Tin giả và căn bệnh a dua theo mạng xã hội
BHG - Thời gian qua, bên cạnh sự bùng phát của dịch Covid-19, có một thứ cũng bùng phát theo, đó là nạn tin giả trên mạng xã hội. Theo thống kê hơn 2 tháng qua, Công an cả nước đã mời khoảng 700 đối tượng có liên quan đến việc đăng tin giả, tin sai sự thật lên làm việc và xử phạt khoảng 300 đối tượng. Ở Hà Giang cũng đã có hơn 10 đối tượng vi phạm bị xử phạt nghiêm, được dư luận đồng tình. Thế nhưng, nạn tin giả dường như vẫn chưa chịu lắng xuống, vẫn còn không ít người nhiễm căn bệnh mang tên thích sống “oai”, sống ảo với tin giả.
Từ “căn bệnh” a dua theo mạng xã hội
A dua theo thông tin trên mạng xã hội là một điều rất dễ bắt gặp hàng ngày. Hãy để ý, chỉ cần trên mạng Facebook xuất hiện một thông tin gì đó có tính “hót” là ngay lập tức sẽ xuất hiện like, chia sẻ, kéo theo đó là các thông tin bình luận bu bám theo. Chính vì thế, mỗi khi Facebook đăng có một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường, hay một vụ đánh ghen ở một khu dân cư, ngay lập tức sẽ diễn ra một cuộc bình luận đám đông, chia sẻ, like và đủ mọi thông tin xung quanh các vụ việc. Không ít người nhàn rỗi, hàng ngày có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ lướt điện thoại tìm các vụ việc “hót” để bình luận, chia sẻ, bày tỏ quan điểm, phát tán không ít các tin theo kiểu hóng hớt, vỉa hè.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP,ngày 3.2.2020 của Chính phủ, người tung tin giả, sai sự thật, gây hoang mang dư luận có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 15.4.2020. |
Rất nhiều vụ việc mà từ thói quen a dua của người sử dụng mạng xã hội đã bị đẩy lên một giới hạn cực nóng. Ví dụ như mới đây, một số vụ việc cá nhân thiếu ý thức làm lây lan dịch Covid-19, hay việt kiều về nước có phát ngôn, hành động đi ngược lại nỗ lực phòng chống dịch của đất nước… Biết là những hành vi tiêu cực của các cá nhân được mạng xã hội đăng tải là rất đáng lên án. Nhưng bám, đu theo các thông tin trên, facebook, zalo nóng ran những lời chửi rủa cay nghiệt, tục tĩu, nhiều người còn đăng đàn chửi bới, đốt cả vàng mã cho những đối tượng bị mạng xã hội công kích; không ít thành phần phản động theo đó mà trà trộn vào để kích động dư luận, làm phức tạp vấn đề hòng gây chia rẽ đoàn kết bà con ta.
Ở tỉnh ta, những thông tin hóng hớt, vỉa hè được các tài khoản facebook dẫn lại không ít, thu hút rất nhiều người đu bám theo để bình luận, chia sẻ. Có không ít những tài khoản facebook bỗng dưng được chú ý, theo dõi nhiều vì chịu khó đăng tải các thông tin “hót”, dẫn đường cho thói quen a dua của không ít người nhàn rỗi. Đó cũng chính là “không gian ảo” để tạo nên những “anh hùng bàn phím” có thật, những người thường được coi là nguồn cơ để tạo nên sự hoang mang trong dư luận xã hội trước những thông tin do họ dẫn dắt.
Đến những “anh hùng bàn phím”
Trước vấn nạn tin giả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thời gian qua Công an và một số lực lượng chức năng trong tỉnh đã theo dõi, phát hiện và xử lý không ít vụ việc đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội. Đã có trên 10 đối tượng đã bị Công an xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Đối tượng thấp nhất bị xử phạt 2,5 triệu đồng, đối tượng bị xử phạt cao nhất là 12,5 triệu đồng.
Trong thời gian cả nước đang tập trung dập dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị trường học được tạm nghỉ. Đáng buồn thay, không ít kẻ nhàn dỗi, trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã leo lên mạng xã hội, làm nóng các diễn đàn, gây hoang mang dự luận với các giọng điệu kiểu như “Toang rồi ông giáo ạ” hay “Em hoang mang quá, thế này chỉ còn biết về nhà trồng rau, nuôi gà, sợ quá thôi”. Điển hình nhất là vụ việc mới đây, 8 đối tượng tại Bắc Mê trong đó có 5 người là giáo viên có độ tuổi từ 23 – 40 đã bị xử lý nghiêm với mức phạt từ 10 – 12,5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 ở Bắc Mê, gây hoang mang dự luận.
Mặc dù cả nước đang nóng tình hình dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của tỉnh, Hà Giang chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch. Tuy nhiên tại huyện Quản Bạ, một viên chức có tên S.T.M lại leo lên mạng tung một tin hoang mang kiểu như thế này “Tin tức thời sự 10h30 sáng, Hà Giang có 6 ca mắc mới”, khiến dư luật rất hoang mang. Ngay lập tức, cô M đã bị xử phạt 10 triệu đồng.
Thế đấy, chỉ vì a dua theo mạng xã hội, thích có hành động mà dư luận vẫn gọi là “tay nhanh hơn não”, câu like đã khiến không ít đối tượng, trong đó có cả cán bộ, viên chức bị xử lý thích đáng. Bạn đọc Mạnh Huy, ở huyện Bắc Mê chia sẻ với Báo Hà Giang điện tử: “Tính từ khi dịch xảy ra tại Việt Nam, Hà Giang chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, nhưng đã ghi nhận trên 10 trường hợp bị xử phạt hành chính vì tung tin thất thiệt, gây hoang mang xã hội rồi. Thật đáng buồn khi các giáo viên, những người có tiếng nói trong xã hội lại đi tuyên truyền những thông tin như vậy”.
Từ vấn nạn tin giả và những hậu quả khôn lường của nó, dư luận cho rằng, Chính phủ cần phải nâng cao hơn nữa mức xử lí các vi phạm. Bên cạnh xử phạt tiền, các vụ việc nghiêm trọng cần phải bị truy tố, xét xử nghiêm. Cùng với đó, cần công bố công khai các đối tượng vi phạm tại cơ quan, đơn vị, cơ sở nơi đối tượng sinh hoạt, lao động, sinh sống nhằm răn đe, ngăn ngừa.
Huy Toán
Ý kiến bạn đọc