Hướng mạnh về cơ sở, gắn bó với nhân dân
BHG - Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, thời gian qua, hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đổi mới theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở; thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07, ngày 10.5.2021, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; các Huyện ủy, Thành ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể hóa, thực hiện phù hợp theo điều kiện thực tế.
Lãnh đạo MTTQ huyện Hoàng Su Phì tặng quà gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai tại xã Ngàm Đăng Vài. |
Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo MTTQ và các tổ chức CT-XH xây dựng các mô hình “dân vận khéo”, đảm bảo hàng năm mỗi tổ chức xây dựng từ 2 mô hình “dân vận khéo” trở lên. Đầu năm có bản đăng ký xây dựng mô hình “dân vận khéo” với cấp ủy địa phương, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện; cuối năm có đánh giá và nhân rộng đối với những mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo. Nội dung các mô hình tập trung vào các chủ trương lớn của tỉnh như: Cải tạo vườn tạp, phát triển cây cam Sành; xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh; xây dựng Nông thôn mới... Qua kiểm tra, MTTQ và các tổ chức CT-XH từ huyện đến xã đã triển khai đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra với trên 1.000 mô hình có hiệu quả.
Các tổ chức CT-XH tăng cường đa dạng hóa hình thức thu hút, tập hợp nhân dân tham gia tổ chức hội, đoàn thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền giúp hội viên, đoàn viên hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của tổ chức hội và những quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia; thành lập, duy trì các mô hình tập hợp thu hút hội viên như, các câu lạc bộ, quản lý hội viên hoạt động thông qua các trang mạng xã hội, các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp... Việc kết nạp hội viên mới hàng năm đạt từ 1% trở lên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 07 đề ra.
Ban công tác mặt trận thôn Cóc Be, xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) tuyên truyền bài trừ hủ tục theo hình thức sân khấu hóa. |
Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo MTTQ và các tổ chức CT-XH làm tốt việc tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, hội viên và nhân dân. Số lượng đối thoại dao động từ 2-5 cuộc/tổ chức đoàn thể/năm. Phối hợp tốt với UBKT, Thường trực HĐND, thanh tra cùng cấp trong việc xây dựng nội dung giám sát tại cơ sở. Nội dung giám sát, phản biện thiết thực, cụ thể, tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thông qua các hoạt động giám sát đã góp phần đưa chủ trương, nghị quyết vào cuộc sống, kịp thời phát hiện những sai sót để đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh; hạn chế tiêu cực, lãng phí.
Một điểm nhấn minh chứng cho sự đổi mới hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT-XH đó là các phong trào thi đua, cuộc vận động do MTTQ và các đoàn thể phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Điển hình như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu và được đổi mới phù hợp từng thôn bản, khu dân cư. Trong năm 2023, nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất; thực hiện hàng trăm km đường bê tông các loại; mở mới trên 50 km đường đất, đá. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đạt trên 4%; đến nay, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Không khí tưng bừng của Ngày hội đại đoàn kết thôn Nà Lòa, xã Tùng Bá (Vị Xuyên). |
Cùng với đó, công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và làm nhà đại đoàn kết được MTTQ các cấp quan tâm triển khai hiệu quả. Năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã vận động được trên 6,5 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp nhận, phân bổ và tặng trên 82.000 suất quà cho các đối tượng; xây dựng hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng đối với hàng Việt, thúc đẩy sản xuất, phát triển KT-XH.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07, hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp đã tập trung hướng về cơ sở, sâu sát địa bàn dân cư. Kịp thời lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó đề xuất những chủ trương, đường lối phù hợp, sát với thực tiễn ở địa phương, thực sự là cầu nối giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Qua đó, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc