Để "hóa chất xanh" không xóa sổ con người

08:06, 25/01/2011
Thuốc bảo vệ thực vật do chứa các hóa chất độc hại có tác động hủy diệt côn trùng và do cơ chế sinh học của côn trùng và động vật có vú có phần giống nhau nên đến lượt con người cũng rất dễ bị hủy diệt bởi các chất hoá học có nguy cơ gây chết người này.

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) trong sản xuất nông nghiệp hiện đang là một vấn nạn nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng tại các nước nông nghiệp. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 3 triệu ca nhiễm độc nghiêm trọng liên quan đến TBVTV với 220.000 ca tử vong, trong đó, 99% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển.

Hàng lậu không thể quản lý

Việt Nam là một nước nông nghiệp lúa nước, nhưng chúng ta có diện tích canh tác vào loại thấp nhất thế giới - chỉ khoảng 0,12ha/đầu người. Tuy vậy, diện tích này đang bị giảm dần bởi những mảnh đất màu mỡ cứ ít đi, nhường chỗ dần cho những khu công nghiệp trong khi mỗi năm dân số tăng khoảng 1 triệu người.

Để đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực cho cả nước trong điều kiện diện tích canh tác bị thu hẹp, người sản xuất (NSX) không còn con đường nào khác là tăng vụ, sử dụng giống mới đi kèm với việc tăng chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). Do chúng ta ít hơn Thái Lan 2,5 lần diện tích canh tác trên một đầu người, nên ngành nông nghiệp của chúng ta đã phải sử dụng phân bón gấp hai lần Thái Lan nhằm duy trì vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Như vậy xét về khả năng tiêu thụ, những nguy cơ do TBVTV gây ra có thể bắt đầu xuất hiện ngay ở khâu phân phối thuốc.

Giá đỗ thường bị ủ bằng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đến nay, nhiều loại thuốc clo hữu cơ, chứa thuỷ ngân, arsen và các kim loại nặng, thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ có độ độc cao như Methyl Parathion, Methamidophos, Phosphamidon... đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng, nhưng chúng vẫn được nhập lậu và sử dụng khá nhiều như Wofatox, Monitor (trên 40% số hộ sử dụng), Kelthan (80%), DDT và 666 (hơn 2%)…

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được phép nhập khẩu bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng mà không cần xin phép hoặc xác nhận đơn hàng như trước, nên kinh doanh mặt hàng này như diều gặp gió với khoảng 1.100 loại TBVTV với đủ mọi loại giá. Trong khi đó, để cạnh tranh, các nhà sản xuất sẵn sàng nhập nguyên liệu hết sức kém về chất lượng nhưng có giá thành thấp, chẳng hạn cùng loại thuốc, nguyên liệu Nhật đắt gấp 3 lần so với Trung Quốc, để bán cho NSX bằng đủ chiêu khuyến mại với nhiều loại giá thả nổi. Ví dụ, một chai Sofit 300 EC bán tại đại lý cấp 1 trên 20.000 đồng nhưng nông dân xã Đinh Trang Thượng (Di Linh, Lâm Đồng) phải mua với giá 28.000 đồng.

Theo một thống kê, vô số hàng nhập lậu kìn kịt theo đường mòn tới điểm tập kết để vận chuyển bằng xe thồ, Minxcơ và ôtô về xuôi tiêu thụ tại các khu vực đồng bằng. Chỉ trong tháng 3 và 4/2010, tại Lạng Sơn đã thu giữ 4 tấn TBVTV nhập lậu qua biên giới. Tổng số thuốc bắt giữ được hiện đã lên đến 12.450 tấn cùng với 19.000 lọ thuốc các loại. Chưa kể hơn 10.000kg đã được tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường, Bộ Quốc phòng cho tiêu huỷ từ tháng 2 năm 2000.

Do nhu cầu sử dụng thuốc BVTV tăng, các cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng loại thuốc này mọc lên như nấm sau mưa, cho dù TBVTV là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Kết quả thanh tra 14.570 lượt cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV năm 2006 cho thấy có 14,8% vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, trình độ của người kinh doanh thuốc BVTV còn thấp so với yêu cầu, trong khi đó có tới trên 90%  nông dân tìm hiểu cách sử dụng thuốc BVTV trực tiếp từ người bán thuốc.  

Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng "đại trà" trong canh tác.

Hiện nay, theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), lượng thuốc BVTV nhập vào Việt Nam là 77.000 tấn, tổng lượng thuốc BVTV trôi nổi không được phép sử dụng đang lưu trữ cần tiêu hủy trên cả nước là 150 tấn thuốc nước và thuốc bột. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì thuộc vào nhóm POP (Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) - những hợp chất hóa học có cấu trúc và hóa tính cho phép chúng tồn tại lâu dài trong môi trường, do đó gây ra những nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người - bao gồm: aldrin, chlordane, DDT…

Nguy cơ từ hóa chất rò rỉ

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Trung tâm Tư vấn Bảo vệ Môi trường, kết quả điều tra năm 2007, hóa chất BVTV POP tồn đọng ở Việt Nam được lưu giữ tại các kho là 108 tấn. Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trong số hơn 1.100 địa điểm bị ô nhiễm hóa chất BVTV thuộc nhóm POP, có tới 289 kho chứa nằm rải rác tại 39 tỉnh trong cả nước, tập trung chủ yếu ở Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Trong số này, có tới 89 điểm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng kho bãi xuống cấp và rò rỉ hóa chất. Các chất thải hữu cơ bền này luôn tiềm tàng trong không khí, thức ăn, nước uống sinh hoạt hàng ngày và do chúng không phân huỷ theo thời gian nên theo nước mưa ngấm sâu vào lòng đất khiến ngay đến cả mạch nước ngầm dùng làm giếng cho nước sinh hoạt cũng bốc mùi thuốc sâu nồng nặc.

Cùng với thuốc BVTV đang nhập theo cả hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch và BVTV POP tồn đọng cùng với các loại bao bì, đồ dựng thuốc BVTV… đang là mối nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường ngày một gay gắt và còn chưa kể tới một khối lượng lớn khác vẫn đang được ngang nhiên bày bán trên thị trường mà cơ quan chức năng không có khả năng kiểm soát, đánh giá, thu gom cho vào danh sách thiêu hủy.

TBVTV do chứa các hóa chất độc hại có tác động hủy diệt côn trùng và do cơ chế sinh học của côn trùng và động vật có vú có phần giống nhau nên đến lượt con người cũng rất dễ bị hủy diệt bởi các chất hoá học có nguy cơ gây chết người này.

Theo tính toán của một chuyên gia: Công bố kết quả kiểm tra 25 mẫu rau của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT) tại các tỉnh phía Bắc cho thấy có tới 44% mẫu rau có dư lượng TBVTV, trong đó 4% có hoạt chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. Kiểm tra 35 mẫu rau tại các tỉnh phía Nam, Cục BVTV phát hiện tới 54% mẫu có dư lượng TBVTV, trong đó 8,6% mẫu được phát hiện có hàm lượng TBVTV đủ khả năng gây ngộ độc cho người sử dụng. Tại Bình Dương, kiểm tra 228 mẫu có đến 72 mẫu phát hiện dư lượng clo và 9 mẫu có dư lượng TBVTV vượt giới hạn.

Tại Đồng Nai, kiểm tra 495 mẫu rau, có tới 56 mẫu có dư lượng TBVTV cao gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Một số loại rau thường bị phát hiện chứa nhiều dư lượng TBVTV như: Hành, cà chua, đậu đỗ, mướp đắng, dưa chuột… Mới đây, chỉ trong một đợt ra quân của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã thu giữ và tiêu hủy hàng tạ giá đỗ tẩm thuốc BVTV SHS 2ml khiến đỗ xanh nảy mầm nhanh hơn 1-2 ngày và giá tích nước nhiều hơn giúp kinh doanh lãi hơn 1,7 lần so với giá bình thường… Kết quả trên đưa tới thảm họa nhãn tiền.

Điều tra của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố cho thấy, số người bị ngộ độc do ảnh hưởng của thuốc BVTV chiếm tỉ lệ rất cao. Hiện cả nước có khoảng 15 - 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV. Nguy hại hơn, 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc. Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, ngộ độc thuốc BVTV là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và TNGT.

Chỉ trong năm 2009, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết đã có 4.515 người bị nhiễm độc TBVTV với 138 trường hợp tử vong do nhiễm độc quá nặng. Ngoài ra có tới 485 trường hợp đã ăn, uống nhầm phải thuốc bảo vệ thực vật, làm 15 người tử vong.  Còn thiệt hại về kinh tế có thể thấy ngay chỉ trong khía cạnh xuất khẩu rau hoa quả.

Những con số trên, dù chưa đầy đủ, cũng đã phản ánh mặt tiêu cực trong công tác sử dụng, nhập khẩu, quản lý chất lượng, bảo quản, xử lý POP… của thuốc BVTV ở Việt Nam . Trong vấn đề này có thể khẳng định "mưu sự cũng tại người và thành sự cũng tại người", cho nên tương lai của giống nòi trước hiểm họa này có thể hóa giải được, nếu xem TBVTV là "tân dược của nông nghiệp" và do đó ứng xử bằng pháp luật với chúng cũng cẩn trọng như với "tân dược dành cho con người".

Đối với NSX, có đến 81,4% số người mua thuốc để ngay trong nhà, 16% để ngoài vườn và 7% để thuốc trong... chuồng lợn. Việc cất giữ thuốc tuỳ tiện chỉ là một biểu hiện của sự thiếu hiểu biết: 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn; chỉ có 20% hiểu biết về tính chất độc hại của thuốc; 70% số người pha chế và sử dụng thuốc không theo hướng dẫn, 50% dùng tay pha chế thuốc... TBVTV rẻ tiền và nhập lậu đều bị cấm sử dụng tại Việt Nam và vì chúng không có nhãn mác nên NSX sử dụng "mò" - càng đậm đặc càng chắc ăn - khiến đến cả trâu bò ở  tỉnh Long An ăn phải rơm của người trồng lúa đã phun TBVTV trước khi gặt và do  lượng thuốc tồn dư quá lớn cũng bị ngộ độc.

Việt Nam là quốc gia sử dụng phân bón hóa học vào hạng cao nhất trên thế giới. Ngoài ra, những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng, do khí hậu biến đổi bất thường nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn, vì vậy số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên và nước ta cũng được xếp vào hàng sử dụng TBVTV nhiều nhất trên thế giới - Ước tính sơ bộ, mỗi vụ lúa một hộ gia đình phải chi 20.000 đồng thuốc diệt cỏ cho 1.000m2. Đối với hoa màu, số tiền mua thuốc BVTV cao hơn, khoảng 50.000 đ/1.000m2. Nếu như trước năm 1985, khối lượng thuốc BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 đến 9.000 tấn thành phẩm quy đổi và lượng thuốc sử dụng bình quân khoảng 0,3kg/ha thì thời gian từ năm 1991 đến nay lượng thuốc sử dụng biến động từ 25- 38 ngàn tấn. Đặc biệt năm 2006 lượng thuốc BVTV nhập khẩu là 71.345 tấn. Cơ cấu thuốc BVTV sử dụng cũng có biến động: thuốc trừ sâu giảm trong khi thuốc trừ cỏ, trừ bệnh gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại.


CAND

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cột thu và tiếp sóng của hãng điện thoại có ảnh hưởng sức khỏe?
Nóc nhà có cột thu và tiếp sóng thì người sống trong ngôi nhà đó không bị ảnh hưởng mà những nhà xung quanh mới hứng chịu sự tác động.
29/12/2010
Còn 4 mạng chưa chặn được SMS mạo danh
Bộ TT&TT cho biết 3 mạng di động Viettel, S-Fone và EVN Telecom đã triển khai thành công biện pháp chặn tin nhắn SMS mạo danh, trong khi VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Beeline chưa thực hiện được
29/12/2010
TMĐT: Người dùng cần được bảo vệ
Với bất kỳ loại hình kinh doanh nào, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được lưu tâm. Đặc biệt trong hoạt động mua bán trực tuyến, niềm tin của người tiêu dùng càng là vấn đề sống còn.
27/12/2010
Kết quả mô hình khảo nghiệm các giống cam Tề (Trung Quốc)
HGĐT- Thực hiện Nghị quyết 14 tỉnh Hà Giang về phát triển vùng cam quýt, trong đó tập trung nghiên cứu những giống cam mới, thời gian thu hoạch sớm nhằm rải vụ, nâng cao thu nhập và ổn định đầu ra cho cam sành Hà Giang. Từ năm 2007, Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang đã chủ trì xây dựng các mô hình trồng khảo nghiệm các giống cam Tề tại 2 huyện Vị Xuyên và Quang Bình, nhằm đánh giá
25/12/2010