Khoa học công nghệ, động lực cho phát triển nhanh và bền vững: Kỳ 2 - Hội tụ tinh hoa từ hoạt động khoa học, công nghệ
BHG - Phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã trở thành nền tảng, động lực để tỉnh ta từng bước phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm QP-AN, góp phần xây dựng hình ảnh Hà Giang vững mạnh nơi biên thùy.
Nhà xưởng quản lý, vận hành dây chuyền sục Ozone (thị trấn Vĩnh Tuy – Bắc Quang) giúp hiện đại hóa quy trình bảo quản cam Sành Hà Giang. |
Nông, lâm nghiệp bứt phá
Việc nâng cao năng suất, chất lượng một số cây trồng, vật nuôi thông qua ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), khoa học kỹ thuật không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn tạo đột phá mới trong nông nghiệp, đồng thời, giúp xác định tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, như: Trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt) theo hướng hàng hóa tại huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; trồng ngô hàng hóa ở Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc; cây đậu tương ở huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần; cây dược liệu, rau an toàn, rau trái vụ tại huyện Quản Bạ... Trên tinh thần đó, ngày 12.1.2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16 về đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, hợp tác xã tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Kế hoạch 16 của UBND tỉnh với nhiều nội dung sẽ trở thành động lực khuyến khích các DN, HTX phát triển trong thời gian tới.
Là “thủ phủ” của chè Shan tuyết, huyện Hoàng Su Phì hiện có trên 4.600 ha chè, trong đó, gần 3.600 ha đang cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi bình quân đạt hơn 14.000 tấn/năm. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn huyện, trước đây, cây chè chủ yếu sinh trưởng tự nhiên, sản phẩm đa phần là chè đen, vàng, chế biến bằng cách sao tay hoặc sử dụng công nghệ cũ nên năng xuất, chất lượng thấp. Nhưng những năm gần đây, bằng việc áp dụng KHCN, kỹ thuật mới từ khâu tạo nguồn nguyên liệu (trồng, chăm sóc chè, thu hái) cho đến khâu sản xuất, chế biến, tạo mẫu mã, bao bì, thương hiệu, quảng bá sản phẩm đã từng bước đưa thương hiệu chè Hoàng Su Phì đứng vững trên thị trường. Nhiều sản phẩm, mẫu mã chè đa dạng, được khách hàng tin dùng, như: Hồng trà, Bạch trà, trà Ô long. Đặc biệt, huyện còn có 2 sản phẩm chè được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, gồm: Trà Xanh (hộp 100 gam) và Hồng trà (hộp 100 gam), do Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ sản xuất.
Người dân đánh giá sự hài lòng về kết quả phục vụ hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Đặc biệt, thông qua các hoạt động KHCN, việc triển khai xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông, lâm nghiệp đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện, toàn tỉnh có 17 nhãn hiệu chứng nhận, 13 nhãn hiệu tập thể, 153 nhãn hiệu độc quyền, 2 kiểu dáng công nghiệp và 8 sản phẩm đặc sản địa phương được Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, gồm: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành Hà Giang, Chè Shan tuyết Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, Thảo quả Vị Xuyên, Bò vàng Hà Giang, Cá bỗng Hà Giang, gạo tẻ Già dui Xín Mần. Kết quả này là cơ sở quan trọng để tỉnh ta xây dựng và đưa các thương hiệu của tỉnh tiến xa hơn tới thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Kết quả ứng dụng KHCN vào sản xuất nông, lâm nghiệp đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Năm 2021, bình quân lương thực của tỉnh đạt 476 kg/người, tăng 28 kg/người so với năm 2010; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng trọt đạt 56,73 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2010.
“Bệ đỡ” cho văn hóa, xã hội phát triển
Ứng dụng KHCN vào phát triển chính quyền số gắn với cải cách hành chính, tỉnh ta đã hoàn thành mạng truyền số liệu dùng trong cơ quan Đảng, Nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến được triển khai từ tỉnh đến xã với 241 điểm cầu, đảm bảo 100% cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp từ T.Ư đến xã. Mặt khác, tại 239 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, góp phần cải tiến phương pháp làm việc, hình thành quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, hiệu quả.
KHCN đã tạo đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành cơ quan, cải thiện chỉ tiêu xếp hạng của tỉnh. Cụ thể: Năm 2021, chỉ số PAR Index xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 32 bậc so với năm 2012; chỉ số PAPI xếp thứ 24/63, tăng 19 bậc so với năm 2012; chỉ số SIPAS xếp thứ 18/63, tăng 45 bậc so với năm 2018. Đặc biệt, trong bối cảnh là tỉnh vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, KT-XH còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 của tỉnh ta đã đạt top 30 địa phương đứng đầu cả nước. Theo công bố mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số DTI của tỉnh ta xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố; trong đó, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số lần lượt xếp thứ 30, 23 và 19/63.
Cùng với kết quả trên, tỉnh ta đã ứng dụng truyền thông số trong quảng bá du lịch; triển khai hệ thống phần mềm Cổng thông tin du lịch (myhagiang.vn) và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động Ha Giang Tourism; phát triển thêm kênh tiếp cận khách du lịch mới trên Instagram sử dụng tên gọi “Check in Hà Giang”. Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực trong quảng bá văn hóa, du lịch, tạo kênh tương tác giữa đơn vị kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch; xây dựng hình ảnh Hà Giang đổi mới, năng động trong lòng du khách.
Đặc biệt, Nghị quyết số 19 của BTV Tỉnh ủy về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu: Phát triển CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Hiện nay, tỉnh ta đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của UNESCO nhằm đưa CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn vượt qua kỳ đánh giá tư cách thành viên của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO lần thứ 3. Để thực hiện mục tiêu chiến lược trên thì việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di sản địa chất của CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch có đóng góp không nhỏ của KHCN. Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh, chia sẻ: Với vị trí vùng lõi CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, trong những năm qua, huyện Đồng Văn đã ứng dụng triển khai, nhân rộng một số đề tài, dự án KHCN các cấp có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, như: Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng; nghiên cứu bảo tồn kiến trúc nhà ở của dân tộc Mông; triển khai dự án cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Đồng Văn và các khu vực lân cận bằng công nghệ bơm không dùng điện (PaT); xây dựng nhà tiêu sinh học đối với một số trường học trên vùng khan hiếm nước...
Những kết quả trên chỉ là số ít trong rất nhiều thành tựu kết tinh từ hoạt động KHCN. Song, có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh đã, đang trở thành động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, bứt phá về năng suất, chất lượng, tạo nền tảng chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, khi chúng ta thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo trong các DN, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025 theo tinh thần Kế hoạch số 16 của UBND tỉnh sẽ càng tạo nên sự vươn lên cho hoạt động sản xuất, kinh doanh từ việc đổi mới, sáng tạo, ứng dụng KHKT.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc