English | Tiếng Việt
Thứ 2, 12/05/2025, 11:12

Hồ Thầu liên kết nuôi dê theo hướng hàng hóa

17:00, 17/04/2025

BHG - Tận dụng hiệu quả tiềm năng về đất đai, khí hậu và địa hình, thời gian qua, người dân xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã tích cực phát triển mô hình chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, nhiều hộ không chỉ cải thiện thu nhập mà còn từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng thương hiệu “dê sạch”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi.

Năm 2005, những đàn dê đầu tiên xuất hiện ở Hồ Thầu, với tổng đàn chỉ vài chục con. Mô hình nuôi dê đã nhanh chóng mở ra hướng làm kinh tế mới đầy hiệu quả cho người dân trên địa bàn xã, số hộ phát triển mô hình liên tục được nhân lên.

Nhờ có địa hình đất đồi, rừng của gia đình rộng trên 7 ha, từ năm 2015, anh Triệu Chòi Lụa, thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi 15 con dê, là một trong những hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi dê của xã Hồ Thầu, hiện gia đình có hơn 50 con dê, do chăn thả hoàn toàn tự nhiên, chất lượng thịt dê đảm bảo nên mỗi năm 2 lần thương lái từ tỉnh Ninh Bình lại lên tận nhà anh để mua dê, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng trên 80 triệu đồng. Từ những kiến thức học hỏi thực tế qua các mô hình nuôi dê thành công và kiến thức từ các cơ quan chuyên môn, anh Lụa dần mở rộng quy mô phát triển đàn dê của gia đình. Từ năm 2015 đến nay, đàn dê của gia đình anh Lụa luôn duy trì từ 40 đến hơn 60 con.

Nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Hồ Thầu.
Nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân xã Hồ Thầu.

Tận dụng vách núi làm chuồng nuôi, sử dụng bạt che chắn là cách làm hiệu quả của anh Phượng Chòi Phú, thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu khi bắt tay vào phát triển mô hình chăn nuôi dê. Với hình thức nuôi bán chăn thả giúp gia đình anh giảm được chi phí thức ăn và công chăm sóc. Hiện nay, anh duy trì đàn dê trên 50 con, trong đó 2/3 là dê sinh sản. Với chu kỳ sinh sản 2 - 3 lứa/năm, anh Phú xuất bán ra thị trường hàng năm khoảng 30 con dê, giá bán dao động từ 110 - 130.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình ước đạt gần 90 triệu đồng. Anh Phú chia sẻ: “Gia đình tôi phát triển đa dạng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi tổng hợp, mục đích “lấy ngắn, nuôi dài”. Chăn nuôi dê được xác định là mô hình kinh tế chủ lực bởi lợi nhuận cao, giá thành ổn định hơn so với chăn nuôi lợn, gà. Quá trình chăn nuôi cũng thuận tiện bởi nguồn thức ăn sẵn có trên đồi, không đòi hỏi kỹ thuật cao”.

Ngoài phát triển chăn nuôi dê quy mô hộ gia đình, trong những năm qua, gia đình anh Lụa, anh Phú và nhiều hộ gia đình chăn nuôi dê khác ở xã Hồ Thầu đã liên kết với nhau để cùng nhau phát triển đàn dê của thôn, xã theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, khi liên kết chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nguồn thức ăn và giống khi cần thiết. Được biết, lúc mới thành lập cả nhóm mới chỉ có hơn 100 con dê, sau nhiều năm đi vào hoạt động, tổng đàn dê của cả nhóm đã phát triển lên đến hơn 1.000 con; chuồng trại chăn nuôi được xây kiên cố, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát...

Đồng chí Hoàng Đức Tơn, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Hiện trên địa bàn xã Hồ Thầu có 1 nhóm sở thích và 2 nhóm sinh sản hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi dê. Việc thành lập các nhóm đã giúp các gia đình tập hợp với nhau, cùng học tập cách làm ăn và hỗ trợ các hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Hàng tháng, nhóm sinh hoạt một lần, các thành viên cùng trao đổi những kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê theo mùa, theo thời điểm. Thông qua sinh hoạt nhóm, các thành viên cũng ngày càng thắt chặt tình đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ về mọi mặt, từ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho đến xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Tại xã Hồ Thầu, mô hình chăn nuôi dê phát triển hiệu quả với tổng đàn 1.405 con, có gần 120 hộ chăn nuôi tập trung tại 8 thôn. Phần lớn hộ dân duy trì chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả để giảm chi phí nhân công và tận dụng nguồn thức ăn. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm, như hộ các anh: Triệu Chòi Lụa, Triệu Chòi Guyển, Phượng Chòi Phú…

Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào phát triển chăn nuôi dê ở xã Hồ Thầu ngày càng được nhân rộng. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại với số lượng lớn hơn, mang lại thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực phủ xanh vùng đất cằn Bát Đại Sơn
BHG - Bát Đại Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ gần 30 km. Được mệnh danh là vùng đất cằn, bởi ở nơi biên thùy này thường xuyên phải chịu cảnh hạn hán trong nhiều tháng cùng tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác, sản xuất và cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây.
16/04/2025
Người cao tuổi Nguyễn Quyết Sơn làm kinh tế giỏi
BHG - Ở thôn 3, Khu Trù Sán, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) người dân nơi đây vẫn thường nhắc đến cái tên Nguyễn Quyết Sơn với sự kính trọng xen lẫn khâm phục. Ở độ tuổi 70, khi nhiều người đã chọn nghỉ ngơi an nhàn bên con cháu, ông Sơn vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”.
16/04/2025
“Sao” OCOP sáng kinh tế nông thôn
BHG - Xây dựng chuỗi giá trị, nâng tầm đặc sản địa phương gắn với mục tiêu phát triển bền vững… Đó là hướng đi mà xã Tân Quang (Bắc Quang) đang kiên trì thực hiện thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ lợi thế sản xuất nông nghiệp truyền thống, các hợp tác xã (HTX) và người dân không ngừng sáng tạo, nâng hạng “sao” OCOP, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
16/04/2025
Vai trò của Đảng trong phát triển kinh tế ở Phố Bảng
BHG - Là 1 trong 2 thị trấn biên giới của huyện Đồng Văn, thị trấn Phố Bảng cách trung tâm huyện khoảng 25km. Cũng giống như nhiều xã, thị trấn biên giới khác của huyện, thị trấn Phố Bảng còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, những năm qua, thị trấn đã giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
15/04/2025