Văn hóa Việt Nam nguồn tài nguyên vô giá
BHG - Việt Nam tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử có thể nói là nhờ có bề dày của nền văn hóa. Nằm trong khu vực ảnh hưởng của nhiều nền văn minh nhân loại như Ấn Độ, Trung Quốc, rồi Phương Tây…, Việt Nam không chỉ tiếp thu mà còn vận dụng, biến đổi những tinh hoa văn hóa thế giới cho phù hợp, thích ứng với nền văn hóa gắn với lịch sử, ứng phó thiên nhiên, cũng như kiên cường chống lại các thế lực ngoại xâm. Đặc trưng của văn hóa Việt Nam là dù hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được bản sắc của mình. Với một cộng đồng đa sắc tộc vẫn có những nét chung trong đời sống Việt như là tâm linh, tôn giáo, kiến trúc, ngôn ngữ, đạo lý, tập quán đến thế giới quan, “nghĩa đồng bào”… Trong nền văn hóa phong phú và đa dạng với 54 tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam với cuộc sống muôn màu thì vẫn có một nền văn hóa chủ hữu làm cơ sở cho cả cộng đồng người Việt. Điều này tạo được sức mạnh nội sinh, sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em với nhau, thành truyền thống tốt đẹp được phát huy trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước.
Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh minh họa) |
Sự tồn tại đa dạng trong thống nhất của các cộng đồng văn hóa tạo nên nét độc đáo và phong phú của vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, đó cũng là vẻ đẹp riêng có trong mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới. Từ xưa đến nay ở mức độ khác nhau việc đối thoại, giao lưu giữa các nền văn hóa là điều kiện để từng dân tộc bộc lộ và phát huy hết năng lực sáng tạo độc đáo của mình trong quá trình tạo ra các giá trị mới về vật chất cũng như tinh thần. Sự đa dạng của cộng đồng văn hóa Việt Nam với những đặc trưng văn hóa riêng của mỗi tộc người, nhưng đã hình thành nên một mẫu số chung, một giá trị chung ngày càng bền vững do yêu cầu chống chọi với thiên tai, bảo vệ và xây dựng cuộc sống, cũng như chống giặc ngoại xâm cần phải có sự giao thoa, hội nhập văn hóa với nhau. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết thương yêu tôn trọng nhau; cởi mở linh hoạt tiếp thu những giá trị mới với ý thức tự tôn và hòa hiếu Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam là yếu tố quan trọng và cơ bản tạo nên nguồn lực và cơ hội để Việt Nam phát triển bền vững. Mỗi cộng đồng có những giá trị văn hóa riêng của mình, nên nếu duy trì và phát huy được mối quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng với nhau trên nền tảng văn hóa thì sẽ là phương thức mang đến hiệu quả vô cùng to lớn trong việc tăng cường mối đoàn kết dân tộc, nâng cao trình độ dân trí và đời sống về mọi mặt, là nền tảng đảm bảo an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Thế giới đang trong quá trình phát triển và hội nhập tạo cơ hội cho việc giao lưu, quảng bá của các nền văn hóa. Điều này cũng khiến cho mỗi dân tộc cũng như mỗi khu vực trên thế giới một mặt tiếp cận, giao lưu để đa dạng về văn hóa; mặt khác cũng tạo ra những xung đột do những va chạm khác biệt giữa các nền văn hóa với nhau. Khi mà chủ nghĩa dân tộc cực đoan bành trướng, thì hơn lúc nào hết các quốc gia cần nhận ra chìa khóa của sự phát triển hòa bình và ổn định trong bối cảnh hội nhập, đó là sự thấu hiểu, tôn trọng và khoan dung với sự khác biệt và đa dạng của các nền văn hóa. Do vậy bảo tồn và phát huy tính đa dạng vốn có của nền văn hóa Việt Nam hiện nay cần được xem “là sức mạnh mềm” để giữ vững độc lập dân tộc và điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế.
Thực tế ngày càng chứng minh rằng những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh nội sinh trong mối liên kết của quá trình phát triển luôn là quốc gia có những tiền đề vững chắc cho sự hội nhập quốc tế; vừa tạo nên được sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, đồng thời có khả năng ứng phó trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nhận biết được điều này Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra sự kết nối giữa nguồn tài nguyên văn hóa với quyết tâm chính trị nhằm biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng cống hiến vì một Việt Nam phồn vinh, bền vững, tự cường, tự chủ. Đảng và Nhà nước chủ trương phát huy nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam dựa trên khai thác các thành tố văn hóa để tự tôn dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh quốc gia, bản sắc dân tộc, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, từ đó góp phần nâng cao uy thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Trước hết cần nhận thức đầy đủ về vai trò và đặc trưng của văn hóa vừa là động lực tinh thần của xã hội, vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển của xã hội, của đất nước. Gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội để hình thành nên hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự phát triển đa dạng phong phú với đặc trưng của các biểu đạt giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, nhằm gia tăng sức mạnh mềm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội. Chú ý đến văn hóa trong chính trị, mà cốt lõi là nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên; xây dựng văn hóa cộng đồng gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh làm cho văn hóa trở thành yếu tố chủ đạo để tập hợp sức mạnh tổng hợp và bồi đắp nhân cách, giá trị chân - thiện - mỹ, phẩm chất liêm chính cho con người Việt Nam.
Triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với trụ cột là tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá gắn liền với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng thiết thực và bền vững. Cần phát huy tối đa năng lực sáng tạo và giữ gìn các tài sản của quần chúng trong suốt quá trình lịch sử thông qua các di tích, các di sản văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa… Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật có giá trị hướng vào xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.
Tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông văn hóa để chủ động hội nhập và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phù hợp với nhu cầu của các đối tượng, của mỗi vùng, mỗi quốc gia và sự tiến bộ của công nghệ cao thông qua hoạt động ngoại giao, các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, sự hiện diện của Việt Nam ở các sự kiện lịch sử văn hóa, nghệ thuật lớn của thế giới như EXPO, các triển lãm mỹ thuật, liên hoan phim quốc tế… quan tâm đúng mức đến tuyên truyền các sự kiện, các chương trình, các lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam. Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”; tạo dựng môi trường thông thoáng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau vì hòa, hữu nghị, chủ quyền giữa các quốc gia, dân tộc.
Việt Nam một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, nếu có chủ trương và giải pháp để tạo được môi trường phát triển phù hợp, lành mạnh thì nhất định sẽ khơi dậy và phát huy được nguồn tài nguyên văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong mối liên kết sức mạnh tổng hợp của đất nước. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc cần được giữ gìn, khai thác để không ngừng được phát huy và đủ sức ứng phó có hiệu quả với những thách thức phức tạp như đã qua trải nghiệm của lịch sử, cũng như trước những dự báo khó lường của tình hình phức tạp hiện nay. Đất nước giữ vững được nền độc lập dân tộc và thúc đẩy sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển bền vững với khát vọng trở thành cường quốc năm châu chỉ khi khơi dậy và phát huy được nguồn tài nguyên văn hóa vô giá trở thành động lực to lớn đoàn kết tổng hợp toàn dân tộc tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước trước mọi biến động của xu thế thời đại.
TS. Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc