Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và Ðại hội thi đua yêu nước ngành giao thông vận tải
Ngày 24-8, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (28-8-1945 - 28-8-2010) và Ðại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT (2005 - 2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước tặng thưởng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến.
Trong phong trào thi đua yêu nước, hằng năm, Bộ GTVT đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước dưới nhiều hình thức khác nhau với mục tiêu chung là "Kỷ cương, chất lượng, hợp tác, an toàn, hiệu quả". Công tác thi đua, khen thưởng được triển khai kịp thời để động viên các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Ba năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị gắn phong trào thi đua, yêu nước với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ðiển hình là các phong trào thi đua trong lĩnh vực tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách. Ngoài ra, một số phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn,... cũng đạt được kết quả cao. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 39/CT-T.Ư của Bộ Chính trị, công tác thi đua, khen thưởng bước đầu đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức cũng như đổi mới nội dung, hình thức thi đua, khen thưởng. Ngành sẽ phát động cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động hăng hái thi đua lao động, sản xuất và công tác, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2010 và các năm tiếp theo, lập thành tích cao nhất chào mừng Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành GTVT cần nỗ lực hơn nữa để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đoàn kết một lòng và tập trung sức thực hiện những vấn đề: Tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực GTVT; hoàn thiện thể chế và chiến lược quy hoạch phát triển; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãng phí... Thủ tướng nhấn mạnh: Công cuộc hội nhập quốc tế và CNH, HÐH đất nước đặt ra yêu cầu ngành GTVT đi trước "mở đường", phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành GTVT.
Sáng 24-8, tại Hà Nội, hơn 530 đại biểu là những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc, là những nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi đã về tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lần thứ ba. Tới dự đại hội, có các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Cao Ðức Phát, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng biểu dương những đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến, cùng 66 nông dân tiêu biểu xuất sắc được tuyên dương. Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, phải đưa cho được CNH, HÐH về với nông nghiệp nông thôn. Trong đó, nông nghiệp không chỉ phát triển toàn diện, hiện đại mà năng suất, chất lượng, hiệu quả phải tăng lên, tất cả sản phẩm trong nông nghiệp làm ra ở nông thôn phải có thương hiệu để có thể trao đổi hàng hóa trong nước và mở rộng ra quốc tế; phải tính tới lực lượng cư dân sống ở nông thôn hiện nay để xây dựng nông thôn mới, nhằm có kết cấu hạ tầng, sản xuất, đời sống văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế trên địa bàn nông thôn được phát triển, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao và tự làm giàu cho chính bản thân và xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục nhân rộng các gương điển hình tiên tiến ra toàn quốc, tới tất cả nông thôn, các lĩnh vực của ngành nông nghiệp thì phong trào thi đua đạt được hiệu quả cao và có ý nghĩa.
Ðại hội đã trao tặng 18 cá nhân danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và bằng khen của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 66 nông dân tiêu biểu, sản xuất giỏi.
Ngày 24-8, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Ðại hội Thi đua yêu nước lần thứ ba, giai đoạn 2005-2010. Ðồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua, khen thưởng T.Ư đã dự.
Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Hải Dương cần tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với giải quyết những điểm nhấn phát triển kinh tế; tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chất lượng giáo dục phổ thông; đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống nhân dân; quan tâm lựa chọn những thế mạnh, lĩnh vực đột phá để phát triển, nhất là phát triển nông nghiệp; phát huy và khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa, tinh thần; tập trung xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; gắn kết chặt chẽ các phong trào thi đua yêu nước với việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...
Phó Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng LLVTND tặng ba tập thể, một cá nhân; trao Huân chương Quân công hạng ba tặng một cá nhân. Ban Tổ chức Ðại hội trao Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ tặng bảy đơn vị, trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc tặng hai cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hưởng ứng cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật, ngày 24-8, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã tiếp nhận tài liệu, hiện vật của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai do Tổng cục V Bộ Công an trao tặng và các tài liệu, hiện vật của gia đình có công với cách mạng, do ông bà Nguyễn Dực và Lê Thị Tý trao tặng.
Số hiện vật gồm: tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2-9-1945, do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thể hiện, cùng bức tranh sơn dầu do họa sĩ Trương Quốc Lập thể hiện dựa trên ảnh tư liệu chụp cuộc mít-tinh tại Nhà hát Lớn chiều 17-8-1945, có lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh do bà Lê Thị Tý may.
Số tài liệu và hiện vật quý này sẽ lưu giữ bảo tồn và trưng bày phục vụ nhân dân tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam .
Ý kiến bạn đọc