Tấm gương sáng ngời cho các thế hệ

08:10, 16/10/2014

HGĐT- Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1.2.1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Anh là người thông minh, nhanh nhẹn, siêng năng, học giỏi, được thầy yêu, bạn mến.


Tuổi thơ của Nguyễn Văn Trỗi trải qua nhiều vất vả, từng phải đi làm thuê kiếm sống. Sau đó, anh theo người nhà đến vùng đất Đà Nẵng lao động và tranh thủ học nghề thợ may. Hè năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.


Khoảng giữa năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập tổ chức, trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn, bước vào đời hoạt động cách mạng, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1964, anh được cử đến căn cứ Rừng Thơm (Long An) học tập một số chiến thuật đánh giặc. Anh đã sớm nhắm một số mục tiêu như: Cư xá Mỹ ở đường Cao Thắng, tàu hải quân Mỹ đóng ở Bạch Đằng... Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương mấy tên địch.


Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5.1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ được hơn mười ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ, anh bị giặc bắt.


Để đảm bảo an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, trước giây phút bị quân thù xử tử, anh vẫn không ngừng đấu tranh với kẻ địch, luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.


Biết tin Nguyễn Văn Trỗi đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Sài Gòn, cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, du kích Vênêduêla bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố Thủ đô Caracat để trao đổi, giải thoát cho anh và tuyên bố nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức trung tá Mỹ sẽ bị bắn chết. Tuy đã có sự thỏa thuận, nhưng khi trung tá Mỹ vừa được thả ra thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở mặt, lật lọng. Chúng hèn hạ xử bắn anh tại trường bắn Khám Chí Hòa, Sài Gòn sáng ngày 15.10.1964.


Tuy biết trước sẽ bị tử hình nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời, xem cái chết nhẹ như lông hồng. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản, tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Khi chúng bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”. Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to: Hãy nhớ lấy lời tôi/ Đả đảo đế quốc Mỹ/ Đả đảo Nguyễn Khánh/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm! Học tập gương chiến đấu của Nguyễn Văn Trỗi, khắp cả nước dấy lên phong trào thi đua, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ cứu nước. Lớp lớp thanh niên trên mọi miền đất nước noi gương anh, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xông pha ra mặt trận chiến đấu, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Với những hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước, năm 1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh.


Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi luôn là tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho các thế hệ thanh niên học tập, noi theo, tích cực rèn luyện, phấn đấu đóng góp trí tuệ, sức lực vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.


LƯƠNG ANH (Theo tài liệu tuyên truyền của BTG Tỉnh ủy)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết Đổi mới về cơ cấu từng ngành kinh tế và 3 đột phá, 7 chương trình trọng tâm
HGĐT - Ngày 15.10, UBND tỉnh tổ chức sơ kết Đổi mới cơ cấu từng ngành kinh tế và 3 đột phá, 7 chương trình trọng tâm về lĩnh vực nông lâm nghiệp, công thương, GT-VT. Đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị. Các đồng chí Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.
15/10/2014
Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố Hà Giang lần thứ 27 (mở rộng)
HGĐT - Ngày 14.10, BCH Đảng bộ thành phố Hà Giang tổ chức Hội nghị lần thứ 27 (mở rộng). Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội nghị; dự hội nghị có đại diện các Ban Đảng Tỉnh ủy.
15/10/2014
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý làm việc tại Hội VHNT tỉnh
HGĐT - Chiều 14.10, tại Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên , Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Thường trực, Ban Chấp hành (BCH) Hội VHNT tỉnh. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.
15/10/2014
Hội Cựu chiến binh Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh: Đại hội thi đua Cựu chiến binh gương mẫu lần thứ nhất
HGĐT - Chiều 14.10, Hội Cựu chiến binh (CCB) Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh tổ chức Đại hội thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” lần thứ nhất giai đoạn 2014 – 2019.
15/10/2014