Đặc sản bún khô truyền thống ở Tùng Bá

15:46, 26/03/2025

BHG - Thời gian gần đây, bún khô được nhiều người ưa chuộng bởi tính tiện lợi, dễ bảo quản và chế biến trong nhiều món ăn. Nắm bắt được xu thế đó, Tổ hợp tác sản xuất bún khô thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) đã không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm bún khô đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất bún khô Hồng Minh do vợ chồng anh chị Nông Thị Thuyết làm chủ đang hoạt động tích cực tại thôn Hồng Minh, xã Tùng Bá. Theo chị Nông Thị Thuyết, để làm ra một mẻ bún khô đạt chuẩn, quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. 

Bún sau khi ép sẽ được phơi khô tự nhiên
Bún sau khi ép sẽ được phơi khô tự nhiên

Trước tiên, gạo tẻ được chọn phải là loại khô, xốp, có độ nở tốt và không quá dẻo để đảm bảo sợi bún không bị dính khi nấu. Các loại gạo như GS55, Bao Thai, Khang Dân nguyên chất, được trồng tại địa phương, được đánh giá là phù hợp nhất cho sản xuất bún khô. Gạo sau khi làm sạch sẽ được ngâm từ 6-8 giờ để mềm, sau đó nghiền nhuyễn thành bột mịn. Công đoạn xay bột đòi hỏi kỹ thuật cao bởi chỉ cần một chút sai sót về tỷ lệ nước và bột có thể ảnh hưởng đến độ dai và độ đều của sợi bún.

Bột sau khi nghiền sẽ được pha với lượng nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp bột nhão mịn, rồi đưa vào máy ép để tạo sợi. Kích thước và độ dày của sợi bún có thể điều chỉnh theo yêu cầu thị trường; sợi bún sau khi ép ra vẫn còn độ ẩm nên phải qua công đoạn ủ và phơi khô tự nhiên. Người dân địa phương vẫn duy trì cách phơi truyền thống trên giá tre trong khoảng một ngày để đảm bảo sợi bún khô đạt chuẩn, dễ bảo quản và có thể sử dụng lâu dài.

Bún khô được kết hợp với các nguyên liệu như lá nếp cẩm để có màu tím, gấc để có màu đỏ cam
Bún khô được kết hợp với các nguyên liệu như lá nếp cẩm để có màu tím, gấc để có màu đỏ cam

Một trong những điểm đặc biệt của bún khô là không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản. Để tạo màu tự nhiên cho bún, người dân sử dụng các nguyên liệu như lá nếp cẩm để có màu tím, gấc để có màu đỏ cam, vừa đẹp mắt vừa giữ được hương vị truyền thống. Chính sự cẩn trọng và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất đã giúp bún khô Tùng Bá có chất lượng vượt trội so với nhiều loại bún khác trên thị trường.

Nhờ áp dụng kỹ thuật hiện đại kết hợp với phương pháp sản xuất truyền thống, sản phẩm Bún khô Hồng Minh đã có đầy đủ tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ từ 400 - 500 kg bún khô, tạo việc làm ổn định cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, sản phẩm bún khô Hồng Minh đã có đầy đủ tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc
Hiện nay, sản phẩm bún khô Hồng Minh đã có đầy đủ tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc

Đồng chí Vi Hữu Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Bá, cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tìm hướng để nhân rộng mô hình sản xuất bún khô, hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, xã cũng sẽ tạo điều kiện để sản phẩm bún khô Tùng Bá tiếp cận với nhiều kênh tiêu thụ lớn, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Với chất lượng đảm bảo và hướng đi đúng đắn, bún khô ở xã Tùng Bá không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tin rằng, với quy trình sản xuất nghiêm ngặt và sự hỗ trợ từ chính quyền, sản phẩm này sẽ ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, hứa hẹn sẽ vươn xa hơn, trở thành đặc sản nổi tiếng của Hà Giang nói chung và xã Tùng Bá nói riêng.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiếp thêm động lực cho thanh niên Bắc Mê phát triển kinh tế
BHG - Với sức trẻ, cùng những ý tưởng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Bắc Mê đã mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao. Đồng hành với các bạn trẻ, huyện đoàn Bắc Mê đã nỗ lực huy động nguồn vốn ưu đãi, để giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
26/03/2025
Bắc Mê lấy rừng để giữ rừng
BHG - Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là chính sách nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức bảo vệ rừng (BVR) và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho Nhân dân. Vì vậy, huyện Bắc Mê xác định đây là giải pháp quan trọng giúp duy trì và phát triển tài nguyên rừng một cách bền vững.
26/03/2025
Chính phủ cho ý kiến về cao tốc gần 15.000 tỷ đồng đoạn Tân Quang - Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy
BHG - Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 2404/VPCP-CN, ngày 22.3.2025 gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 2) đoạn Tân Quang đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
26/03/2025
Xín Mần xuất khẩu 36 tấn củ cải muối sang Nhật Bản
BHG - Ngày 24.3, UBND huyện Xín Mần phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tổ chức xuất khẩu lô hàng 36 tấn củ cải muối sang thị trường Nhật Bản.
25/03/2025