Về cuốn sách “Những bài khèn của người Mông ở Hà Giang” của tác giả Hùng Đình Quý

16:24, 28/09/2011

HGĐT- Bằng tâm huyết và sự nỗ lực lao động, sau nhiều năm điền dã sưu tầm, tác giả Hùng Đình Quý - nhà thơ, nhà sưu tầm văn hóa dân gian Mông - đã hoàn thành và cho ra mắt tập sách “Những bài khèn của người Mông Hà Giang” (Hội văn nghệ dân gian - NXB KHXH, 2005).


Tác phẩm in song ngữ Mông – Việt với gần 270 trang, gồm 13 bài ca, 42 bài khèn trong tang lễ và một bài giới thiệu về lễ ma bò của dân tộc Mông. Với sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật của dân ca Mông, tác giả đã thành công trong việc dịch thuật, mỗi bản dịch đều đảm bảo thủ pháp kết cấu trùng trùng điệp, cách gieo vần và hình ảnh đặc trưng, độc đáo của dân ca Mông.


Mở đầu cuốn sách, người đọc sẽ đến với Bài ca chỉ đường, một bài ca trong một nghi lễ bắt buộc chỉ có ở dân tộc Mông. Với lời ca chứa chan tình yêu thương, “Bài ca chỉ đường” vừa gợi lên nguồn gốc dân tộc, vừa là một nghi thức đặc biệt dẫn dắt linh hồn người chết tìm về đúng tổ tiên; là bài ca thần thoại thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Mông từ thủa xa xưa. Những quan niệm tuy thuần phác nhưng mang đầy ý nghĩa.


Theo thống kê của tác giả Hồng Thao trong cuốn “Âm nhạc dân tộc Hmông” (NXB VHDT– năm 1997), kho tàng âm nhạc Mông có nhiều “tổ bài khèn”, mỗi “tổ bài khèn” gồm 13 bài khèn nói về 13 đề tài khác nhau: Kể chuyện nguồn gốc trái đất, cội nguồn dân tộc, tiểu sử người làm khèn và lịch sử cây khèn... mỗi nhóm bài khèn lại gồm 5 bài khèn sắp xếp theo trình tự nhất định. Chính vì thế, trong một cuộc thi khèn nếu người đầu tiên thổi bài một thì người sau bắt buộc phải tiếp bài thứ hai. Riêng trong nghi lễ tang ma, tục truyền rằng dân tộc Mông có tới 360 bài khèn để tiễn hồn ma sau bài “Chỉ đường” (kruôz cê). Mặc dù chỉ là cách nói mang tính ước lệ của đồng bào song cũng cho thấy sự phong phú của các bài khèn.


Cuốn sách “Những bài khèn Mông ở Hà Giang” là công trình đầu tiên giới thiệu khá đầy đủ các bài khèn và sự phong phú của nó trong đời sống đồng bào. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy vì trong mỗi trường hợp người chết là nam, nữ, già, trẻ hay trong mỗi cách chết (ốm đau, treo cổ, ăn lá ngón,... ) đều có bài khèn riêng như:Khèn người lớn trẻ con, Khèn trai trẻ gái son, Khèn chết lá ngón... Mỗi nghi lễ trong đám ma tươi, ma khô, ma bò lại có một bài khèn riêng, chẳng hạn như: Khèn tắt thở, Khèn lên ngựa, Khèn giao con vật, Khèn cơm sáng, Khèn cơm trưa, Khèn đón khách viếng, Khèn ra nghĩa địa, Khèn đón hình nộm, Khèn lăn hình nộm...


42 bài khèn trong tác phẩm tuy chưa phải là nhiều song đã khẳng định được vị trí của cây khèn trong đời sống của đồng bào Mông. Dân tộc Mông có rất nhiềuloại nhạc cụ như: Sáo ngang, sáo dọc, kèn lá, nhị, đàn môi... song cây khèn được coi là một thứ nhạc cụ thiêng, chức năng chính của nó là sử dụng trong tang lễ, chỉ tiếng khèn mới thay lời người sống nói với người chết, thần linh, ma quỷ... Chính vì thế, từ lễ ma tươi, ma khô đến lễ ma bò, tiếng khèn đều giữ vị trí quan trọng, người ta không chỉ cần một cây khèn mà phải có cả một đội khèn.


Đến với cuốn sách này người đọc không chỉ hiểu đầy đủ các nghi lễ bắt buộc trong đám tang mà còn hiểu được nguyên nhân những điều mà người Mông kiêng kỵ như: kiêng úp bát, úp chén hoặc gác đũa trên miệng bát trong khi ăn...


Từ trước tới nay, có nhiều ý kiến cho rằng “người Mông dùng tiếng khèn để tỏ tình” song điều này hoàn toàn nhầm lẫn. Như đã nói, người Mông có nhiều loại nhạc cụ để bày tỏ tình yêu như sáo ngang, sáo dọc, đàn môi... nhưng không bao giờ là cây khèn. Cũng có khi người ta thổi khèn khi vui chơi, hội hè, lúc xuống chợ, có thể là những bài khèn trong đám ma song chỉ là những bài kể về lịch sử con người, nguồn gốc cây khèn... nhưng một điều chắc chắn rằng “người ta không dùng tiếng khèn để tỏ tình, tìm hiểu trong quan hệ nam nữ” (tr 38 – Âm nhạc dân tộc Hmông – Hồng Thao).


Có thể khẳng định “khả năng thổi khèn, múa khèn là một trong những chuẩn mực để đánh giá tài năng của người đàn ông Mông. Trong một phiên chợ, chàng trai nào múa khèn hay nhất thì được các cô gái để ý nhiều nhất” (“Khèn Mông đâu để gọi người yêu”- Hùng Hiền), “Chàng trai nào thổi khèn khéo thì tha hồ mà chọn người yêu” (“Tiếng khèn” – Nguyên Bình). Động tác thổi khèn cũng đòi hỏi sự luyện tập rất công phu “lăn trên mặt đất, hay múa khèn trên ba cái cọc, hoặc múa khèn trên một thanh tre bắc ngang qua chảo thắng cố đang sôi – khi múa khèn vẫn vang – không khác gì người làm xiếc” (tr 38 – Âm nhạc dân tộc Hmông - Hồng Thao). Như vậy, các cô gái có thể đem lòng yêu mến các chàng trai thổi khèn là vì họ yêu mến và khâm phục tài thổi hay, múa khèn điêu luyện của các chàng trai, chứ hoàn toàn không có “tiếng khèn gọi người yêu bên bờ suối” hay “tiếng khèn gọi bạn” như một số người vẫn lầm tưởng.


Thực tế hiện nay tìm được một người thuộc đầy đủ tất cả các bài khèn là điều vô cùng khó khăn, để có được cuốn sách với 56 bài ca, khèn ca nghi lễ là cả một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và công phu, đòi hỏi phải thật sự là người tâm huyết, bởi điền dã, sưu tầm được những bài khèn chính là góp phần gìn giữ “Hồn dân tộc” cho muôn đời sau.


Đến với “Những bài khèn của người Mông ở Hà Giang” ta sẽ hiểu thêm một nét văn hoá truyền thống, đặc sắc, độc đáo của đồng bào Mông.


HÙNG HÀ (Văn phòng Tỉnh ủy)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguyễn Kim Chung người “tìm” lại lịch sử
HGĐT- Ngồi trước tôi là Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Chỉ huy Phó Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu. Người ta biết đến ông là “người viết sử” sau khi cuốn sách Ngọn lửa Cao nguyên ra đời năm 2001. Cuốn sách vừa là những câu chuyện lại vừa là thể loại ký mà lại mang đậm chất lịch sử. Mái tóc muối tiêu vẫn bồng lên mỗi khi ông nói, đôi mắt vẫn thẳm sâu về một kí
28/09/2011
Các em hỏi vì sao
Các em hỏi vì sao cô lại là cô giáoNghề bình thường không vang những chiến côngKhông nổi danh như diễn viên, ca sỹKhông giầu sang như giám đốc công trường.
28/09/2011
Thu biên cương
Thu biên cươngNhững giọt sương long lanhĐậu trên cành sim tímThu biên cương bịn rịnBước chân đường tuần tra
28/09/2011
Một thoáng Hà Giang
Cho dù đi khắp bốn phươngXốn sang lòng những vấn vương xứ MèoĐường về Mèo Vạc cheo leoĐịa đầu cực Bắc suối đèo quanh quanh.
28/09/2011