Con chim nhỏ

17:03, 13/02/2024

BHG - Ăn cơm trưa xong, bố nói với mẹ Đa Đa:

- Chiều nay cả nhà mình sang bên bà ngoại chơi. Sáng mai Chủ nhật nhờ bà ngoại trông cu Bông, vợ chồng mình và Đa Đa đi Hồ Thầu, lên đỉnh Chiêu Lầu Thi săn mây, ngắm cảnh. Thời tiết dạo này đang đẹp!

- Cho cả Đa Đa đi á? Mẹ hỏi.

 - Ừ. Cho cả con nó đi. Năm nay Đa Đa đã gần 7 tuổi rồi còn gì.

Nghe bố nói thế Đa Đa nhảy cẫng lên sung sướng. Nó ôm lấy cổ bố, hôn chụt chụt vào má, hét lên:

- Ui, thích quá!  Con yêu bố!

Mẹ nói vẻ không yên tâm:

Minh họa: PHƯƠNG THẢO
Minh họa: PHƯƠNG THẢO

- Em lo con còn bé không leo được dốc. Nghe nói nhiều người khi lên Chiêu Lầu Thi đi được nửa đường phải quay về vì không đủ sức!

- Không lo đâu em. Hôm trước vợ chồng nhà Bộ Thúy lên đó, cho bé Nâu đi cùng. Bộ bảo Nâu đi nhanh hơn cả bố mẹ. Mà bé Nâu còn đẻ sau Đa Đa nhà mình mấy tháng.

Mẹ gật đầu:

 - Vâng, vậy thì cho con đi. Nhưng em nói trước là em không cõng Đa Đa đâu đấy. Bố con tự lo mà cõng nhau! 

Bố nói tự tin:

- Nhất định là không phải cõng đâu, con nhỉ!

 - Vâng ạ. Hoan hô bố! Đa Đa hào hứng vỗ tay!

                                *

Bố Đa Đa người miền xuôi, là bộ đội biên phòng, đóng quân ở xã biên giới, thỉnh thoảng mới được nghỉ vài ngày về thăm nhà. Mẹ Đa Đa là giáo viên tiểu học, dạy ở trường xã cách nhà mấy cây số nên khá vất vả. Cũng may nhà bà ngoại ở gần nên lúc nào bận quá mẹ lại đem cu Bông sang gửi bà trông hộ. Cu Bông, em trai Đa Đa, mới gần hai tuổi mà ở nhà ngoại nhiều hơn nhà mình.     

Thông Nguyên cách xã Hồ Thầu vài chục cây số, mặt đường được rải một lớp nhựa mỏng nên khá dễ đi. Bố đèo mẹ con Đa Đa bằng xe máy Win, côn tay, nhờ vậy việc leo dốc cũng không quá khó. Vậy mà thỉnh thoảng bố vẫn phải dừng xe nghỉ cho đỡ nóng máy. Trên đường đi Đa Đa bắt gặp nhiều du khách, cả ta lẫn tây, phần lớn là người trẻ, cũng đi phượt bằng xe máy lên đây.

Đến tháp sóng truyền hình ở chân núi Chiêu Lầu Thi, bố nói:

- Theo biển chỉ dẫn, từ đây lên đỉnh còn 800 mét, với hàng ngàn bậc đá, sẽ khá mệt đấy! Bây giờ là 9 giờ, mình phấn đấu thời gian cả lên lẫn xuống và ngắm cảnh chừng ba tiếng đồng hồ là vừa. 

                 *

 Vừa leo dốc Đa Đa vừa hỏi bố:

 - Bố ơi, Chiêu Lầu Thi nghĩa là gì ạ? Nó cao mấy nghìn mét? Ai là người xây bậc lên đây? Mùa nào trên này đẹp nhất?

Thấy Đa Đa hỏi liên hồi khiến bố không kịp trả lời, mẹ nhắc:

 - Nói vừa thôi con! Giữ sức mà đi. Chú ý nhìn đường kẻo vấp!

Được chừng 20 phút thì sự háo hức của Đa Đa giảm dần. Nó bắt đầu thấy mệt. Đúng lúc ấy có một con chim nhỏ như quả cau, màu nâu vàng, nhảy lách chách trên các cành cây bên đường. Nó nhảy theo nhịp bước của Đa Đa. Đa Đa không biết là con chim gì, nhưng rất thích. Nó nói với chim:

- Chào bạn chim bé nhỏ! Bạn cũng lên đỉnh Chiêu Lầu Thi à?

Chú chim nhỏ nghiêng đầu nhìn Đa Đa, huýt một tiếng trong veo rồi nhảy tiếp. Có chim nhỏ làm bạn đồng hành, Đa Đa như được tiếp thêm sức lực. Nó miệt mài bước trên những bậc đá, gương mặt đẫm mồ hôi.

Thấy Đa Đa im lặng, bố hỏi:

 - Mệt rồi à, cô bé? Đã cần cõng chưa?

- Chưa đâu bố. Con không thấy mệt!

Bố khen:

 - Con gái bố giỏi lắm!

Cuối cùng bố mẹ và Đa Đa cũng lên tới đỉnh Chiêu Lầu Thi, cao 2.402 mét. Đa Đa giục mẹ chải lại tóc để  chụp ảnh kỷ niệm bên cột mốc chóp đỉnh. Cột mốc hình tam giác nhọn ba mặt, có chạm khắc ngôi sao vàng, năm xây dựng, tên ngọn núi và độ cao so với mực nước biển, gắn trên bệ bê tông hình vuông.

Lên tới đỉnh, Đa Đa thấy mọi mệt nhọc tan biến. Gió đưa mây đến với mọi người. Chưa bao giờ Đa Đa thấy mây gần như vậy. Nó với tay vớt mây, ngập chìm trong mây, hít hà hơi mây và lâng lâng trong làn mây mát lạnh, tinh khôi!

Đang thả hồn trong mây, Đa Đa chợt nghe thấy tiếng lách chách của con chim nhỏ. Nó nhìn theo. Ô, con chim đang đậu trên một túi rác ai đó vứt ngay gần đấy. Đa Đa nhìn ra xung quanh thấy nhiều túi rác vứt bừa bãi. Phần lớn là túi ni lông, vỏ chai nhựa, vỏ hoa quả, vỏ bao thuốc lá, vỏ đồ hộp... Nó mở thùng rác đặt gần đấy, bên trong chỉ có vài túi rác!

Đa Đa thấy lạ quá. Nó tự hỏi, sao mọi người không bỏ rác vào thùng mà lại vứt lung tung? Nó đem chuyện này hỏi bố. Bố bảo, đấy là sự vô ý của những người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đa Đa hỏi tiếp, ai sẽ đem rác xuống dưới chân núi? Mẹ nói, chắc là các cô chú công nhân thu gom rác. Đa Đa nghĩ, các cô chú công nhân hằng ngày phải leo lên đây gom rác đem xuống thì mệt lắm! Sao mọi người lên đây lại không tự mang túi rác của họ xuống núi? Việc này có nặng nhọc gì đâu! Nếu mọi người làm vậy thì sẽ đỡ vất vả cho các cô chú công nhân thu gom rác biết bao nhiêu!

 Đa Đa nói chuyện này với bố mẹ. Mẹ bảo không dễ đâu con ạ, thói quen mọi người là thế rồi, khó sửa lắm! Bố ôm lấy Đa Đa, hôn lên tóc nó, nói thật vui:

 - Con gái bố thật tuyệt! Ngay bây giờ nhà mình hãy gom rác lại và mang xuống núi. Biết đâu mọi người làm theo cũng nên! Chiều nay trên đường về bố sẽ vào nhà bác Chủ tịch xã, bàn với bác ấy cho người làm một tấm biển ghi dòng chữ “Hoan nghênh du khách gom rác thải và tự đem xuống núi”, đặt ở ngay cạnh lối lên đỉnh chóp.

Đúng lúc Đa Đa cùng bố mẹ và mấy du khách đang lúi húi gom rác, con chim nhỏ từ đâu bay đến huýt lên mấy tiếng thật to, thật trong rồi vỗ cánh bay vút lên khoảng không bao la.

Truyện thiếu nhi: Nguyễn TRẦN BÉ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tết này của Phấy và Sếnh
BHG - Cơn gió mùa Đông Bắc đặc quánh hơi nước đem theo cái lạnh cắt da thổi hun hút khắp sườn núi. Phấy đeo quẩy tấu lầm lũi đi vào khe suối tìm rau chăn lợn.
13/02/2024
Hồn quê trong những phiên chợ Tết
BHG - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người ta thường tìm về với những giá trị văn hóa cội nguồn tại làng quê để có thể cảm nhận những hương vị quen thuộc, được hòa vào không khí ấm áp, náo nức cảm nhận âm hưởng của mùa Xuân trong những phiên chợ Tết.
13/02/2024
Hoa đào bên bờ rào đá
BHG - Mùa Xuân về trên Cao nguyên đá là khi đất trời cùng tấu lên bản giao hưởng của những loài hoa. Giữa bạt ngàn đá xám là không gian ngập tràn sắc hương. Sau một năm ẩn mình, chắt chiu nhựa sống, các loài hoa cùng hẹn nhau bung nở rực rỡ cả khung trời. Trong bản giao hưởng ấy là những nốt nhạc chứa màu hồng thắm của hoa đào; màu trắng của hoa lê, mơ, mận; màu hoa Tam giác mạch đa sắc trong mỗi khoảnh khắc giao thoa.
12/02/2024
Năm Thìn nói chuyện Rồng quê núi
BHG - Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, mười hai con giáp đặt tên mười hai năm theo cách tính Can, Chi của các cụ từ thuở xưa đặt truyền. Năm 2024 là năm con Rồng, là năm Thìn. Đầy đủ Can, Chi là năm Giáp Thìn.
11/02/2024