Chú trọng quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú
BHG - Những năm qua, du lịch (DL) có bước phát triển ngoạn mục khi lượng khách và doanh thu dịch vụ đều tăng vọt, Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thành tựu đó kéo theo sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL), góp phần tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng phát triển DL nhanh, bền vững nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều áp lực trong công tác quản lý nhà nước về DL.
Từ năm 2011 đến nay, số CSLTDL trên địa bàn tỉnh tăng hơn 9 lần, từ 102 cơ sở lên 921 cơ sở, sức chứa tăng từ 1.392 buồng lên hơn 8.400 buồng. Đến hết quý 1 năm 2024 tăng lên 965 cơ sở và 8.839 buồng. Từ khi áp dụng Luật Du lịch 2017, tỷ lệ CSLTDL đủ điều kiện hoạt động và xếp hạng sao tăng. Trong số 51 CSLTDL đăng ký xếp hạng, có 2 cở sở đạt 4 sao, 4 cơ sở đạt 3 sao 18 cơ sở đạt 2 sao và 27 cơ sở 1 sao. Nhiều khách sạn hạng sao được xây dựng tại thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, có thể phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh, liên tỉnh. Cùng với đó các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng các căn bungalow, homestay, bãi cắm trại DL có sức chứa lớn phục vụ du khách.
Homestay Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) luôn nâng cấp dịch vụ lưu trú. Ảnh: An Giang |
Đến nay, 95% CSLTDL hoạt động bình thường, 5% cơ sở ít hoặc chưa hoạt động do ít khách, nhất là tại một số làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Tát Ngà, Niêm Sơn, Khâu Vai (Mèo Vạc), Thanh Sơn (Vị Xuyên), thôn Khiềm (Bắc Quang), một số cơ sở đang tiến hành sửa chữa, đầu tư nâng cấp. Công suất sử dụng buồng bình quân hàng năm cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách DL, vào những dịp lễ, Tết, công suất sử dụng buồng tại các huyện vùng Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn đạt 100%. Các CSLTDL mở rộng dịch vụ bổ sung để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu du khách như: Chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, thể thao, phục vụ hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí. Toàn tỉnh có khoảng 6.000 lao động làm việc trực tiếp tại các CSLTDL; lực lượng này cơ bản chưa có trình độ đào tạo chính quy, chỉ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do các cấp, ngành tổ chức, định mức lao động/buồng còn thấp, thiếu lao động có chuyên môn khiến chất lượng dịch vụ không ổn định.
Việc tăng nhanh về chất lượng và số lượng CSLTDL đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách, hướng đến xây dựng DL thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tuy nhiên cũng đặt ra áp lực lớn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Từ năm 2018, việc quản lý CSLTDL thực hiện theo Luật Du lịch 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành với các quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ cho từng bên tham gia; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh lưu trú DL, tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý và tổ chức xã hội nghề nghiệp về DL. Việc xếp hạng CSLTDL chuyển từ yêu cầu bắt buộc sang tự nguyện, tạo chủ động cho các cơ sở, điều kiện kinh doanh lưu trú DL được giảm ở tất cả các loại hình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng CSLTDL 3 sao trở xuống và thường xuyên kiểm tra chất lượng, đánh giá các điều kiện, ban hành thông báo CSLTDL đảm bảo phục vụ khách DL.
Khách du lịch thuê xe máy trải nghiệm Cao nguyên đá. Ảnh: Phan Thoa |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phần lớn các cơ sở chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần phải được khắc phục, trong đó, một số CSLTDL chưa đáp ứng đầy đủ quy định về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức; công tác báo cáo định kỳ chưa được thực hiện đầy đủ; quảng cáo sai loại hạng sao hoặc quảng cáo hạng sao khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận gây hiểu lầm về chất lượng dịch vụ. Toàn tỉnh có 297 cơ sở chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú DL, trong đó có 6 khách sạn, 65 nhà nghỉ, 10 nhà khách, 1 bãi cắm trại, 215 homestay. Một số cơ sở vi phạm liên quan đến các Luật Xây dựng, Đất đai, Di sản văn hóa.
Những bất cập nêu trên đòi hỏi cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ theo Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển DL toàn diện, nhanh và bền vững để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú DL, trong đó: Tăng cường phối hợp liên ngành, liên cấp trong kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm từ khâu thẩm định, cấp phép lập dự án đầu tư, đến việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh sau khi công trình hoàn thành đi vào hoạt động; không cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống CSLTDL, các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú DL; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị khách sạn, kỹ năng nghề cho cán bộ quản lý và nhân viên CSLTDL; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về CSLTDL đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách khuyến khích phát triển DL; đẩy mạnh chuyển đổi số; gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trú DL chất lượng tốt; hỗ trợ hướng dẫn CSLTDL làm hồ sơ tham gia các giải thưởng DL ASEAN hàng năm. Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ DL phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tuân thủ luật pháp, thực hiện đúng các nội dung ký kết, bảo đảm chất lượng dịch vụ, tôn trọng quyền lợi khách hàng và cạnh tranh bình đẳng.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc