Xây ước mơ từ... những viên gạch vỡ

08:53, 20/09/2012

HGĐT - Hỏa hoạn bất ngờ xẩy ra tại thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) vào đầu năm 2010 đã đẩy một gia đình vốn đang ăn nên làm ra lâm vào cảnh trắng tay, tưởng như cuộc sống đang quay trở lại thời kỳ nghèo đói nhất. Nhưng từ trong đống tro tàn đổ nát ấy, họ đã vượt lên đầy nghị lực và ý chí để có một cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng như hôm nay. Đó là câu chuyện khởi nghiệp từ... những viên gạch vỡ của gia đình chị Nguyễn Thị Yến và anh Nguyễn Quang Huy ở thị trấn Yên Phú.



          Chị Nguyễn Thị Yến luôn bận rộn chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Nhiều người dân ở thị trấn Yên Phú vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại câu chuyện về trận hỏa hoạn xẩy ra vào một ngày đầu năm mới 2010, gia đình chị Yến là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất: “Khi đó tôi kinh doanh hàng tạp hóa, cháy lớn xẩy ra bất ngờ, chỉ kịp chạy để thoát thân, tài sản còn lại là hơn 10 ngàn đồng sót lại trong túi quần...”, chị Yến nhớ lại thời điểm gia đình rơi vào cảnh trắng tay. Để giúp các gia đình ổn định cuộc sống, bên cạnh sự hỗ trợ của huyện, chị Yến được NHCSXH huyện Bắc Mê hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số tiền này, hai vợ chồng phải nhiều đêm trằn trọc, tìm hướng thoát nghèo nào hợp lý nhất mà mang lại hiệu quả? rồi chị nhớ lại vợ chồng chị từng có một ước mơ đơn giản là xây dựng một trang trại chăn nuôi quy mô nuôi các loại gia súc, gia cầm đặc sản, nhưng 30 triệu đồng liệu có thể làm được như thế hay không trong khi xuất phát điểm của gia đình đang ở mốc số không? Chia sẻ về những suy nghĩ của ngày đầu khởi nghiệp, anh Huy vẫn còn nhớ rõ: “Vợ tôi chỉ sợ làm ăn không được lại mất vốn, lấy đâu tiền để trả nợ ngân hàng, nhưng làm trang trại chăn nuôi là ước mơ mà trước đây chúng tôi chưa thực hiện được. Nghĩ rồi quyết tâm làm, làm ăn phải chấp nhận rủi ro hơn nữa giữa bộn bề của cuộc sống lúc đó, chúng tôi làm gì có sự lựa chọn nào hợp lý hơn...”.Bắt tay vào công việc, để tiết kiệm tiền mua lợn giống, hàng ngày vợ chồng chị đi gom nhặt từng viên gạch vỡ người ta vứt lại tại những công trình vừa xây xong hay chính từ trong đống tro tàn chợ cũ để về xây chuồng trại, mái lợp là những tấm lá cọ lấy từ rừng. Nguồn vốn ít ỏi chỉ đủ cho anh chị mua 10 con lợn, nguồn thức ăn cho lợn là các loại rau tự trồng và các loại sản phẩm phụ của nông nghiệp. Như có duyên với nghề chăn nuôi, đàn lợn của chị Yến lớn nhanh đến không ngờ, lứa xuất bán đầu tiên, hai vợ chồng ứa nước mắt vì cuối cùng sức lao động bỏ ra bấy lâu nay đã cho kết quả. Nhưng đây chỉ mới là bước khởi đầu, chị đã dùng toàn bộ số tiền này để tái đầu tư đàn lợn đông đúc thêm với hy vọng mở rộng quy mô trang trại. “Nghĩ lại mình đã trắng tay sau trận hỏa hoạn, bi quan và thất vọng bao nhiêu thì khi cầm những đồng tiền đầu tiên có được sau những ngày vợ chồng lao động mệt nhọc lại vui sướng và hạnh phúc bấy nhiêu, nhờ vậy chúng tôi có thêm quyết tâm để tiếp tục cố gắng. Huyện Bắc Mê và NHCSXH đã giúp gia đình tôi “hồi sinh”..., chị Yến tâm sự. Đến nay, sau hơn 2 năm cần mẫn làm ăn, gia đình chị Yến đã có một trang trại chăn nuôi với quy mô gần 100 con lợn, lúc nào trong chuồng cũng có lợn chờ xuất bán; hàng ngàn con ngan, vịt thường xuyên cho thu nhập. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo chất lượng thịt, trang trại của chị Yến giờ đây có thêm các con vật nuôi đặc sản như: Lợn đen, lợn tên lửa, vịt bầu... chị phải thuê thêm hai lao động để giúp chăm đàn vật nuôi; mỗi năm gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Khi được hỏi về công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, chị Yến bày tỏ:“Chúng tôi luôn đề cao việc phòng chống dịch bệnh cho các con vật nuôi, tiêm phòng định kỳ và kiểm tra thường xuyên sự phát triển của chúng; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, có chỗ riêng cho đàn vật nuôi dạo chơi; thức ăn được chuẩn bị kỹ và nấu chín. Về kỹ thuật chăm sóc thì dù đã gần cái tuổi 50 rồi, nhưng khi nào có lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi là vợ chồng tôi lại đến, rồi tự mua sách về học, đi tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi khác... Thế mà cũng vận dụng được nhiều cách hay, tránh cho đàn vật nuôi được bao nhiêu trận dịch. Còn nhớ năm 2011, dịch cúm gia cầm, gà vịt hàng xóm cứ lăn đùng ra chết, có khi chúng chết gần chuồng trại của mình khiến vợ chồng tôi rất lo nhưng may quá, nhờ chúng được tiêm phòng đúng cách, đúng định kỳ nên mới tránh được...”. Với một diện tích đất hẹp, lại ở trên dốc núi, ít ai có thể ngờ rằng nơi đây lại có một trang trại chăn nuôi được xây dựng quy mô như vậy. Hình ảnh những chú lợn ăn no căng tròn, đàn ngan, vịt bơi lội, tắm mát giữa những rừng cây xanh tạo một cảm giác bình yên, no đủ.

 

Anh chị sẽ viết tiếp câu chuyện ước mơ của mình như thế nào? Tôi hỏi.

 

Hai người nông dân chân chất nhìn nhau cười: “Chẳng giám gọi đó là ước mơ, nhưng chúng tôi đang muốn làm nhiều hơn nữa. Trước mắt là mở rộng thêm trang trại, tạo thương hiệu vịt bầu, lợn đen Yến Huy cho thị trường cả trong và ngoài huyện, xây bể bioga để bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn năng lượng; đầu tư nuôi lợn nái để tạo giống tại chỗ, không chỉ giúp gia đình giảm chi phí mà còn giúp nhiều hộ trong vùng có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế...”. Câu chuyện của chúng tôi quá vãn khi đàn lợn đang rối rít đòi ăn, tôi chợt nhận ra, nụ cười mãn nguyện trên gương mặt đã xuất hiện nếp nhăn của anh chị. Công việc dù chỉ quẩn quanh bên ruộng vườn, trang trại nhưng với vợ chồng chị Yến đó là một giấc mơ riêng của cuộc đời mình, và giấc mơ ấy dù được khởi đầu từ những... viên gạch vỡ nhưng bằng lòng tin, sự quyết tâm đồng lòng, họ đang xây được những “công trình” vững chắc cho ngày mai...

                                           Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chí làm giàu của một thanh niên Pà Thẻn
HGĐT- Phát triển kinh tế gia đình ở nông thôn không khó, nhưng cũng không dễ bởi phải phụ thuộc vào điều kiện ừng gia đình, môi trường sống và tư duy làm kinh tế. Có nhiều người đã chọn phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cây, chăn nuôi lợn, gà, dê, cá, trâu, bò...; nhưng với người thanh niên dân tộc Pà Thẻn Tải Văn Lý, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình), lại
28/08/2012
Người thương binh “giữ hồn” khèn Mông
HGĐT- Với người Mông, tiếng khèn từ rất lâu đã trở thành thứ không thể thiếu trong những dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi. Tiếng khèn ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ, vào phong tục tập quán để rồi trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng không thể pha trộn. Với quyết tâm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, không để mai một bởi thời gian, người thương binh Sùng Sía Chứ ở thôn
26/07/2012
Mèo Vạc “học” và “làm theo” gương Bác Hồ bằng những việc làm thiết thực, cụ thể
HGĐT- Xác định, lấy tính thiết thực của các mô hình thực tiễn làm thước đo hiệu quảviệc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện Mèo Vạc luôn chú trọng gắn việc “học tập” và “làm theo” với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI)... tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, góp
25/08/2012
Bác Nguyễn Ngọc Đáo hiến đất và vận động bà con làm đường nông thôn mới
HGĐT - Về thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang), chúng tôi được giới thiệu về một tấm gương tiêu biểu trong phong trào hiến đất, làm đường của huyện trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
24/08/2012