Quỹ hỗ trợ nông dân - Điểm tựa vững chắc của nhà nông
BHG - Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các hộ nông dân vượt khó vươn lên, xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương trong tỉnh.
Từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân, chị Vàng Thị Nhọt, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì) đầu tư mở rộng mô hình nuôi thỏ đem lại giá trị kinh tế cao. |
Năm 2019, sau khi được tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Hoàng Su Phì, gia đình anh Lý Văn Thuần, thôn Ngàm Đăng Vài 1, xã Ngàm Đăng Vài đã đầu tư chăn nuôi lợn đen thương phẩm. Với tổng đàn duy trì từ 30 - 50 con/lứa, hàng năm gia đình anh có thu nhập ổn định. Anh Thuần chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, không đem lại hiệu quả kinh tế. Xác định rõ muốn nâng cao thu nhập thì phải mở rộng quy mô, tuy nhiên, nguồn vốn để mua con giống và đầu tư xây dựng chuồng trại là con số không nhỏ với hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi. Vì vậy, khi được tiếp cận Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, gia đình tôi rất phấn khởi. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này đã giúp gia đình tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống gia đình.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh có 4.041 lượt hộ được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân 2 cấp (tỉnh và huyện). Sau khi nguồn vốn được giải ngân, các hội viên đều đầu tư sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương, tiêu biểu như: Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (Bắc Quang); Tổ nông dân liên kết hợp tác chăn nuôi trâu tại xã Vĩ Thượng và thị trấn Yên Bình (Quang Bình); Chi hội nghề nghiệp trồng Na ở phường Quang Trung (thành phố Hà Giang); mô hình nông dân làm du lịch, dịch vụ homestay ở xã Lũng Cú (Đồng Văn)...
Để phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, hàng năm, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền bổ sung nguồn vốn cho Quỹ. Năm 2022, ngân sách địa phương đã cấp bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tổng số tiền 3.800 triệu đồng. Trong đó cấp tỉnh 2 tỉ đồng; cấp huyện 1.800 triệu đồng. Tính đến ngày 30.11.2022, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 2 cấp đạt 27.083 triệu đồng. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh là 21.131 triệu đồng; Quỹ cấp huyện là 5.952 triệu đồng.
Các hội viên vay vốn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Thông qua nguồn vốn cho vay của Quỹ đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giá trị kinh tế cao, tập hợp được nông dân, phát triển mới các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp.
Từ các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã hướng dẫn, thành lập được 238 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; 141 tổ hợp tác và 8 hợp tác xã nông nghiệp. Thông qua các nguồn vốn cho vay góp phần thu hút thêm hội viên mới tham gia vào Hội, năm 2022 đã phát triển mới được 1.758 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 115.245 hội viên. Cũng từ nguồn vốn vay, các hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu; tạo việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Năm 2022, toàn tỉnh có 12.926 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đồng chí Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của Điều lệ Quỹ và pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay. Kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn. Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc