm lễ cưới tại Đồn. Ngày cưới, cô dâu, chú rể được rất đông 2 bên gia đình, CBCS đồn, các thầy cô giáo rồi bà con dân bản đến chia vui. Bảy tiếp tục đi học nâng cao, hiện là giáo viên trường THCS Tùng Vài. Điệp là tổ trưởng tổ công tác biên phòng của Đồn Tùng Vài tại xã Cao Mã Pờ. Bận việc đồn, việc địa bàn, việc trường lớp, 2 vợ chồng gửi 2 cô con gái về ở nhà bác tại thị xã Hà Giang. Cháu lớn Hà Phương Thảo, sinh năm 1995, học lớp 7, trường THCS Lê Lợi; cháu bé Hà Thị Hương Giang, sinh 2000, đang học lớp 2, trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Sau Điệp- Bảy là cặp Lương Mạnh Hùng, sỹ quan Đồn và cô giáo Nguyễn Thị Oanh. Hùng- Oanh có 1 cháu gái đang học lớp 3, cháu trai 3 tuổi. Hùng đang tăng cường là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Cao Mã Pờ. Cùng nhập Làng lính với Hùng, còn có Nguyễn Văn Đường, nhân viên cơ yếu của Đồn và cô giáo Liên dạy tiểu học. Họ có 1 cháu trai Nguyễn Lâm Tiến, học lớp 5 ở Tùng Vài. Bí thư chi đoàn Đồn, Nghiêm Duy Khiêm- Vũ Thị Thu Thuỷ, giáo viên tiểu học xã Tùng Vài: Con gái 2 tuổi gửi về ông bà ngoại ở thị xã Hà Giang, thi thoảng 2 vợ chồng cùng về thăm con; rồi các cặp: Nguyễn Xuân Caovợ Viên Thị Diễn; Kim Văn Khánh ở tổ công tác của Đồn tại xã Tả Ván, quê tỉnh Vĩnh Phúc, vợ Lệnh Thị Liễu, cô gái Tày, huyện Quản Bạ, là giáo viên mầm non xã Tả Ván; Nguyễn Thanh Cường, ở tổ Cao Mã Pờ, vợ là Viên Thị Bảy, cô gái Tày ở huyện Quản Bạ, hiện đang công tác tại trạm Y tế Cao Mã Pờ; vợ của Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn là cô Vũ Thị Bích Đào, Hiệu phó trường THCS xã Tùng Vài; vợ của Phùng Văn Yên là Dương Thị Huyền, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Tả Ván; anhNguyên, trước ở Đồn Tùng Vài, nay do yêu cầu nhiệm vụ, đã chuyển đi đơn vị khác, song vợ anh, cô Đỗ Thị Hiếu, vẫn ở lại và là Hiệu trưởng trường Mầm non xã Tùng Vài. Đồn còn có “Quê nếp” , ấy là Trung úy Thào Chẩn Dìn, dân tộc Mông, sinh ra tại thôn Tùng Vài Phìn, xã Tùng Vài, lấy vợ là Mai, cùng dân tộc và là người cùng thôn.


Tuy là nhà gần ngay Đồn, song cũng chẳng mấy khi các đức ông chồng được về nhà, bởi công việc đơn vị, rồi việc địa bàn. Có những ai đã lên vùng cao, vùng khó khăn, nơi biên giới, đều thán phục sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó của con người nơi đây, nhất là sự trung hậu, đảm đang của những “Nàng dâu biên phòng”. Lo toan bộn bề công việc của trường, phân viện, rồi việc xã hội, việc gia đình, ấy là chưa kể những khi có việc đột xuất, song mỗi người đều chung thuỷ, chịu khó, làm tốt việc nước, việc nhà. Hết giờ làm việc, chị em lại bận rộn với công việc gia đình: Chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, chăn nuôi, cũng có người làm thêm bằng mở hàng tạp phẩm.


Mỗi khi có việc ở Đồn, vào những ngày lễ, tết, 3.3, là những ngày hội ngộ giữa CBCS Đồn cùng các cặp vợ chồng, con của họ. Cùng với liên hoan giao lưu văn hoá - văn nghệ, đám trẻ con cũng tham gia; đồng thời cũng là dịpcác “dâu đồn” thể hiện tài nội trợ. Những bữa cơmcó cả các vợ, con biên phòng, bà con dân bản thật đầm ấm. Cô giáo Oanh, vợ Hùng cho biết: “Tết năm nào, Đồn cũng mời các cặp vợ chồng lên ăn tết cùng đơn vị, vui lắm”.


Khi chúng tôi cùng Chính uỷ BĐBP Hà Giang đến thăm các gia đình: Bảy, vợ Điệp đưa con về Hà Giang học, Hùng đang ở xã Cao Mã Pờ. 2 vợ chồng Đường- Liên. Thăm gia đình vợ chồng Đường- Liên, kề đó là nhà Hùng- Oanh, các hộ đều có vườn rau xinh xắn, chuồng lợn, gà, chuồng chim bồ câu. Vắng các đức ông chồng, song các vợ, con của họ không bị lẻ loi, bởi những khi ốm đau, vui buồn, họ luôn có hàng xóm, các đồng nghiệp, bà con địa bàn động viên, chia sẻ, rồi có cả CBCS Đồn. Đã qua rồi những ngày “Bộ đội cô giáo, rau cháo nuôi nhau”, tiện nghi sinh hoạt của các gia đình hầu như cũng có đủ, song vẫn đơn sơ, mộc mạc mà chân thành như tình cảm của người dân vùng cao, của những chiến sỹ biên phòng vậy. Niềm tự hào của các gia đình là: Trẻ con làng lính đều chăm ngoan, học giỏi, tự bảo ban, chăm em, làm việc vặt khi bố, mẹ vắng nhà. Dường như chúng tự ý thức gia cảnh của mình, sống tự lập, tự rèn luyện phù hợp môi trường. Số trẻ phải gửi về học ở Hà Giang hay ngoài huyện cũng vậy, khiến các cặp vợ chồng thêm yên tâm công tác, gắn bó với biên cương.


Ai có lên Tùng Vài, xin hãy dừng chân ghé thăm các hộ gia đình Làng lính Biên phòng.


Đặng Hoa Sim

Cùng chuyên mục

Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (trực thuộc trường CĐSP T.Ư) tặng quà xã Nghĩa Thuận
(HGĐT)- Ngày 24.3, Đoàn cán bộ giáo viên trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (trực thuộc trường CĐSP T.Ư) đến thăm và tặng quà xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).
26/03/2008
Tiếp nhận quà của quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) trao tặng huyện Đồng Văn
(HGĐT)- Chiều ngày 21.3.2008, tại phòng họp 303 UBND tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức lễ tiếp nhận quà của quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) ủng hộ đồng bào huyện Đồng Văn khắc phục đợt rét đậm, rét hại vừa qua.
25/03/2008
Trao tặng 80 triệu đồng xây dựng nhà bán trú dân nuôi xã Sơn Vĩ
(HGĐT)- Vừa qua, Báo SGGP và Tổng Công ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn (SABECO) - đơn vị đồng tài trợ đã thông qua Báo Hà Giang đến thăm, trao tặng 80 triệu đồng cho xã Sơn Vĩ để xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh lớp bán trú dân nuôi của xã. Cùng đi có lãnh đạo Báo Hà Giang.
24/03/2008
Thị xã Hà Giang trên đường tiến lên đô thị loại III
(HGĐT)- Để thị xã Hà Giang xứng đáng với tầm vóc là trung tâm văn hoá, chính trị lớn nhất của tỉnh, cuối năm 2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết về việc xây dựng thị xã đến năm 2010 đạt đô thị loại III.
20/03/2008