Xây dựng Nông thôn mới ở vùng biên

09:35, 05/12/2023

BHG - Những năm qua, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã được triển khai thực hiện ở 34 xã, thị trấn biên giới. Với đặc thù là điều kiện địa hình, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân còn vất vả. Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để vượt khó xây dựng NTM.

Xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ) địa hình chủ yếu núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhất là trong phát triển kinh tế. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận, Sân Tiến Phúc cho biết: Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã đã quyết tâm tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình. Trong đó, phát huy vai trò của người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành; huy động mọi nguồn lực đóng góp từ nhân dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã thường xuyên xuống cơ sở giám sát, đánh giá tiến độ, hiệu quả, trên cơ sở đó kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Với phương châm “vừa làm, vừa học”, xã Nghĩa Thuận ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ trước, từ đó rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện các tiêu chí khó hơn.

Đường liên thôn của xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) được đổ bê tông, lắp đặt đèn đường năng lượng mặt trời.
Đường liên thôn của xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) được đổ bê tông, lắp đặt đèn đường năng lượng mặt trời.

Ông Hồ Dền Khún, thôn Pả Láng, xã Nghĩa Thuận cho biết: “Từ khi thực hiện xây dựng NTM đời sống của bà con trong thôn đã thay đổi rất nhiều, chúng tôi có đường bê tông để đi lại, có điện lưới, đèn đường, mạng Internet… Từ đó giúp bà con thuận tiện trong việc học hỏi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng nhu cầu của thị trường. Có đường sá thuận lợi nên việc bán nông sản cũng dễ dàng hơn, có xe ô tô tải đến tận nơi để thu mua nông sản của bà con. Từ đó, kinh tế của các gia đình trong thôn đều được nâng lên, trẻ em được đi học đầy đủ”. Đến nay, xã Nghĩa Thuận đã hoàn thành 10/19 tiêu chí NTM. Các tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến các thôn đảm bảo đi lại thuận tiện với tỷ lệ đường được đổ bê tông đạt 80%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 57%. Có được kết quả trên là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Từ đó, vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, bà con tích cực đóng góp công sức, tiền của cùng nhà nước thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng.

Thời gian qua các xã vùng biên của tỉnh đã tranh thủ sự đầu tư của nhà nước để huy động sức dân cùng chung tay thực hiện xây dựng NTM. Xã Thanh Đức (Vị Xuyên) có 2 thôn giáp biên giới, với điều kiện đồi núi đi lại khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế nên bước vào thực hiện xây dựng NTM xã gặp không ít những khó khăn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể và các thôn, bản tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của chương trình, từ đó chung tay góp sức cùng xây dựng NTM. Năm 2023 xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nâng tổng số tiêu chí đạt được lên 13/19 tiêu chí. Thực hiện xây dựng NTM nhân dân đã tự giác, tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, chung tay ra quân xây dựng 3 công trình vệ sinh... góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song nguồn lực xây dựng NTM tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình khác; nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp và các thành phần khác rất ít. Trong khi các xã biên giới chủ yếu là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn nên việc huy động nguồn lực xây dựng NTM từ nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khi thực hiện xây dựng NTM ở các xã biên giới có điểm xuất phát thấp, hạ tầng KT-XH kém phát triển, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, để triển khai xây dựng thành công NTM tại các xã biên giới, ngoài sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, rất cần phát huy nội lực trong nhân dân để Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các xã biên giới sớm đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao mức sống người dân ngày càng ấm no hạnh phúc.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những con đường khát vọng

BHG - Sau gần 3 năm thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025, những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; đường tỉnh ĐT177 (Bắc Quang - Xín Mần); ĐT176 (Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc); ĐT176B (Mậu Duệ - Minh Ngọc); ĐT178 (Yên Bình - Cốc Pài); ĐT183 (đoạn km17 – km50+200 và đường Phố Cáo, Đồng Yên (Bắc Quang) đến giáp địa phận huyện Lục Yên (Yên Bái) và hàng nghìn cây số đường huyện, đường xã lần lượt được khởi công xây dựng, đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 8.500 tỷ đồng. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ tỉnh trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống.

30/11/2023
Hội Nông dân Quang Bình tích cực tuyên truyền, vận động hội viên

BHG - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Quang Bình tích cực vận động cán bộ, hội viên phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng góp kinh phí, ngày công, chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM). Xác định thu nhập chính là yếu tố cốt lõi để tạo nên thành công của chương trình NTM, thông qua tuyên truyền, vận động của các cấp hội, đoàn thể, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực đổi mới tư duy, thay đổi tập quán, phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô tập trung. Từ đó, hình thành nên những trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm.

30/11/2023
Xín Cái vượt khó nơi biên cương

  ↵

BHG - Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận từ nhân dân, bức tranh KT – XH của xã Xín Cái (Mèo Vạc) tiếp tục được điểm tô những gam màu sáng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

30/11/2023
Toàn tỉnh gieo trồng hơn 12.000 ha cây vụ Đông năm 2023

BHG - Tính đến 29.11, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 12.000 ha cây vụ Đông, đạt gần 85% kế hoạch năm 2023; trong đó diện tích cây ngô thu bắp và ngô chăn nuôi gia súc đạt hơn 2.300 ha; cây khoai lang gần 500 ha; cây Tam giác mạch trên 440 ha và gần 9.000 ha rau, đậu các loại.

30/11/2023