Bước đầu thực hiện Luật Quản lý thuế ở ngành Hải quan
HGĐT- Luật quản lý thuế chính thức có hiệu lực từ 1.7.2007. Nội dung của Luật quy định cụ thể về các lĩnh vực đăng ký thuế, khai thế, nộp thuế, ấn định thuế; thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; xoá nợ tiền thuế, tiền phạt; quản lý thông tin về người nộp thuế; kiểm tra thuế, thanh tra thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; xử lý vi phạm pháp luật về thuế; giải quyết khiếu nại thuế.
Luật cũng quy định các thủ tục hành chính để thực hiện các nội dung quản lý với mục tiêu đơn giản thủ tục, minh bạch, dễ thực hiện; tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của Nhà nước, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Để Luật quản lý thuế nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Cục Hải quan Hà Giang đã triển khai nội dung của Luật đến từng cán bộ, công chức và các doanh nghiệp, tư thương tham gia hoạt động XNK. Nội dung của Luật được tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội nghị đối thoại giữa Hải quan với doanh nghiệp, niêm yết công khai tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu để doanh nghiệp, tư thương nắm rõ và thực hiện tốt các nội dụng quy định trong luật. Sau 2 năm thực hiện, Luật quản lý thuế đã thực sự đi vào cuộc sống, đề cao quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân qua việc thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Nhận thức của người nộp thuế đã được nâng cao, thể hiện qua tỷ lệ vi phạm pháp luật thuế giảm rất nhiều so với trước thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực.
Việc thực hiện Luật quản lý thuế trong lĩnh vực Hải quan đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong hoạt động nghiệp vụ, cán bộ Hải quan đã thực hiện đầy đủ, tuân thủ nghiêm các quy định về quy trình thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá XNK. Từ đầu năm đến nay, ngành Hải quan đã áp dụng khai báo hải quan từ xa với tổng giá trị 40 triệu USD, đạt 72% tổng kim ngạch hàng hoá XNK. Tính đến đầu tháng 8, tổng số thuế thu, nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 91 tỷ đồng. Cục Hải quan đã tiến hành tham vấn, xác định giá trị thuế đối với mặt hàng trọng điểm thuộc danh mục các mặt hàng trọng điểm cần tập trung quản lý, tổng số tiền điều chỉnh tăng sau tham vấn đạt 463 triệu đồng. Cục Hải quan còn thường xuyên thu thập thông tin về doanh nghiệp tham gia XNK qua các cửa khẩu của tỉnh; chi cục Hải quan cửa khẩu thường xuyên áp dụng có hệ thống các biện pháp, quy trình nghiệp vụ nhằm kiểm soát hiệu quả nguy cơ tiềm ẩn việc không tuân thủ pháp luật về Hải quan trong quá trình XNK hàng hoá. Đến nay, đã thu thập thông tin 100% doanh nghiệp tham gia XNK, đạt trên 55% tiêu chí. Tỷ lệ tờ khai phân luồng đỏ - kiểm tra thực tế hàng hoá chiếm 4%, tỷ lệ tờ khai phân luồng xanh chiếm 62,5% tổng số tờ khai XNK. Công tác kiểm tra sau thông quan được chú trọng, Cục Hải quan đã phúc tập 577 bộ hồ sơ, kết thúc kiểm tra sau thông quan đối với 27 bộ hồ sơ nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô, truy thu trên 84 triệu đồng; 17 tờ khai đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu, ra quyết định truy thu gần 61 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật quản lý thuế ở ngành Hải quan còn gặp một số khó khăn như việc xử lý vi phạm luật thuế có lúc, có nơi khó thực hiện do người nộp thuế vi phạm nhưng không còn số dư tiền gửi ngân hàng nên các biện pháp cưỡng chế như trích tiền gửi tại ngân hàng không thực hiện được. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy chế chỉ đạo, thống nhất giữa các bộ, ngành trong công tác thu hồi nợ thuế, hỗ trợ cơ quan thuế trong việc cưỡng chế thu hồi nợ cũng như chưa có quy trình cưỡng chế nợ đọng thuế. Để cưỡng chế, cơ quan thuế phải tiến hành nhiều thủ tục, qua nhiều bước phức tạp nên hiệu quả đạt được không cao. Khắc phục những khó khăn, từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu thuế nộp ngân sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, không để nợ quá hạn phát sinh, tập trung thu hồi, xử lý 80% số nợ phát sinh trước thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực.
Ý kiến bạn đọc