Trở lại Bắc Mê
BHG - Trở lại Bắc Mê là vì tôi đã không còn ở đó nữa. Xa đến nay đã gần 40 năm, nhưng mỗi lần trở lại, tôi vẫn thấy như mình quay về. Về với nương ruộng, núi đồi và đèo dốc, về với bà con các dân tộc luôn thân thương, trìu mến. Nhớ những ngôi nhà sàn của người Tày bên suối, kề bên thung lũng lúa, đồi chè, nương cọ. Nhà người Dao chênh vênh lưng núi vây bọc bởi ruộng bậc thang, có nguồn nước róc rách bên nhà; hay những ngôi nhà bưng ván, mái ngói, chìm dưới bóng chè và rừng xanh…
Mảnh đất Bắc Mê nhìn trên bản đồ tỉnh Hà Giang như cánh tay của người phụ nữ đang gieo hạt, với diện tích hơn 85 nghìn ha đất tự nhiên và dân số gần 57 nghìn người. Thẻo đất giống như con dao, cán cuốc ấy biểu tượng cho sự lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của bà con mình. Bắc Mê có 13 dân tộc sinh sống, đông nhất là Dao, Mông và Tày. Từ thành phố Hà Giang, theo hướng Đông, cánh tay ấy vươn dài, tiếp giáp với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) và Na Hang (Tuyên Quang).
Du khách thăm Căng Bắc Mê. |
Được tách ra từ các xã thuộc huyện Vị Xuyên, tháng 1.1984 huyện Bắc Mê chính thức trở thành đơn vị hành chính của tỉnh Hà Giang. Vừa mới ngày nào mà đã trải qua 40 năm, vùng đất được coi là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, đến hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Trở lại Bắc Mê, tôi đang choáng ngợp trong giấc mơ giữa ban ngày. Một miền quê bừng thức, thay da, đổi thịt trong sự nghiệp xây dựng Nông thôn mới.
Xưa, con đường đất độc đạo, hun hút đi vào Căng Bắc Mê chỉ dành cho đi bộ và ngựa. Người Pháp, ngay sau khi chiếm đóng Hà Giang đã lập những đồn trại lính để trấn giữ những nơi sung yếu. Căng Bắc Mê, phiên âm từ tiếng Pháp, Caseme là đồn lính Pháp, làm nhiệm vụ kiểm soát vùng giáp ranh giữa ba tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng. Từ giữa năm 1939, đến cuối năm 1942, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành nhà tù, giam giữ những chiến sỹ cách mạng. Nhà văn Nguyễn Tuân, người từng đến Bắc Mê những năm 40 thế kỷ trước đã thốt lên: “…Phải vượt qua dốc ngựa trụy thai”. Hơn nửa thế kỷ trước, người dân muốn ra thị xã Hà Giang phải đi theo đường mòn, xuyên rừng, trèo đèo, lội suối. Một ngày đường cho 63 cây số. Khi Tiểu khu Bắc Mê được thành lập, mới hình thành đường ô tô. Người ta truyền nhau câu: “Bắc Mê, bắc mệt”.
Những năm đầu mới thành lập chỉ có vài chiếc xe ô tô của Huyện ủy, UBND huyện và xe tải của lâm trường Bắc Mê. Một tuần mới có một chuyến xe khách. Con đường nhọc nhằn và những chuyến xe bão táp. Nhiều cán bộ, giáo viên có việc, phải đi bộ ra thị xã Hà Giang. Ngày chúng tôi đến công tác, chỉ Chủ nhật mới có phiên chợ để mua rau, thực phẩm tích trữ cho cả tuần. Cá khô, vừng, lạc, đỗ, bí đỏ, rau rừng là món ăn thường nhật của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang. Nhà ở và nơi làm việc của các cơ quan, đơn vị đều bằng gỗ, tre nứa, tạm bợ. Đi xã, xuống bản, hầu hết bằng đôi chân. Bắc Mê thiếu đủ thứ, chỉ thừa thãi khó khăn, gian khổ.
Mùa lúa chín ở Đường Âm. |
Từng đoàn ngựa thồ nối nhau ra thị xã Hà Giang chở mắm muối, chum vại, chảo, kiềng vào Đường Âm, Phiêng Luông đổi gạo, ngô, bí. Đó là đoàn ngựa thồ của người dân xã Lạc Nông. Lạc Nông đấy mà chẳng mấy người vui thú với nông nghiệp. Mảnh đất nhỏ như sợi dây bao dao, mặt ruộng đầy rỉ váng vàng, đỏ. Những mảnh ruộng hẹp, Nà Cắp, Phja Phon, không nuôi nổi người, bà con phải biết làm thêm, kiếm kế sinh nhai.
Yên Phú, Yên Cường, Phú Nam, Giáp Trung, đồi bạt ngàn trẩu, sim mua mọc hoang. Hoa trẩu trắng như mâm xôi trên những đồi bát úp, nhưng hoa chẳng làm cho đồng bào bớt nghèo đói. Sim mua nở tím đồi, sao không mang lại niềm vui cho dân bản. Ven đường lau chít mọc lấp lối đi. Lá lem sắc cứa mặt người. Người Dao vào rừng kiếm rau củ, quả qua kỳ giáp hạt. Những phụ nữ Mông leo khắp các đỉnh núi cao tìm hạt mã tiền, bán cho mậu dịch. Người Tày lội suối, lặn sông, quăng chài, thả lưới kiếm bữa ăn.
Mùa Đông giá lạnh, cả núi rừng chìm trong sương buốt. Đêm đêm, nơi bản vắng, lửa rừng thay cho chăn áo. Gió núi thổi mòn vẹt cả bậc cầu thang nhà sàn. Cái rét bỏ lại những điểm trường vắng vẻ, heo hút. Sông Gâm nhiều tôm cá, có loại đặc sản Dầm xanh, Anh vũ, dùng để cung tiến Vua. Nhưng sông cũng đầy hiểm trở rình rập.
Ngày tôi lên công tác, đồng bào còn rất nhiều hủ tục. Lực lượng Công an có nhiều việc phải làm. Người ta đồn người nọ, người kia có ma gà nhập vào. Rồi tìm cách hắt hủi, chia rẽ, gây mất đoàn kết. Không lấy được nhau cũng đổ cho người ấy có ma cà rồng. Thậm chí, có gia đình người Dao đang tâm bỏ con mình vì tin theo lời thầy cúng. Vợ chồng mâu thuẫn một chút, người phụ nữ đã bỏ ra rừng tìm lá ngón để kết liễu đời mình. Nhiều chuyện đau lòng vì tệ nạn mê tín dị đoan.
Bắc Mê hôm nay đã mang một diện mạo mới. Nhiều năm trước, trung tâm huyện lỵ đã rời ra Nà Nèn, cách thành phố Hà Giang chỉ 53 cây số. Phố huyện san sát mọc lên những ngôi nhà nhiều tầng, kiến trúc hiện đại. Chợ huyện cũng có đầy đủ các mặt hàng như chợ ở một số thành phố, đô thị khác. Đã có nhiều chợ phiên tại các xã phục vụ mua sắm, trao đổi hàng hóa của đồng bào. Quốc lộ 34, con đường chính từ thành phố Hà Giang đi qua huyện lỵ Bắc Mê sang tỉnh Cao Bằng. Quốc lộ 280, Na Hang, Tuyên Quang đi Bắc Mê. Tỉnh lộ 176, từ Bắc Mê đi huyện Yên Minh. Và rất nhiều đường bê tông từ các xã, thôn bản đã và đang gấp rút hoàn thành trong năm nay.
Tôi có thú vui đi xe máy, ngắm những rừng cây, nương chè hay các vạt ruộng bậc thang ở đây. Tôi đã từ huyện Bảo Lâm, Cao Bằng sang. Từ Yên Minh xuống hay ngược Thượng Giáp, Na Hang, Tuyên Quang lên. Đến Bắc Mê là tôi như được trở về nhà. Tết này, đường bê tông từ trung tâm xã sẽ đến với một vùng chè cổ thụ ở Đường Hồng. Đường tốt đã mở đến tận 370 ha cây hồi ở Yên Phú, Đường Âm, Đường Hồng; 228 ha cây quế ở Đường Âm, Minh Sơn…
Rừng Bắc Mê đang xanh lại. Không phải là rừng nguyên sinh bạt ngàn xưa. Mà chủ yếu từ vườn rừng đã có chủ, được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ. Căng Bắc Mê được đầu tư tôn tạo, trở thành điểm đến cho những ai muốn tìm về lịch sử, khám phá miền đất hoang sơ, kỳ vĩ. Rừng tếch trên núi Rồng bóng đã rợp cả một thế kỷ. Những cây tếch ở đây đến từ nước Pháp xa xôi, cao vút, chật cả những vòng ôm. Chế độ thực dân đã tàn lụi, chỉ còn lại những tường gạch đá của nhà tù, nham nhở vết thời gian. Bắc Mê có ba di tích được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số miền núi Hà Giang.
Con sông hung dữ ngày nào đã được trị thủy. Từ khi thủy điện Tuyên Quang hoàn thành, dâng mực nước lên cao, không chỉ gia tăng nguồn lợi thủy sản do diện tích mặt nước, mà còn trở thành miền sinh thái mặt nước bên rừng đại ngàn biếc xanh. Du thuyền trên sông, nghe các làn điệu dân ca Tày, lời Then, tiếng Tính dập dìu, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Hơn chục năm nay, Bắc Mê đã tổ chức và duy trì môn thể thao đua mảng trên sông, thu hút nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia.
Dẫu còn lắm gian truân phía trước, người Bắc Mê hôm nay đã ngẩng cao đầu nhìn về tương lai. Biết bao thế hệ đã nối tiếp nhau xây dựng và giữ gìn vẻ đẹp cho quê hương. Nhiều người đã ra đi, có người tên tuổi cũng chìm lấp theo tháng năm. Những người sinh ra ngày đó, hôm nay họ đã trở thành chủ nhân của vùng đất ấy. Bắc Mê, tôi đã yêu suốt thời trai trẻ, tôi còn yêu đến mai sau. Trở lại hôm nay, cho tôi được vui cùng bà con, đồng chí, anh em, bạn bè.
Bài, ảnh: LÊ NA
Ý kiến bạn đọc