Quản Bạ nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã

09:23, 08/01/2024

BHG - Với lợi thế là huyện của ngõ Cao nguyên đá có lượng khách du lịch lớn đã giúp cho việc giao thương, buôn bán của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Quản Bạ phát triển, vừa trực tiếp tạo nguồn thu cho địa phương và là động lực phát triển KT-XH. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế, cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện nay các HTX tại Quản Bạ chủ yếu sản xuất các sản phẩm phục vụ du khách hoặc cung cấp thực phẩm thiết yếu cho các nhà hàng, quán ăn, điểm dừng chân. Từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng khách du lịch bắt đầu tăng, việc tiêu thụ các sản phẩm của các HTX đã dần khởi sắc, với nhiều sản phẩm dược liệu, mật ong, chè, rau củ… được bán tại các điểm dừng chân, trục đường Quốc lộ 4C. Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm cho biết: “Nhờ hoạt động du lịch khôi phục trở lại nên sản phẩm của HTX bán được nhiều hơn khi có dịch Covid-19. Hiện nay, phần lớn doanh thu của HTX phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Mặc dù đã triển khai bán hàng online, bán trên các sàn thương mại điện tử nhưng HTX vẫn chưa chạy hết công suất các loại máy móc. Các đơn hàng chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của khách hàng”.

Phòng trưng bày sản phẩm dược liệu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.
Phòng trưng bày sản phẩm dược liệu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ.

Được biết, huyện có 48 HTX với 851 thành viên, gồm: 34 HTX nông nghiệp; 3 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 6 HTX xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng; 5 HTX thương mại dịch vụ. Tổng vốn điều lệ của các HTX trên 54,4 tỷ đồng, số lao động làm việc thường xuyên trong các HTX trên 300 người. Trong đó, có 33 HTX đang hoạt động, 15 HTX tạm ngừng hoạt động. Đến nay có 10 HTX có sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP với tổng số 26 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Các sản phẩm tiêu biểu đạt 4 sao OCOP gồm: Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá, ví kính, ví dài, ba lô dệt lanh nhỏ; 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: Mật ong Bạc hà, mật ong rừng, mật ong Xuyến chi; rượu Thanh Vân, Bản Shan trà, Bản Shan Hồng trà, chè Shan tuyết Tùng Vài, Trà Giảo cổ lam, Cao Atiso, Trà gừng, trà Kim ngân hoa, bột Thảo quả…

Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn có sự phát triển đáng kể, được củng cố về mọi mặt, ngày càng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả. Đóng góp vào các khâu sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng và chế biến các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ quản lý công cộng. Việc liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với thành viên và người lao động luôn được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Huyện đã hình thành một số mô hình liên kết như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu giữa Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên đá và các HTX dược liệu, giữa các HTX dược liệu và người dân; mô hình liên kết và tiêu thụ các sản phẩm rau, hoa hồng, mật ong, chè, Hồng không hạt...

Tuy nhiên, địa phương vẫn trăn trở khi số HTX kinh doanh có hiệu quả chiếm tỷ lệ nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, không có tích lũy, khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế. Một số HTX thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả, thiếu vốn sản xuất nhưng chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư, đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về trình độ, chưa thu hút sự tham gia đầy đủ của thành viên. Chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với HTX và giữa các HTX với nhau nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Việc tiếp cận các nguồn vốn của các HTX còn khó khăn do không đáp ứng được điều kiện của các ngân hàng thương mại.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, kế toán HTX; sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển KT-XH như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chương trình phát triển cây dược liệu, giảm nghèo, cải tạo vườn tạp... Thúc đẩy việc hình thành các mối liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và người dân theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ các HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thích ứng với điều kiện thực tế. Hỗ trợ các HTX phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là các hình thức quảng bá, bán hàng tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phòng giao dịch Vĩnh Tuy đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

BHG - Không nằm ngoài “dòng chảy” chuyển đổi số của thế giới cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp trên, thời gian qua, Phòng giao dịch (PGD) Vĩnh Tuy đã tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại địa phương.

30/12/2023
Tạo đột phá hạ tầng giao thông

BHG - Xác định hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển KT - XH, vì vậy Đảng bộ huyện Bắc Mê huy động các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình quan trọng, cấp thiết được khánh thành, đưa vào sử dụng góp phần quan trọng cho kinh tế, xã hội của huyện. Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, hạ tầng giao thông huyện Bắc Mê có nhiều đột phá và là bước đệm quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH, đảm bảo AN – QP.

30/12/2023
Chợ truyền thống khó khăn trong “bão” chuyển đổi số

BHG - Chợ truyền thống từ xưa đến nay luôn được coi là nơi mua bán ưa thích của người dân, gắn liền với những nét văn hoá đặc sắc tại mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày một phát triển, ngày càng có nhiều hình thức mua bán, trao đổi tiện lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chợ trực tuyến trở thành sự lựa chọn của nhiều người mua hàng, thì chợ truyền thống đang đứng trước thách thức rất lớn về thị phần.

29/12/2023
Nghị quyết 43 thúc đẩy phát triển KT - XH Hà Giang

BHG - Nghị quyết số 43 (Nghị quyết) của Quốc hội khóa XV về “Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH” sau đại dịch Covid – 19 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội ngày 11.1.2022 được xem là chính sách chưa từng có tiền lệ, tác động lớn giúp phục hồi nền kinh tế của đất nước. Tại tỉnh ta, Nghị quyết đã thúc đẩy tăng trưởng KT – XH của tỉnh với tổng giá trị sản phẩm năm 2022 (GRDP) tăng 7,8% so với năm 2021, năm 2023 ước tăng 5,5% so với năm 2022.

29/12/2023