Đại biểu đoàn Hà Giang tham gia các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội sáng 21.11
BHG - Trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào sáng 21.11 đã dành thời gian cho các đại biểu thảo luận vào các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng 2023.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 21.11. Ảnh: CTV |
Thảo luận vào báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV, đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, năm 2023, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra nhiều thách thức. Nhưng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển KT – XH và đối ngoại của đất nước. Cơ bản những nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu, nổi bật như: Tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%; điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt; triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa đấu tranh các hoạt động buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng…
Tuy nhiên, tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ. Công tác phòng ngừa, vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế như: Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ, nhưng số người bị thương lại gia tăng, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng. Số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng internet được phát hiện gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn.
Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang dự phiên thảo luận. Ảnh: CTV |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan đề xuất: Thứ nhất, về giảm thiểu tai nạn giao thông, cần tăng cường quản lý, xử lý học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 đến trường khi chưa đủ tuổi. Theo đại biểu, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 không cần có giấy phép lái xe. Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh cấp 3, người trên 16 tuổi sử dụng loại phương tiện này tham gia giao thông rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện chưa được đào tạo, sát hạch, thậm chí có nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật trật tự giao thông trước khi tham gia lưu hành trên đường.
Từ vấn đề trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét ban hành quy định về việc đào tạo, sát hạch đối với các trường hợp sử dụng phương tiện xe gắn máy có dung tích dưới 50cm3 để bảo đảm mọi người dân khi tham gia giao thông đều được đào tạo, sát hạch, có nhận thức đầy đủ về Luật An toàn giao thông.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan phát biểu thảo luận |
Thứ hai, đại biểu cho rằng thực tiễn hiện nay, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang rất phức tạp, nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Tỷ lệ điều tra, xử lý và thu hồi tài sản đối với hành vi này rất thấp vì phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường công tác quản lý, công tác hợp tác quốc tế để ngăn chặn tình trạng này.
Thứ ba, về tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội danh này là hành vi lừa đảo cố ý chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình một cách bất hợp pháp, thủ đoạn của việc chiếm đoạt đó là hành vi gian dối. Quá trình xác định tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hiện nay rất khó khăn, vì rất dễ nhầm lẫn giữa tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặt khác, Bộ luật Hình sự chưa quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội được liệt kê tại Điều 76 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lại không được liệt kê trong số các tội đó.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Lý Thị Lan đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bổ sung quy định về pháp nhân thương mại là chủ thể của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để có cơ sở pháp lý giải quyết những bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc