Phát triển giao thông - vận tải ở huyện Mèo Vạc
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá của tỉnh, có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Để kinh tế của huyện phát triển ổn định thì hoạt động Giao thông - Vận tải đóng vai trò khá quan trọng, thông qua hoạt động này nhân dân trong huyện có điều kiện giao lưu trao đổi hàng hóa thúc đẩy phát triển KT-XH và giữ vững AN-QP tại địa phương.
Đến nay, cơ sở hạ tầng giao thông huyện Mèo Vạc đã có bước phát triển đáng kể. Từ các xã khó khăn như Sơn Vĩ, Xín Cái, Thượng Phùng, Nậm Ban, Niêm Sơn, Niêm Tòng... tất cả đều xây dựng được hệ thống đường giao thông khá hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế của mỗi địa phương phát triển vững chắc và tạo điều kiện cho nhân dân các vùng có điều kiện trao đổi, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Theo đánh giá của huyện về việc phát triển các công trình giao thông cho thấy, từ năm 2000 đến nay, toàn huyện đã mở mới được nhiều km đường giao thông nông thôn. Điển hình trong năm 2006, toàn huyện đã tiếp tục thi công các tuyến đường giao thông, tuyến đường ô tô đến các xã như tuyến từ trung tâm huyện đến xã Niêm Tòng, tuyến đường Niêm Sơn - Nậm Ban. Có 16 xã, thị trấn đã huy động nhân dân đóng góp 78.727 ngày công (tương đương 944,724 triệu đồng), kết hợp với các chương trình, dự án mở mới 13 tuyến đường dân sinh với tổng chiều dài 55,2 km; mở mới, nâng cấp 10 tuyến đường dân sinh thành đường ô tô với tổng chiều dài 15,47 km đến trung tâm xóm, bản. Hiện đang thi công 11 tuyến đường ở các xã Giàng Chu Phìn, Sủng Máng, Sủng Trà, Tả Lủng, Xín Cái, Pả Vi, Thượng Phùng. Hầu hết các tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã huyện huy động nhân dân tu sửa, bảo dưỡng đảm bảo thông suốt quanh năm, đặc biệt là về mùa mưa. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện Mèo Vạc có 90% xóm bản đã có đường dân sinh hoặc đường ô tô đến trung tâm - đây chính là nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện thời gian qua đã góp phần làm cho nền kinh tế của huyện không ngừng được phát triển. Từ chỗ giao thông phát triển thuận lợi đã làm cho hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách bằng ô tô trên địa bàn huyện được đổi mới về nhiều mặt, cụ thể như: Số lượng xe tăng nhanh, chất lượng xe được cải thiện, các chuyến vận chuyển hành khách và hàng hóa cố định được mở mới nhiều. Cùng với việc vận chuyển hành khách và hàng hóa theo tuyến cố định thì hình thức vận chuyển theo phương thức hợp đồng cũng đã hình thành làm cho thị trường vận tải thêm sôi động, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn và an toàn hơn, đáp ứng với nhu cầu đi lại cũng như trao đổi hàng hóa của nhân dân. Ngày nay hành khách đi xe có thể lựa chọn nhiều dịch vụ phù hợp như lựa chọn giờ xe đi, các loại xe tốt, giá cả thích hợp để vận chuyển hàng hóa về tới tận vùng sâu, vùng xa trong huyện.
Đến với Mèo Vạc hôm nay, trong chúng ta ai cũng có thể nhận thấy được về một huyện khó khăn nhưng rất đỗi anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Mỗi tuyến đường đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của đồng bào các dân tộc nơi đây, họ miệt mài lao động để rồi có được thành quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, cụ thể là đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 13,5%, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 58%. Điều quan trọng và vinh dự hơn cả là vừa qua huyện Mèo Vạc đã được Bộ Giao thông - Vận tải quyết định trao tặng Cờ thi đua xuất sắc trong năm 2006 về lĩnh vực phát triển giao thông nông thôn miền núi. Bước sang năm 2007, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, tỉnh đã có chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, có cơ chế phân cấp mạnh về cơ sở - đây chính là điều kiện cơ bản để cho huyện Mèo Vạc tiếp tục triển khai hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở và đầu tư cho phát triển, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện và cơ sở chủ động, khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh và nội lực để phát triển KT-XH trên địa bàn theo Nghị quyết Huyện Đảng bộ đã đề ra.
Ý kiến bạn đọc