Khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam coi CNTT-TT là công cụ quan trọng hàng đầu

07:46, 27/08/2009

“Việt Nam coi CNTT và TT là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước”. Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) 2009 tại Hà Nội.


Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR) được tổ chức theo sáng kiến của Liên hiệp Quốc tế về Khoa học Công nghệ Thông tin - Truyền thông (IFIP) với mục tiêu tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, thực hiện thành công “Mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc và triển khai  “Kế hoạch hành động” của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin (WSIS). Từ năm 2003 đến nay, Diễn đàn được tổ chức hai năm một lần, lần lượt tại các nước Lithuania, Botswana và Ethiopia.

Với chủ đề “ Công nghệ thông tin vì sự phát triển bền vững ”, WITFOR Việt Nam 2009 được tổ chức ở cấp Bộ trưởng với sự góp mặt của gần 1.500 đại biểu đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu trong phiên khai mạc sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung các nguồn lực để phát triển. CNTT đã có bước phát triển khá nhanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục. Năm 2008, doanh thu của ngành CNTT - TT đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức độ cao.

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tăng tốc để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Trong đó tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ngoài những nguồn lực trong nước, Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các nước và cộng đồng quốc tế.


Gian hàng CNTT mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Diễn đàn lần này đã chọn chủ đề “CNTT vì sự phát triển bền vững”. Đây là chủ đề thiết thực rất có ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra.

“Diễn đàn lần này là cơ hội để chúng ta nỗ lực một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội hợp tác ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thách thức đối với sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển nông nghiệp và nông thôm, cơ sở hạ tầng truyền thông, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, môi trường, chính phủ điện tử, cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ, mô hình hợp tác về CNTT, việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo và khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Tại lễ khai mạc, ông Basie von Solms - Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế về Khoa học Công nghệ Thông tin truyền thông (IFIP) cho rằng, Việt Nam có một nền tảng CNTT tốt, có vai trò cao trong khu vực. IFIP là một Liên đoàn CNTT có 61 thành viên và là đơn vị đã đưa ra sáng kiến tổ chức WITFOR đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn lần này của một trong những thành viên mới nhất là Việt Nam.

Trong thời gian ba ngày diễn ra WITFOR 2009, Diễn đàn sẽ có 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song của 8 Ủy ban chuyên môn, tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới những ứng dụng của CNTT – TT trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, hướng tới mục tiêu mang lại sự phát triển bền vững cho khu vực và thế giới.

Bên cạnh chương trình làm việc chính thức, Diễn đàn còn có các hoạt động bên lề bao gồm những hoạt động giao lưu,đối ngoại, xúc tiến kinh doanh và những hoạt động cộng đồng với mong muốn đưa công nghệ thông tin đến gần hơn với người dân như Triển lãm quốc tế về công nghệ thông tin và truyền thông, chương trình Kết nối doanh nghiệp ICT, chương trình đối thoại với chủ đề “ Công nghệ thông tin – Đánh giá đa chiều” và chương trình “Máy tính cho cuộc sống”. Trong vòng tám tháng, 300 máy tính trị giá 1,5 tỷ đồng đã được những người làm chương trình mang tới đồng bào ở các vùng khó khăn tại các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Tuyên quang, Kon-Tum, Gia Lai.


Nhan dan

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Laptop của 5 năm tới
Những thiết kế dạng ý tưởng (concept) này cho thấy máy tính xách tay trong vài năm tới sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ.
29/07/2009
Ngành công nghệ sẽ đi đầu trong công cuộc phục hồi nền kinh tế?
Trong một cuộc khảo sát mới đây do công ty tư vấn KPMG tiến hành, hầu hết giám đốc điều hành trong các công ty công nghệ đều cảm thấy rất lạc quan về tình hình phát triển của ngành trong thời gian tới. Nhiều người cho rằng: lĩnh vực này sẽ đi tiên phong trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
24/08/2009
Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên phát triển sản xuất
HGĐT- Nhiệm kỳ qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội Làm vườn (HLV) trong tỉnh chú trọng đó là chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT), giúp hội viên phát triển kinh tế VAC, trang trại.
21/08/2009
Định giá phần mềm: Càng gỡ càng rối?
Hiện nay, việc chưa có một cơ sở định giá hợp lý hiện đang được coi là một rào cản lớn trong tiến trình phát triển của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam.
21/08/2009