"Công trình cấp nước sinh hoạt tiền tỷ, có như không"

08:16, 16/07/2015

BHG- Đó là tâm sự rất thẳng thắn và chân thật của gần 100 hộ dân thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) về công trình cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Giang làm chủ đầu tư. Bởi ngay sau khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng một thời gian, công trình đã bộc lộ những hạn chế, không phát huy được hiệu quả như mong muốn của người dân.

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Đức, xã Đạo Đứckhông phát huy hiệu quả.
Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Đức, xã Đạo Đứckhông phát huy hiệu quả.

Đầu tư nhiều, hiệu quả ít

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) được đầu tư, xây dựng vào tháng 7.2010, cho đến cuối năm 2012 thì hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở NN&PTNT Hà Giang làm chủ đầu tư; Công ty TNHH Vĩnh Hải (Hà Giang) là đơn vị thi công với tổng nguồn vốn là 1,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2010 của Nhà nước là 1,5 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp gần 200 triệu đồng. Theo thiết kế, công trình sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho 99 hộ dân với 342 khẩu thôn Tân Đức. Toàn bộ công trình gồm 3 hạng mục bao gồm: Đập đầu mối, bể lắng lọc và hệ thống ống dẫn nước. Khi mới xây dựng, công trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân, với sự tham gia đóng góp hàng trăm ngày công lao động. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng thì lại đạt hiệu quả quá thấp. Số hộ có nước dùng chỉ chiếm 30%. Nhiều hộ trong thôn đã có kiến nghị lên cấp trên, nhưng công trình sửa được một thời gian thì đâu lại vào đấy.

Gia đình bác Nguyễn Thị Đượng, thôn Tân Đức chia sẻ: “Từ khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân trong thôn chỉ dùng mấy tháng là bị hỏng rồi. Hỏng lại sửa, sửa xong lại hỏng tiếp. Mùa mưa lũ về, ống dây bị cuốn trôi hết, rác dồn ứ bể lọc hoạt động kém. Hiện giờ nước chảy về chỉ đủ để rửa mặt thôi, gần như không sử dụng, còn mùa cạn nước không về nữa. Không hy vọng thêm gì vào nguồn nước, nên gia đình tôi đã bỏ ra gần 20 triệu đồng khoan giếng để làm nguồn nước sinh hoạt chính của gia đình. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà còn nhiều hộ dân khác cũng vậy”.

Thay vì dùng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt gia đình Bác Nguyễn Thị Đượng (thôn Tân Đức) đã đầu tư đào giếng khoan để sử dụng.
Thay vì dùng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt gia đình Bác Nguyễn Thị Đượng (thôn Tân Đức) đã đầu tư đào giếng khoan để sử dụng.

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Cân, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đức cho biết: “Nguồn nước được đầu tư song không đáp ứng được như mong muốn và nhu cầu của người dân. Những hộ ở gần công trình còn có khả năng dùng được ít nước, hộ càng ở xa nước về càng ít. Nguyên nhân do áp suất nước quá thấp, hệ thống van xả đáy bể chứa nước không có dẫn đến việc ứ đọng cát sỏi vào mùa mưa nên đường ống bị tắc. Bên cạnh đó, công trình sau khi hoàn thành và giao cho thôn tự quản lý, tiền thu nước dùng từ dân không có, nước không về nhiều, dân không nộp nên chẳng có kinh phí sửa chữa. Để có nước sinh hoạt cho gia đình, nhiều hộ dân trong thôn ở gần thì bỏ ra từ 3- 4 triệu để mua đường ống tự dẫn nước về nhà, xa thì bỏ ra gần 20 triệu để đào nước giếng khoan”.

Bên cạnh đó, việc thiết kế, thi công xây lắp công trình nước sinh hoạt ở Tân Đức còn thể hiện nhiều hạn chế. Một phần do tác động của môi trường, thời tiết, đường ống dẫn nước qua khe, qua rừng chưa có trụ đỡ, cáp neo nên bị nước cuốn trôi, nơi có thì xây dựng chưa kiên cố. Có nơi công trình chôn ống dẫn nước không đúng thiết kế, chưa đủ độ sâu, đa số nổi trên mặt đất, nên súc vật đi lại làm hư hỏng đường ống. Hệ thống ống dẫn nước bị lũ cuốn trôi, bể lắng bị tắc, đập đầu mối bị cát vùi lấp.

Để phát huy hiệu quả từ các chương trình do Nhà nước đầu tư thì chính quyền và nhân dân nơi đây phải có một kế hoạch sử dụng và bảo vệ thật đồng bộ để tiền đầu tư của nhà nước không bị lãng phí.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xe quá khổ, quá tải cày nát đường ra Cửa khẩu Xín Mần

BHG- Rẽ vào km 30, trên đoạn đường ra Cửa khẩu Xín Mần (mốc 5) có rất nhiều đoàn xe quá khổ, quá tải vượt qua các lực lượng chức năng lưu hành ngang nhiên trên đường. Cả đoạn đường dài 26km bị cày nát thành nhiều đoạn. 

16/07/2015
Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa

BHG- Đã gần trung tuần tháng 7, nhưng trời vẫn không có mưa. Nắng nóng, khô hạn đã gây thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất vụ mùa đang diễn ra trên diện rộng. Cần sớm có các giải pháp ứng phó để thúc đẩy sản xuất...

16/07/2015
Khai thác hiệu quả cây dược liệu

BHG- Dược liệu là loại cây mới được đưa vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa ở Quản Bạ trong nhiệm kỳ 2010 – 2015. Sau một thời gian trồng thử nghiệm cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn. Giá trị cây dược liệu gấp nhiều lần so với cây lương thực truyền thống và là một tiềm năng lớn đang được khai thác.  

15/07/2015
Ý nghĩa thiết thực từ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi

BHG- Quản Bạ là một trong những huyện 30a của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, khắc phục những khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: Sử dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ...

15/07/2015