Tín chỉ các-bon rừng, cơ hội và thách thức cho ngành Lâm nghiệp
BHG - Tín chỉ các - bon (carbon) là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997.
Tín chỉ carbon rừng là tín chỉ được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính (KNK) bao gồm: Giảm mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng và tái tạo thảm thực vật (ARR), và hoạt động tăng cường quản lý rừng (IFM).
Thị trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng carbon từ các bể chứa carbon khác như đất than bùn và đất ngập nước.
Rừng tự nhiên ở Hà Giang. |
Phát triển các dự án tín chỉ carbon rừng là cơ hội lớn cho các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà nhu cầu đối với loại hình tín chỉ này đang rất lớn trên thị trường carbon. Ngoài ra, giá của tín chỉ carbon rừng cũng thường cao hơn so với các loại hình tín chỉ khác. Theo số liệu năm 2019, giá trung bình của một tín chỉ REDD+ là 3,79 USD/tín chỉ và đối với các dự án trồng rừng mới, tái tạo thảm thực vật là 7,89 USD/tín chỉ. Tại Việt Nam, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB). Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho WB với tổng số tiền 51,5 triệu USD.
Tại Hà Giang toàn tỉnh có 387.357 ha rừng tự nhiên, 90.430 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ đạt 58,9%, là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 3 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (theo Quyết định số 816/QĐ-BNN ngày 20/3/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT). Hiện rừng Hà Giang đang là bể chứa carbon khổng lồ. Đây là nguồn lực mới đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng đồng thời cũng là lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư xanh.
Với những ưu thế này, Hà Giang sẽ có nhiều lợi ích khi tham gia thị trường kinh doanh tín chỉ carbon. Cụ thể, về kinh tế, giao dịch tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn thu dịch vụ môi trường rừng bổ sung cho việc bảo vệ rừng và trồng rừng, tăng cường tỷ lệ che phủ, bảo tồn và gìn giữ tài nguyên rừng; góp phần tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng.
Về môi trường, sẽ giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh...
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang đã xác định nhiệm vụ đối với ngành Lâm nghiệp là việc rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, phát triển dịch vụ chi trả môi trường rừng và đa dạng hóa các lợi ích từ rừng (du lịch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển nông nghiệp dưới tán rừng như: Các sản phẩm ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng); nghiên cứu, xây dựng và tham gia thị trường tín chỉ carbon...
Rừng phòng hộ tại thôn Khâu Làn xã Quyết Tiến (Quản Bạ). |
Đồng thời, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 10.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 190/KH - UBND ngày 2.7.2021 của UBND tỉnh về thực hiện đề án 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 272 /KH-UBND tỉnh ngày 16.11.2021 về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, nêu rõ phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế, kế thừa thành quả, kinh nghiệm của những năm vừa qua. Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị về đa dạng sinh học của diện tích rừng tự nhiên, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái...
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giảm phát thải CO2, việc tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ carbon… đã và đang dần được hoàn thiện. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về thi hành Luật Lâm nghiệp đã đưa nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng vào quy định. Ngày 29.2.2024 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 208/QĐ-TTg. Theo đó, đề án đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Ngày 18.1.2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong nước.
Theo kết quả kiểm kê rừng của ngành Lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 24.3.2016 về phê duyệt kết quả kiểm kê rừng thì toàn tỉnh có khoảng gần 90.000 ha rừng tự nhiên có trữ lượng (rừng giàu 845,0 ha, rừng trung bình 27.754,0 ha, rừng nghèo 61.314,0 ha) đây là những diện tích rừng có thể hấp thụ CO2 nhiều nhất, nếu tính toán theo công bố kết quả đo tính khả năng hấp thụ CO2 của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (năm 2018) thì tổng lượng hấp thụ của diện tích rừng tự nhiên hiện có đạt khoảng 9,7 triệu tấn CO2 cho một giai đoạn nhất định (chưa tính diện tích rừng chưa có trữ lượng, rừng trồng…), với giá chuyển nhượng thị trường tự nguyện để bù trừ như vùng Bắc Trung Bộ đã bán (5 USD/tấn) thì Hà Giang có thể thu về khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Với nguồn thu dịch vụ môi trường lớn như vậy sẽ góp phần không nhỏ cho công tác bảo vệ phát triển rừng, nâng cao đời sống cho người dân…
Tuy nhiên, để đo đạc, tính toán, thẩm định và đưa được ra thị trường, tìm được đối tác mua lượng giảm phát thải nêu trên vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức như hiện nay đang thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon rừng... Có nhiều tiêu chuẩn carbon khác nhau trên thế giới, trong khi trong nước chưa có tiêu chuẩn. Cần kinh phí đầu tư để xây dựng dự án, giám sát, thẩm định và cấp tín chỉ. Việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế… Theo đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon do Bộ Tài chính dự thảo thì sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Để chuẩn bị việc tham gia thị trường này, Chính phủ đã ban hành các văn bản về kiểm kê khí nhà kính và xác lập phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực, ngành, cơ sở; làm cơ sở để hình thành thị trường carbon rừng trong nước. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở sẽ được cấp từ 2026 – 2030 đồng thời với xác nhận tín chỉ carbon, từ đó sẽ hình thành bên bán và bên mua tín chỉ carbon rừng để bù đắp lượng carbon phát thải vượt hạn ngạch.
Đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi chuyên môn cao cần có đơn vị tư vấn có chuyên môn xây dựng hồ sơ, tìm kiếm đối tác… Hiện nay Hà Giang là 1 trong số các tỉnh được tiếp nhận, quản lý Dự án “Xây dựng năng lực tham gia một cách hiệu quả vào thị trường carbon rừng chất lượng cao” thông qua khoản viện trợ của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đây cũng là cơ hội để tiếp cận từng bước đến thị trường carbon rừng có hiệu quả cho tỉnh Hà Giang.
Nguyễn Đức Bình (Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh)
Ý kiến bạn đọc