Phát huy giá trị văn hóa dân tộc
BHG - Hà Giang có 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87%. Mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH.
Người dân thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) giữ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. |
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Văn hóa giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; góp phần nâng cao trình độ dân trí, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lòng tin của đồng bào trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng; củng cố tình đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng; nâng cao mức hưởng thụ về đời sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để xây dựng một xã hội phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn hiện nay và lâu dài.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, thực hiện, trong đó có các nghị quyết chuyên đề về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; đề án về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030; đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng… Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Biên soạn tin, bài, tiểu phẩm bằng nhiều tiếng dân tộc; tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động, hệ thống loa phát thanh hay tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư…
Hội Nghệ nhân dân gian xã Sủng Trà (Mèo Vạc) hướng dẫn thế hệ trẻ múa khèn Mông. |
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm, chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, nhất là các Hội nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến nay, toàn tỉnh có 193 mô hình Hội nghệ nhân dân gian cấp xã và 1 mô hình Hội nghệ nhân dân gian cấp huyện với hơn 9.000 hội viên tham gia. Đây là mô hình tự nguyện của các nghệ nhân được cấp ủy, chính quyền địa phương đề xuất, vận động thành lập nhằm quy tụ các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc như: Mở các lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô, Dao, Tày tại các huyện Mèo Vạc, Bắc Quang, Quang Bình; truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông tại huyện Bắc Mê; khảo sát nghi lễ cúng rừng của dân tộc Cờ Lao tại xã Sính Lủng (Đồng Văn). Cùng đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào trường học. Từ tài liệu này, các trường sẽ vận dụng, lồng ghép vào các môn học, đảm bảo phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được tỉnh đặc biệt quan tâm. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm kê nhận diện 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đến nay, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di sản văn hóa vật thể, 27 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và xếp hạng di sản quốc gia và cấp tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế như: Trong cộng đồng vẫn tồn tại một số hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội; các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt của người dân còn thiếu, chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định… Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành cần quan tâm, đầu tư phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển KT - XH nhằm tạo tính bền vững và bản sắc riêng cho mỗi dân tộc. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Hội nghệ nhân dân gian, phát huy vai trò lực lượng người có uy tín. Bởi đây là lực lượng quan trọng trực tiếp tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng và thế hệ trẻ nhận thức được giá trị văn hóa trong đời sống. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương…
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc