“Đánh thức” những mảnh đất cằn

08:10, 28/08/2023

BHG - Từ những mảnh đất cằn cỗi, giá trị kinh tế thấp đã được nhiều nông dân huyện Mèo Vạc “đánh thức” bằng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Đây cũng là kết quả tích cực đạt được từ thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy.

Anh Nguyễn Đình Toàn (phải), thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn phát triển mô hình ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Đình Toàn (phải), thôn Niêm Đồng, xã Niêm Sơn phát triển mô hình ươm cây giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nếu trước đây, mảnh vườn rộng hơn 2.000 m2 của ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn chủ yếu là cây ngô và cỏ dại thì sau khi thực hiện CTVT, khu vườn này đã được khoác lên “chiếc áo mới” bởi màu xanh của những luống rau trồng theo hướng hữu cơ. Đây cũng là mô hình CTVT tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này. Mùa nào rau màu ấy, mảnh vườn của ông Diện không ngừng tạo ra sản phẩm. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật, sản phẩm rau do gia đình ông sản xuất đã xây dựng được niềm tin với nhiều người tiêu dùng; một số thương lái, đơn vị đã chủ động ký kết với ông để bao tiêu sản phẩm. Từ bán rau, mỗi năm ông thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Còn tại xã Pả Vi, thực hiện Chương trình CTVT, hộ ông Sùng Mí Sính, thôn Pả Vi Thượng đã quy hoạch lại khu vực chăn nuôi của gia đình. Theo đó, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường. Khu chuồng trại rộng hơn 100 m2 được ông Sính chia làm các ô để nuôi lợn sinh sản và lợn giống. Liền kề đó, ông xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, điều này vừa tiết kiệm chi phí lại không gây ô nhiễm môi trường. Hiện, ông đang duy trì nuôi 4 con lợn sinh sản, mỗi năm xuất bán được 8 lứa lợn giống, thu về gần 100 triệu đồng. Từ tiền lãi, ông Sính dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng diện tích chuồng trại, mua thêm lợn giống để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập.

Nuôi tằm lấy kén giúp anh Vàng A Tờ (phải), thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban nâng cao thu nhập.
Nuôi tằm lấy kén giúp anh Vàng A Tờ (phải), thôn Nà Tằm, xã Nậm Ban nâng cao thu nhập.

Thực hiện Chương trình CTVT, lũy kế đến tháng 8.2023, toàn huyện Mèo Vạc triển khai được 371 hộ, tương đương 371 vườn, tổng diện tích cải tạo hơn 155 ha. Để Chương trình triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo huyện đã bố trí thời gian xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng đó, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các hộ thực hiện CTVT đã thông suốt về tư tưởng, nắm vững chủ trương, chính sách, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó tích cực tham gia thực hiện Chương trình.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn huyện Mèo Vạc: Các hộ sau khi được vay vốn đã chủ động quy hoạch, bố trí lại khu vực trồng trọt, chăn nuôi, mua cây giống, con giống để sản xuất. Qua theo dõi, thu nhập bình quân trên diện tích cải tạo của mỗi hộ tăng từ 2 – 3 lần so với trước khi cải tạo, trong đó thu nhập từ phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, với nguồn thu nhập ổn định từ bán sản phẩm sau khi CTVT, một số hộ trên địa bàn huyện đã trả được vốn vay chính sách theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh, tiêu biểu trong đó có xã Lũng Chinh.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc thực hiện CTVT trên địa bàn huyện Mèo Vạc còn mang lại hiệu quả về văn hóa, xã hội và môi trường. Trong quá trình triển khai Chương trình đã huy động đông đảo lực lượng tích cực tham gia giúp đỡ các hộ thực hiện CTVT bằng những việc làm thiết thực như: Di chuyển, sửa chữa chuồng trại, vận chuyển vật tư, vật liệu sản xuất. Việc làm này góp phần khơi dậy tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống giữa các hộ trong thôn và giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Bên cạnh đó, việc CTVT từng bước đi vào đời sống của người dân làm thay đổi đáng kể nhận thức của họ về tư duy sản xuất, cách bố trí lại không gian nhà ở, vườn, ao, chuồng đảm bảo khoa học, hợp vệ sinh, thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất…

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Huy Sắc cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai Chương trình CTVT theo phương châm “cầm tay chỉ việc, không hình thức, dễ làm trước, khó làm sau”, đảm bảo làm đến đâu, hiệu quả đến đó. Trong quá trình triển khai lồng ghép các nguồn lực để thực hiện; gắn việc CTVT với việc giảm nghèo bền vững và xây dựng khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chè cổ thụ cây chủ lực của người Dao ở Cao Bồ
BHG - Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những năm gần đây, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) luôn quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ cây chè.
24/08/2023
Ông Nguyễn Ngọc Đường làm giàu từ kinh tế tổng hợp
BHG - Bằng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, nông dân ở các địa phương dần thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất và gặt hái được nhiều thành công. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Đường, thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) được mọi người biết đến là một trong số hộ của xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
24/08/2023
Hội Nông dân thành phố Hà Giang tích cực phát triển kinh tế gắn với xây dựng Nông thôn mới
BHG - Với những cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực, thời gian qua Hội Nông dân thành phố Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tác động mạnh mẽ đến cán bộ, hội viên nông dân, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
23/08/2023
Hoàng Su Phì nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả
BHG - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân, giúp cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng.
23/08/2023