Hiệu quả từ công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Hà Giang theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư

10:26, 24/05/2023

BHG - Hà Giang là một tỉnh miền núi với tổng diện tích đất tự nhiên trên 7.927 km2, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm hơn 72% tổng diện tích tự nhiên. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Cũng chính từ bảo vệ, phát triển rừng mà cuộc sống của bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang gắn với rừng đã, đang từng bước thay đổi đáng kể.

Đến năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đạt trên 576.348 ha, cao nhất vùng Đông Bắc bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với đặc thù trên cũng như căn cứ theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư, tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa bằng 1 chương trình, 2 nghị quyết của Tỉnh ủy; 3 chỉ thị, 3 quyết định, 11 kế hoạch và nhiều văn bản của UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Phân công các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh phụ trách địa bàn các huyện, thành phố để theo dõi, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền Chỉ thị số 13 bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo đó, trong thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã trồng mới tập trung được hơn 32.211 ha, trong đó có trên 9.162 ha được cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC); trồng phân tán được 11,6 triệu cây các loại. Từ thực hiện chủ trương phát triển rừng đã mang lại tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản giai đoạn 2018 - 2022 đạt hơn 30 triệu USD. Tình trạng lấn chiếm rừng tự nhiên cơ bản được kiểm soát; diện tích rừng phòng hộ được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng bước đầu đã có sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Cùng với đó, để công tác phát triển, quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn, Hà Giang đã thực hiện ký kết và triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Cao Bằng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khu vực giáp ranh; Triển khai chấm điểm thi đua giữa UBND các huyện, thành phố trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đấu tranh, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng trái pháp luật. Cắm mốc phân định ranh giới rừng giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã giao được 103.268 ha/464.371ha rừng, trong đó đã hoàn thành công tác giao rừng cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc, như: Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ; chất lượng các đơn vị lập, điều chỉnh quy hoạch còn thấp. Công tác giao đất, giao rừng chưa được thực hiện đồng bộ, triển khai chậm, đến nay mới đạt dưới 25% so với diện tích rừng hiện có do thiếu nguồn kinh phí để thực hiện. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp chưa bền vững, lợi nhuận thấp, thu nhập của người làm nghề rừng, người dân sống liền rừng, gần rừng thấp, không ổn định. Hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, mở rộng thị trường xuất khẩu lâm sản chưa nhiều. Chưa triển khai được rộng rãi các hoạt động chứng chỉ rừng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng, trong những năm tới tỉnh Hà Giang nhất quán về quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau: Phát triển lâm nghiệp bền vững phải đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh, nâng cao chất lượng rừng trồng gắn với cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững và chế biến sâu lâm sản; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với đẩy mạnh trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Thực hiện giao rừng cho hộ dân, cộng đồng đạt từ 40% tổng diện tích rừng tự nhiên trở lên.

Phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 60%; diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 6.500 ha, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 15.600 ha. Trồng mới 19,7 triệu cây xanh. Nâng cao chất lượng rừng sản xuất đa mục tiêu, phấn đấu năng suất rừng trồng bình quân đạt 80-120m3/ha/chu kỳ 7 năm trở lên. Tổ chức khai thác và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 13.560 ha. Phấn đấu giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị của nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp bền vững. Triển khai các chính sách của T.Ư đảm bảo hiệu quả, huy động nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững; huy động và lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình, kế hoạch, dự án của T.Ư, nguồn vốn của địa phương theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư từ Nhà nước, tăng cường các nguồn vốn xã hội hóa lâm nghiệp. Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ phát triển rừng và nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp; nghiên cứu thử nghiệm các loài cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế để thay thế diện tích trồng rừng kém hiệu quả. Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế về lâm nghiệp; tham gia tích cực và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lâm nghiệp quốc tế, khu vực và song phương về triển khai các chương trình, dự án, hoạt động tăng cường năng lực, chuyển giao, hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là với nước bạn Trung Quốc.

Trương Nam (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân thành phố phát triển kinh tế hộ gắn với xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh
BHG - Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Giang khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra ngày 25 - 26.5.2023. Đây là dịp để Hội Nông dân thành phố phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ phát triển toàn diện Hội trong 5 năm tiếp theo, đặc biệt là việc thực hiện các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên.
23/05/2023
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam làm việc với Công ty CP Cao su Hà Giang
BHG - Ngày 23.5, đoàn công tác Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do ông Trần Công Kha, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Công ty CP Cao su Hà Giang nhằm nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống cán bộ, nhân viên công ty.
23/05/2023
“Chìa khóa” thoát nghèo cho lao động nông thôn Quang Bình
BHG - Những năm qua, huyện Quang Bình chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời, xác định là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn; qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
23/05/2023
Khô hạn kéo dài làm ảnh hưởng trên 1.900 ha hoa màu vụ Xuân

BHG - Theo báo cáo tổng hợp nhanh chiều ngày 22.5 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng khô hạn kéo dài thời gian vừa, toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại ước tính bị thiệt hại trên 1.900 ha hoa màu vụ Xuân.

23/05/2023