Sát cánh cùng hội viên, nông dân

10:06, 05/06/2023

BHG - Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp huyện Đồng Văn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung hướng mạnh về cơ sở, lấy nông dân làm trung tâm để thúc đẩy các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển SXKD. Qua đó giúp nhiều hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá, giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn hưởng ứng phát động trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lán Xì A, xã Phố Cáo.
Lãnh đạo huyện Đồng Văn hưởng ứng phát động trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lán Xì A, xã Phố Cáo.

Ông Lương Đức Hiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn khẳng định: Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu; chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ… sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất khá với số vốn kinh doanh từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng, thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người nông dân. Điển hình như vùng trồng rau xanh chuyên canh tại thôn Sính Lủng, xã Sảng Tủng; thôn Lán Xì, xã Phố Cáo; thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn; hình thành vùng cây ăn quả tập trung tại thị trấn Phố Bảng và xã Phố Là; mô hình Dâu tây tại thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng; mô hình Sâm khoai ở xã Tả Lủng, Vần Chải, Sảng Tủng… Các hộ nông dân đã áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với thị trường và các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, nông dân liên kết để tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, sản xuất rau chuyên canh tập trung, góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm có giá trị ngày càng cao làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát huy thế mạnh của thời tiết, khí hậu của vùng cao nguyên đá, từng bước xây dựng thương hiệu nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển du lịch.

Người dân thị trấn Đồng Văn thu hoạch mận.
Người dân thị trấn Đồng Văn thu hoạch mận.

Trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện có 6.890 hộ nông dân đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp. Qua đánh giá bình xét, bình quân hàng năm có khoảng trên 1.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Riêng trong năm 2022, đã bình xét được 18 hộ SXKD giỏi cấp tỉnh, 156 hộ SXKD giỏi cấp huyện, 846 hộ SXKD giỏi cấp xã. Điển hình như hộ ông Tráng Quáng Phủ, thôn Sán Trồ, xã Phố Là với mô hình chăn nuôi lợn vỗ béo có quy mô từ 10 - 15 con, tạo việc làm cho 3 hội viên với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng; bà Ly Thị Sùng, thôn Há Đề, xã Sính Lủng với mô hình chăn nuôi lợn thịt, nấu rượu, kinh doanh hàng hóa với mức thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm; ông Ly Chá Tú, thôn Há Hơ, xã Sà Phìn với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm; ông Vàng Dỉ Gai thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với mô hình nhà nông làm du lịch gắn với dịch vụ nhà nghỉ Homestay, thu nhập bình quân 800 - 1 tỷ đồng/năm…

Bên cạnh đó, tổ chức Hội còn tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Trong 5 năm qua đã hướng dẫn thành lập được 36 tổ hợp tác với 557 thành viên; chỉ đạo thành lập được 22 mô hình tổ hội nghề nghiệp với 360 thành viên và 2 Chi hội nông dân nghề nghiệp với trên 40 thành viên tham gia… Các hợp tác xã, tổ hội nghề đã xây dựng phương án SXKD có hiệu quả, đến nay có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp trên để tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để hỗ trợ nông dân có vốn phát triển quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như dự án nuôi lợn sinh sản của hộ Vừ Sính Vừ, thôn Đoàn kết, xã Sủng Là ban đầu với số vốn hỗ trợ 50 triệu đồng mua 13 con lợn nái sinh sản, đến nay đem lại thu nhập ổn định bình quân từ 70 - 80 triệu/năm; dự án nuôi chó Mông cộc bản địa tại thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo với số vốn hơn 600 triệu cho 10 hộ, nay đã cho thu nhập bình quân 120 triệu/hộ/năm; dự án hỗ trợ 1,1 tỷ cho 22 hộ nông dân thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú phát triển du lịch, đến nay cho thu nhập bình quân 360 triệu đồng/hộ/năm...

Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các nguồn vỗn hỗ trợ nông dân thì tổ chức Hội cũng tích cực phối hợp với các cấp, ngành mở các lớp dạy nghề, hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào SXKD, các lớp như kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, lợn; ủ cỏ chua làm thức ăn gia súc; mở các lớp dạy nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; các lớp sửa chữa điện dân dụng, sửa xe máy. Đẩy mạnh hỗ trợ giúp hội viên nông dân tiêu thụ các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của địa phương; tổ chức cung cấp thông tin các hộ SXKD đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart, Sendo, Lazada...

Có thể khẳng định, sự song hành, động viên và sát cánh cùng hội viên thực hiện các phong trào và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, các cấp Hội Nông dân huyện Đồng Văn đã tạo được niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho hội viên, thu hút ngày càng đông đảo nông dân tham gia sinh hoạt.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Xín Mần góp dòng vốn quý giúp người dân phát triển kinh tế
BHG - Với bề dày kinh nghiệm cùng với sự gắn kết bền vững với tam nông, Agribank Xín Mần luôn là địa chỉ tin cậy của người dân khi cần đến nguồn vốn phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
30/05/2023
“Giải cơn khát” miền cực Bắc

BHG - Kỳ đầu: Tái diễn điệp khúc… “mùa khát”. Khô hạn kéo dài, cây trồng khô héo, cuộc sống người dân lao đao vì thiếu nước… đang là hình ảnh miền đất cực Bắc đang phải gánh chịu. Đây là vấn đề cấp thiết, đặt ra “bài toán” đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của đồng bào biên cương. Mặc dù nhà nước đầu tư xây dựng “hồ treo”, bể chứa nước nhưng không khác gì “muối bỏ bể” khi biến đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề. Đâu sẽ là giải pháp chiến lược để giúp bà con “giải cơn khát” mùa khô?

30/05/2023
Hà Tĩnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư
Tại hội nghị, Hà Tĩnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.616 tỷ đồng.
28/05/2023
Đất cằn cho quả ngọt trên dải biên cương
BHG - Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 313 (Quân khu 2), những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong Đoàn đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình tăng gia, sản xuất có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn đơn vị đứng chân. Trong đó, mô hình trồng Dâu tây của Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị (SX&XDCSCT) số 2 được coi là mô hình thử nghiệm thành công, cho năng suất, chất lượng cao, góp phần mở ra hướng phát triển sản xuất chuyên canh bền vững. Mô hình này được cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần và các xã trong vùng dự án ghi nhận, đánh giá cao.
28/05/2023