Sau 4 năm triển khai Dự án DPPR trên địa bàn huyện Yên Minh

08:19, 20/06/2009

HGĐT- Dự án Phân cấp giảm nghèo nông thôn (DPPR) đến với người dân huyện Yên Minh cho đến nay đã được 4 năm.


Qua 4 năm thực hiện dự án, tiến độ đều đảm bảo yêu cầu, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hoàn thành kế hoạch hàng năm và đạt được các mục tiêu dự án đề ra, đó là: Cải thiện điều kiện dân sinh kinh tế - xã hội của các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, quan tâm đầu tư hỗ trợ hộ nghèo, hộ đói giáp hạt; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn có sự tham gia của người dân. Nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt chú trọng đầu tư cho các hộ nghèo, giúp đỡ hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Phát triển hạ tầng cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển chung của xã hội trên cơ sở đề xuất của người dân, có sự tham gia của cộng đồng. Giải quyết tốt những nhu cầu cần thiết đối với đời sống của người dân trên cơ sở nguồn lực đầu vào của dự án và đóng góp của chính người dân đó. Khuyến khích người dân đóng góp công sức cho những công việc chung của cộng đồng, đồng thời tham gia lập kế hoạch để thực hiện những công việc chung đó. Hỗ trợ cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ thú y, giáo dục đào tạo và đa dạng hóa thu nhập phục vụ cộng đồng dân cư.


Phải khẳng định rằng, các nội dung đầu tư của dự án đều xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân, do nhân dân đề xuất. Do vậy, trong qúa trình thực hiện đã phát huy dân chủ, công khai và được nhân dân đồng tình ủng hộ thực hiện tất cả các hợp phần. Điều đặc biệt hơn là huyện Yên Minh có trên 90% số dân làm nông nghiệp thuần nông, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, cần cù, chịu khó, đồng thời nguồn lực đầu vào Hợp phần Hỗ trợ sản xuất sẵn có tại địa phương có nhiều thuận lợi, do vậy quá trình triển khai thực hiện hợp phần được nhân dân hưởng ứng đem lại hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ BQL dự án từ huyện đến xã có tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát trong qúa trình triển khai thực hiện góp phần làm cho tiến độ cũng như kết quả thực hiện các hợp phần đạt kết quả khích lệ. Cụ thể, trong Hợp phần Xây dựng năng lực đã nâng cao được năng lực cán bộ trong tổ chức điều hành thực hiện dự án, nâng cao kỹ năng quản lý, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia lập, thực thi kế hoạch. Qua 4 năm đã tổ chức 164 lớp đào tạo cho cán bộ BQL dự án cấp huyện, cấp xã và nông dân chủ chốt cho trên 5.599 người với nội dung về khuyến nông, học vi tính, lập kế hoạch, PRA đánh giá nhu cầu, quản lý dự án, nhận thức về giới, vận hành bảo dưỡng công trình, phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; tổ chức thành công 10 Hội thi tìm hiểu về dự án tại 10 xã nhằm tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu sâu về dự án. Ngoài ra còn cung cấp các loại thiết bị văn phòng phục vụ hoạt động của BQL dự án các xã như xe máy, máy vi tính, máy Photocoppy; cung cấp các thiết bị giải phóng sức lao động cho phụ nữ thuộc đối tượng là hộ nghèo gồm: 684 dao thái rau, 401 máy tuốt lúa đạp chân, 1.950 máy tẽ ngô quay tay, 142 xe cải tiến, 20 giường tầng, 1 máy nghiền ngô, 40 can đựng nước, 4 máy sao chè; mở 11 lớp xóa mù chữ cho phụ nữ các xã Ngam La, Sủng Thài, Du Già, Ngọc Long, Du Tiến, Đường Thượng, Lao Và Chải và kết quả sau khóa học các học viên đều biết đọc, biết viết. Có thể nói, hợp phần xây dựng năng lực đã từng bước nâng cao được trình độ, năng lực cán bộ của bộ máy BQL Dự án từ cấp huyện đến cấp xã, việc điều hành thực hiện dự án theo đúng quy trình, đúng nguyên tắc đồng thời áp dụng vào quản lý Nhà nước ở cơ sở; nâng cao kỹ năng quản lý và khuyến khích cộng đồng tham gia lập, thực thi kế hoạch thực hiện dự án, vì vậy dự án phù hợp với nhu cầu của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Xét một cách tổng thể cho thấy trình độ, năng lực quản lý điều hành của cán bộ các xã dự án có sự vượt trội hơn so với cán bộ các xã ngoài vùng dự án.


Đối với Hợp phần Hỗ trợ sản xuất, đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình trình diễn; hỗ trợ các dịch vụ thuốc thú y phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất. Kết quả đã tổ chức được 245 lớp đào tạo, tập huấn cho gần 7.000 lượt người tại các xã dự án với nội dung về kỹ thuật bảo quản nông sản sau thu hoạch, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đào tạo thú y thôn bản, kỹ năng kiểm soát, đánh giá kế toán tín dụng... Dự án đã xây dựng được trên 60 mô hình trồng trọt, chăn nuôi có sự tham gia của người dân 10 xã dự án, gồm các mô hình sản xuất đậu tương giống, trồng thảo quả, trồng su su lấy ngọn, trồng rau vụ Đông, mía tím, bón phân thử nghiệm cho ngô địa phương, nuôi cá, vỗ béo bò, nuôi bò sinh sản. Ngoài ra còn hỗ trợ 126 con bò cho các hộ gia đình nuôi sinh sản quay vòng; hỗ trợ 1.000 cây hồng không hạt; 1.250 cây lê xanh; 750 cây na trồng cải tạo vườn tạp; hỗ trợ 85,7 ha cỏ cho 450 hộ gia đình nuôi bò vỗ béo; đầu tư dụng cụ thú y cho 104 thôn bản gồm hộp bảo quản vacxin, tủ lạnh, dụng cụ thú y... Bên cạnh đó đã tuyển chọn 69 học sinh đi đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh từ trình độ sơ cấp đến trung cấp nghề; thành lập 47 nhóm tín dụng tiết kiệm với tổng số 828 thành viên tham gia, các nhóm tín dụng đều hoạt động có hiệu quả, việc giải ngân của các nhóm được thực hiện đúng quy định, các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Nhìn chung Hợp phần Hỗ trợ sản xuất đã tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông thôn, bản và xã, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn, câu lạc bộ FFS, hội nghị đầu bờ... nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo thiếu kinh nghiệm về sản xuất. Các mô hình khuyến nông đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật đã thu được kết quả cao gắn với các hoạt động thông tin khuyến nông và đào tạo đã đem lại kết quả tốt trong việc tuyên truyền đưa giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình mới cho năng suất, chất lượng cao góp phần làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất; nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất theo hướng hàng hóa có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương như mô hình trồng su su lấy ngọn, mô hình trồng khoai tây, mô hình sản xuất đậu tương giống mới, mô hình nuôi cá ruộng. Nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả đã được nhân dân ứng dụng rộng rãi như mô hình nuôi bò vỗ béo và ứng dụng chăn nuôi bò hàng hóa, từ đó nhiều gia đình đã vươn lên khá, giàu từ mô hình này.


Cũng trong 4 năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng thôn bản của huyện cũng được đầu tư xây dựng, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Dự án đã tổ chức được 78 lớp đào tạo về lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giám sát thi công công trình, vận hành và bảo dưỡng công trình cho 2.414 lượt người. Mở mới được 101,5 km đường giao thông nông thôn phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hạ 2 trạm biến áp cung cấp điện lưới cho 130 hộ gia đình; xây dựng mới và tu sửa 6 công trình cấp nước hệ tự chảy tại xã Lũng Hồ, Lao Và Chải, Du Tiến; làm mới 1 bể chứa nước thể tích 15 m3 tại xã Đường Thượng; xây dựng mới 16 điểm trường tại các xã: Lũng Hồ, Lao Và Chải, Đường Thượng, Mậu Long, Ngam La, Sủng Thài, Du Già, Ngọc Long; 4 trụ sở thôn bản; 2 công trình thủy lợi gồm kênh mương và đập đầu nguồn tại xã Du Già. Ngoài ra còn hỗ trợ 486 bộ bàn ghế giáo viên và học sinh cho các điểm trường thôn dự án. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thôn bản đã góp phần vào việc cải tạo bộ mặt nông thôn vùng dự án, nhiều hộ dân được dùng nước sạch khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, học sinh được học tại các điểm trường khang trang với đầy đủ bàn ghế, hệ thống đường giao thông nông thôn đến các thôn bản đã phát huy hiệu quả và điều đặc biệt hơn các công trình được triển khai xây dựng đã tạo công ăn việc làm cũng như thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.


4 năm là một khoảng thời gian không xa nhưng đã đem đến cho người dân trong huyện sự tin tưởng tuyệt đối vào các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư các chương trình dự án trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung trong đó có Dự án DPPR. Với những kết quả đó, tin tưởng rằng người dân huyện Yên Minh sẽ vượt qua mọi khó khăn vững bước trên con đường xóa đói giảm nghèo trong những năm tiếp theo.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang: Đại hội đồng cổ đông và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập
HGĐT- Sáng 14.6, Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ II (nhiệm kỳ 2009 - 2011) và kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập (14.6.1994 - 2009). Đến dự có đồng chí Trần Thị Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các công ty trong, ngoài tỉnh và đông đảo cổ đông của Công ty Cổ phần Xi-măng Hà Giang.
16/06/2009
7 giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Để vượt qua cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhằm thúc đẩy nền KT-XH của huyện phát triển đồng đều tiến tới xóa nghèo, phát triển ổn định, bền vững, Hoàng Su Phì đã đề ra 7 nhóm giải pháp nhằm “kích cầu” nền KT-XH trong giai đoạn 2009 - 2010. Đồng thời, còn tạo ra nền tảng vững chắc, thành quả của cả kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2005 - 2010).
16/06/2009
Vượt lên thách thức để khẳng định mình
HGĐT- Cách đây đúng 15 năm, ngày 14.6.1994, Công ty Xi măng Hà Giang được thành lập với mô hình là một doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động hạch toán kinh tế độc lập, trực thuộc UBND tỉnh và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng. Từ cuối năm 2006, Công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Công ty luôn vượt lên những
15/06/2009
Vốn vay hỗ trợ lãi suất - Cơ hội để người nông dân vùng cao xóa nhà tạm và hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn
HGĐT- Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với toàn bộ đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các đối tượng vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn là tin vui đối với người nông dân.
12/06/2009