Cần thay đổi sản xuất, kinh doanh từ chính doanh nghiệp khai khoáng

08:06, 10/12/2013

HGĐT- Bị thu hồi, xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu tạm dừng hoạt động... là chuỗi những sự việc mà nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ta phải thực hiện . Sự việc trên, tuy chưa xảy ra với tất cả doanh nghiệp khai khoáng, nhưng nó cũng phần nào cho thấy thực trạng ở lĩnh vực này.


TỪ ĐIỆP KHÚC... TẠM DỪNG

Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên Đá, được UBND tỉnh cấp phép khai thác, chế biến Mangan tại điểm mỏ Bản Sám 2, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên). Tổng diện tích khu mỏ được cấp rộng trên 22 ha, thời hạn khai thác 20 năm, công suất 10 nghìn tấn quặng nguyên khai, tương đương 6 nghìn tấn tinh quặng/năm. Ông Phạm Đình Khương, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Cao Nguyên Đá cho biết: Sau khi được UBND tỉnh cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty đã triển khai xây dựng cơ bản mỏ, xưởng tuyển, các công trình xử lý môi trường, đi vào sản xuất từ năm 2012. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá bán quặng xuống thấp, không bù đủ chi phí, hơn nữa nguồn tài chính gặp nhiều khó khăn nên nhà máy dừng hoạt động sau 5 tháng đi vào sản xuất. Đến tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp tiếp tục sửa chữa, bảo dưỡng lại hệ thống máy móc, nhưng cũng chỉ vận hành được 2 tháng lại tạm dừng. Trong quá trình hoạt động, lượng chất thải lấp đầy các ao chứa, tràn ra suối, khiến người dân bức xúc, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, yêu cầu khắc phục sự cố. Nhà máy hoạt động “bữa đực, bữa cái”, giá bán sản phẩm không đủ chi phí sản xuất, chi phí bảo dưỡng, khắc phục hậu quả môi trường tăng cao, khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.

 

Điệp khúc tạm dừng hoạt động cũng xảy ra với Công ty Cổ phần Việt Bắc. Doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác Mangan tại đội 2 thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh (Vị Xuyên). Từ khi được cấp chủ trưởng, doanh nghiệp cũng triển khai hoạt động đầu tư, nhưng chưa chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ nên chỉ hoạt động được một thời gian lại tạm dừng để khắc phục hậu quả. Qua nhiều lần kiểm tra, các ngành chức năng của tỉnh yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hoàn thiện các thủ tục như lập và nộp thiết kế mỏ, thực hiện báo cáo định kỳ, lập bản đồ hiện trạng, thông báo giám đốc điều hành mỏ...

 

Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Công ty tiếp tục hoạt động khai thác, đồng thời xây dựng các công trình phụ trợ, kéo đường điện vào mỏ, đầu tư khảo sát và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp cũng đang tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để khắc phục ô nhiễm dòng suối Sảo. Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Bắc cho biết: Từ khi triển khai dự án đến nay, thời gian hoạt động của xưởng tuyển chỉ tính được từng tháng. Nguyên nhân, một phần do vừa hoạt động, vừa phải điều chỉnh dây chuyền, quy mô sản xuất, một phần thực hiện yêu cầu khắc phục hậu quả ô nhiễm của cơ quan chức năng, vì vậy, sản lượng và doanh thu đạt được rất thấp, đời sống người lao động gặp khó khăn.

 

Có mặt tại khai trường khai thác khoáng sản của một số doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, để xảy ra điệp khúc tạm dừng, nguyên nhân cũng xuất phát từ chính chủ đầu tư. Mặc dù được tỉnh cấp phép khai thác, cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn nhiều tỷ đồng, nhưng việc triển khai rất thiếu chuyên nghiệp, hệ thống máy móc vừa nhỏ, vừa lạc hậu, không tiết kiệm được tài nguyên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định, các ao chứa được bố trí gần suối, bờ bao quanh rất thấp khiến chất thải liên tục tràn xuống. Trước bức xúc của người dân, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu tạm dựng hoạt động để hoàn thiện thủ tục, khắc phục hậu quả môi trường.

 

...ĐẾN THU HỒI

Khai thác, chế biến khoáng sản là lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh. Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, đã có hàng chục dự án được cấp phép với mong muốn lĩnh vực này sẽ thực sự là đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, chúng ta đã chứng kiến tình trạng lộn xộn, chuyển nhượng trái phép, khai thác theo kiểu “thổ phỉ”, xuất lậu quặng thô... ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh. Trong số hàng loạt các dự án được cấp phép, những gương mặt nhà đầu tư chuyên nghiệp như Công ty Cổ phần Cơ khí - khoáng sản Hà Giang; Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông với hệ thống nhà máy khai thác, tuyển quặng sát khép kín; Công ty TNHH Giang Sơn, đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền thiết bị hiện đại khai thác quặng Vonfram tại Hố Quáng Phìn (Đồng Văn)... thực sự rất hiếm.

 

Những gương mặt nổi trội, đầu tư bài bản thì ít, trong khi đó, doanh nghiệp khoáng sản đầu tư kiểu “ăn sổi” lại nhiều, khiến UBND tỉnh nhiều lần ra văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và thu hồi giấy phép. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành một loạt quyết định, triệu hồi giấy phép khai thác đối với nhiều nhà đầu tư như Công ty TNHH Hải Dương khai thác mỏ Mangan Bản Lò (Đông Minh - Yên Minh); mỏ Mangan Bản Rào (Na Khê - Yên Minh) của Công ty TNHH Đường Hồng; Công ty TNHH Vận Thiên bị thu hồi giấy phép khai thác mỏ Chì - Kẽm Bản Lý (Du Tiến - Yên Minh); thu hồi giấy phép khai thác mỏ Chì - Kẽm Sủa Nhè Lử (Xín Cái - Mèo Vạc) của Công ty Cổ phần Á Châu; Công ty TNHH Toàn Năng bị thu hồi quyền khai thác mỏ Mangan Pả Láng (Nghĩa Thuận - Quản Bạ)... Các doanh nghiệp trên có nhiều vi phạm, chậm hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, không chấp hành nghiêm yêu cầu hoàn thiện thủ tục sau cấp phép của cơ quan chức năng.

 

Năm 2013, thực sự là quãng thời gian đầy khó khăn, lận đận với nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, đó cũng là khoảng lặng cần thiết để các nhà đầu tư nghiêm túc nhìn nhận, chấn chỉnh lại mình, có chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản. Có như vậy, công nghiệp khai khoáng mới thực sự là đòn bẩy cho nền kinh tế, theo đúng kỳ vọng chúng ta đang theo đuổi.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh đáp ứng nguồn vốn cho nhân dân phát triển kinh tế
HGĐT- Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Yên Minh đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân trên địa bàn tiếp cận nhanh với nguồn vốn vay phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, xóa đói giảm nghèo... Hàng năm đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế cho địa phương.
30/11/2013
Trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên của tỉnh được cấp Chứng nhận VietGAHP
HGĐT- Trang trại Hà Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) vừa được Trung tâm Chất lượng nông, lâm – thủy sản (NL–TS) vùng 1 (Cục Quản lý Chất lượng NL- TS) cấp Chứng nhận VietGAHP cho quy trình sản xuất lợn thịt. Đây là trang trại chăn nuôi lợn thịt đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận ý nghĩa này.
30/11/2013
Xã Nậm Ty phát huy hiệu quả công trình thủy lợi
HGĐT - Xác định phát triển hệ thống thủy lợi (HTTL) là một trong những khâu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, ngoài việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân thấy được lợi ích thiết thực của HTTL mang lại, từ đó bà con đã tự nguyện đóng góp tiền và ngày công lao
28/11/2013
Xóa đói, giảm nghèo – “bài toán” khó ở Cao Bành
HGĐT- Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang (TPHG) khoảng 10 km, tưởng như nhịp sống và phương thức vận động mang “hơi thở” phố phường là điều dễ thấy, thế nhưng ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TPHG, mọi sự vận động dường như vẫn trì trệ, đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn...
26/11/2013