Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao

08:03, 30/05/2008

Việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao (CNC) ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng để quá trình phát triển CNC và việc ứng dụng, khai thác CNC trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cần có những chính sách và giải pháp tích cực.


Khái niệm công nghệ cao được đề cập ở Việt Nam vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước và được sử dụng một cách rộng rãi, chính thức trong các tài liệu khoa học, các văn bản, văn kiện của Ðảng và Nhà nước vào thập kỷ 80. Nhất là từ những năm 90 trở lại đây.

Ðầu thập kỷ 90, Chính phủ đã ra các Nghị quyết phát triển các lĩnh vực CNC như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu, đào tạo nhân lực, ứng dụng và sản xuất các sản phẩm CNC trong các lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 1991, bốn lĩnh vực CNC (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến và tự động hóa) đã được đưa vào hệ thống các chương trình trọng điểm cấp nhà nước; các chương trình này đã được duy trì trong suốt ba giai đoạn kế hoạch năm năm vừa qua.

Mục tiêu hình thành bốn chương trình trọng điểm KH & CN cấp nhà nước về CNC tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu để tiến tới làm chủ các công nghệ nhập tiên tiến phục vụ đổi mới công nghệ trong các ngành kinh tế quốc dân như: bưu chính, viễn thông; nông nghiệp; thủy sản; các ngành công nghiệp; xây dựng; giao thông vận tải, v.v...

Nhằm đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu vào sản xuất, bốn chương trình kỹ thuật - kinh tế cũng đã được xây dựng như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa. Ngoài ra, một số đề tài, dự án ứng dụng CNC cũng được hình thành và triển khai ở cấp bộ ngành, địa phương và các tổ chức KH & CN. Trong giai đoạn 1996 - 2000, Chương trình KH & CN trọng điểm cấp nhà nước về CNTT-TT đã tạo được hơn 70 sản phẩm bao gồm 30 thiết bị, 10 hệ thống và hơn 30 phần mềm các loại; hầu hết các kết quả đó đã được ứng dụng vào thực tế và đời sống.

Trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học (CNSH) có 37 kết quả đã được ứng dụng với nhiều mức độ khác nhau vào sản xuất và đời sống. Kết quả của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về tự động hóa đã được hơn 100 doanh nghiệp tiếp thu.

Trong giai đoạn 2001 - 2005, những kết quả nghiên cứu của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về CNC đã được áp dụng mang lợi hàng trăm tỷ đồng hằng năm trong các lĩnh vực trồng điều, lúa gạo, nuôi cua xanh thương phẩm. Các kết quả nghiên cứu trong Chương trình KH&CN về công nghệ thông tin, tự động hóa và vật liệu tiên tiến như hệ thống SCADA, vật liệu polymer - composite, hoặc hệ tính toán hiệu năng cao cũng đã giúp giảm chi phí nhập ngoại nhiều trang thiết bị giá trị cao, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Nhà nước ta cũng đã xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm như những hạt nhân cho hoạt động NC&PT CNC. Các phòng thí nghiệm trọng điểm này đã đào tạo được 56 tiến sĩ, 58 thạc sĩ và nâng cao nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan.

Các đề tài, dự án có sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm đã công bố được 640 bài báo, công trình trên các tạp chí khoa học, trong đó có ba công trình đăng trên các tạp chí nước ngoài, 22 công trình có kết quả đã đăng ký cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, ba trong số đó đã được cấp bằng giải pháp hữu ích, hơn 300 bằng khen đã được công nhận.

Hiện nay ở nước ta có khoảng 100 tổ chức NC&PT, khoảng 80 trường đại học và cao đẳng có các hoạt động liên quan đến năm lĩnh vực CNC, trong đó phần lớn tập trung vào CNTT-TT và CNSH. Những hoạt động NC&PT trong lĩnh vực CNC thường được áp dụng nhanh chóng, có hiệu quả vào sản xuất và đời sống, góp phần giải quyết quan hệ gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất.

CNC còn mang lại nét mới cho quan hệ gắn kết nghiên cứu với sản xuất qua Chương trình kinh tế - kỹ thuật và doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh một số kết quả đạt được, nhìn chung hoạt động NC&PT vẫn chưa tạo ra được nhiều công nghệ mang tính đột phá, một số kết quả nghiên cứu không áp dụng được vào sản xuất vì công nghệ chưa thật sự ổn định và hoàn chỉnh.

Hướng nghiên cứu còn dàn trải và ít gắn kết với các mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể. Nhiều kết quả nghiên cứu do các tổ chức nghiên cứu KH&CN tạo ra mới chỉ dừng ở phòng thí nghiệm.

Tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động NC&PT nói chung chưa được chú trọng. Thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình KH&CN và kinh tế - kỹ thuật còn nhiều bất cập.

CNC có tác động to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng. Thực tiễn những năm qua cho thấy, để quá trình phát triển CNC và việc ứng dụng, khai thác CNC trở thành động lực là một bài toán khó, một thách thức đối với nhiều quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế để không bị tụt hậu.

Lựa chọn hướng đi theo công nghệ cao để góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 là một lựa chọn khôn ngoan và tất yếu. Ðể phù hợp với điều kiện ở nước ta, việc áp dụng CNC cần thấu suốt những điểm cơ bản: ứng dụng và phát triển CNC là một giải pháp có ý nghĩa quyết định để thực hiện hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Cần ứng dụng rộng rãi CNC vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh đồng thời phát triển mạnh một số ngành công nghiệp CNC có lợi thế; Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung vào chuyển giao, thu hút đầu tư CNC từ nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để tiếp thu, làm chủ, thích nghi, đổi mới và từng bước tạo ra được một số CNC đặc thù trong nước; Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội cho ứng dụng, phát triển, đào tạo CNC, phát triển công nghiệp CNC; tập trung xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật trọng điểm làm nền tảng cho phát triển CNC của đất nước. 

Mục tiêu chung đến năm 2020 là: Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả CNC trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng sống của nhân dân và bảo đảm  quốc phòng, an ninh; xây dựng được ngành công nghiệp CNTT, CNSH có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của các ngành công nghiệp.

Phát triển nhanh các doanh nghiệp trong các lĩnh vực CNC khác. Tạo ra được một số sản phẩm CNC chủ lực có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội; hình thành được tiềm lực và năng lực tiếp thu, làm chủ, đổi mới và sáng tạo công nghệ trong một số lĩnh vực CNC trọng điểm.

Xây dựng được một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo và nhân lực CNC  đạt trình độ tiên tiến, có khả năng giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN trọng điểm quốc gia đạt trình độ quốc tế. Trước mắt từ nay đến năm 2015 là,  công nghiệp CNTT đạt mức tăng trưởng bình quân 30%; xây dựng được ngành công nghiệp CNSH.

Nâng cao tỷ trọng giá trị sản lượng sản phẩm CNC trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC trong tổng giá trị xuất khẩu; thu hút được các công ty CNC đa quốc gia có uy tín đầu tư vào các hoạt động CNC ở Việt Nam; phát triển mạnh các hoạt động ươm tạo, hình thành được lực lượng doanh nghiệp CNC trong nước; thúc đẩy hoạt động có hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm đã được xây dựng, Khu CNC TP Hồ Chí Minh, Khu CNC Hòa Lạc, các khu CNC khác và hạ tầng thông tin KH&CN quốc gia.

Hình thành và đưa vào hoạt động một số vườn ươm doanh nghiệp CNC; hoàn thiện và xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho phát triển CNC và các ngành công nghiệp CNC.

Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

VINASAT-1 chính thức được bàn giao cho Việt Nam
Vào lúc 14h chiều 29/5/2008, tại trụ sở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đại diện Tập đoàn sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã chính thức bàn giao vệ tinh VINASAT-1 và hoá đơn bán hàng, kết thúc hợp đồng sản xuất và phóng vệ tinh cho chủ đầu tư VNPT.
30/05/2008
Chạy đua công nghệ thanh toán điện tử tại Việt Nam
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, rào cản về pháp lý không còn, dịch vụ của các ngân hàng gần tương đương nhau. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn trở thành yếu tố quyết định cuộc chạy đua giành niềm tin khách hàng.
29/05/2008
“Bom tấn” mobile màn hình cảm ứng sắp ra lò
Suốt 1 năm nay, iPhone được nhắc đến khá nhiều với màn hình cảm ứng ấn tượng nhưng, những “quả bom tấn” sau đây sẽ khiến giới công nghệ đảo điên vì những cải tiến mới về kiểu dáng và tính năng.
27/05/2008
Tập huấn tuyên truyền viên dự án VSMT mở rộng cụm 2 xã Thanh Vân - Nghĩa Thuận
(HGĐT)- Vừa qua, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Quản Bạ tổ chức tập huấn cho tuyên truyền viên Dự án VSMT mở rộng cụm 2 xã Thanh Vân - Nghĩa Thuận.
26/05/2008