11:17, 19/11/2024
BHG - Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn, ngọn lửa không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn là hiện thân của thần linh tối cao. Vào ngày 16.10 âm lịch hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch, người Pà Thẻn tại huyện Quang Bình tổ chức lễ hội Nhảy lửa truyền thống để tạ ơn đất trời và thần linh đã ban cho dân tộc những vụ mùa tươi tốt, cầu chúc cho mọi sự may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời xua tan những gì không tốt đẹp.
|
20giờ, ngày 16.11, trên khoảng sân rộng tại quảng trường 1.5, các thầy cúng tiến hành nghi lễ cúng bái để mời gọi thần linh, xin thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa. Mâm cúng đơn giản, bày hương và lễ vật gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy.. |
|
Thầy Xìn Văn Tu (thôn Mi Bắc, xã Tân Bắc) ngồi trên ghế cúng vừa gõ que tre vào đàn “Pàn dơ”, thân người rung theo từng nhịp gõ, miệng đọc từng bài cúng. Mỗi nhịp gõ như cầu nối giữa người đến thần thánh. |
|
Khoảng 20 - 30 phút sau, nhịp gõ của thầy cúng càng lúc càng gấp gáp, lần lượt các thanh niên được “thần linh chọn” cúi gập người, cơ thể rung lên bần bật, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại.... Cứ thế, họ lao vào đống lửa đang đỏ hồng với điệu nhảy sơ khai và huyền bí |
|
Người Pà Thẻn quan niệm, nhảy lửa tức là cho “thánh tắm” vì thế lửa lúc ấy là "nước". Thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết đợt nhảy, họ bị bật ra khỏi đống lửa và phải trở về ngồi lễ, tiếp tục chờ để nhận “nguồn năng lượng đặc biệt” cho đợt nhảy mới. |
|
Như được thần linh dẫn đi, đôi chân trần không chút e dè, các chàng trai Pà Thẻn lao mình vào đống lửa đỏ rực. Không có giới hạn về độ tuổi tham gia nhảy lửa nhưng họ phải nam nhân, có sức khoẻ trong làng |
|
Em Tải Văn Đàn, 18 tuổi, đã tham gia nhảy lửa từ khi còn học lớp 4. Sau khi thực hiện xong điệu nhảy, người Đàn bật tung ra ngoài nhưng chân, tay không có dấu hiệu bị bỏng, thậm chí quần áo cũng không có một vết cháy xém. |
|
Có người chỉ đơn giản nhảy qua đống lửa, có người lại dùng chân đá tung những mảnh than hồng. Những động tác mạnh mẽ, uyển chuyển, toát lên sức mạnh tinh thần, lòng can đảm |
|
Xuyên suốt lễ, thầy cúng không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng. Âm thanh hòa vào nhịp nhảy cùng với tiếng reo hò của người xem tạo nên một không khí sôi nổi, phấn khích. Người nhảy xong bật ra thì lại có một người khác nhảy vào tiếp nối, cũng có khi ba, bốn người thực hiện nhảy cùng một lúc. |
|
Liên tục như thế chừng 40-50 phút, tiếng hò reo cổ vũ càng lúc càng cuồng nhiệt..…Ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy. Khi nhảy họ nhắm mắt, Không kêu la hay tỏ ra đau đớn. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng và những người nhảy lửa mới trở lại trạng thái tỉnh táo. |
|
Với niềm tin rằng lửa có sức mạnh xua đuổi tà ma, bảo vệ cộng đồng khỏi những điều xui xẻo và mang lại may mắn. Vì thế, không chỉ là một nghi thức tín ngưỡng mà còn là minh chứng sống động cho niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của thần linh. |
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn tại huyện Quang Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2012. Việc tổ chức lễ hội này hàng năm không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa tộc người đã được công nhận, mà còn góp phần lan toả, củng cố sự gắn kết cộng đồng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Phóng sự ảnh: Khánh Linh
Ý kiến bạn đọc