Đồng Văn hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bò Vàng
BHG - Bò Vàng – giống vật nuôi có ưu thế về khả năng chống chịu thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng thịt thơm ngon đang được huyện Đồng Văn xây dựng thành thương hiệu nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo tồn nguồn gen quý, đảm bảo đa dạng sinh học nơi địa đầu Tổ quốc.
Chăn nuôi bò Vàng giúp người dân Đồng Văn nâng cao thu nhập. |
Nông nghiệp giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Đồng Văn; trong đó, phát triển chăn nuôi bò Vàng được địa phương chú trọng do có ưu thế về khả năng chịu kham khổ, chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng. Chăn nuôi bò Vàng là nghề truyền thống và được đánh giá có lợi thế của huyện; tổng đàn bò duy trì thường xuyên trên 23.000 con, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nông hộ với trên 12.300 hộ, trung bình từ 1-3 con/hộ.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn, Nguyễn Thanh Viễn cho biết: Bò Vàng là giống bò bản địa, được người dân nuôi từ lâu đời, gắn liền với lịch sử, văn hóa, đời sống thường ngày của người dân và được coi như một tài sản lớn. Giống bò Vàng có khả năng chịu lạnh, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao; thịt có vị ngọt, mềm, hương vị đặc biệt, độ dai và hàm lượng dinh dưỡng cao. Do đó, thịt bò Vàng Đồng Văn được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đánh giá cao về chất lượng; năm 2019, sản phẩm thịt bò Vàng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết, chế biến tiêu thụ sản phẩm thịt bò.
Từ Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, huyện xác định chăn nuôi bò là 1 trong 4 con thuộc chương trình trọng tâm theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện và theo Nghị quyết số 17, ngày 10.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, tập trung phát triển sản phẩm thịt Bò Vàng trở thành hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh, huyện. Do đó, hàng năm địa phương bố trí kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò thịt; cải tạo đàn bò Vàng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Từ năm 2016 đến nay, huyện thụ tinh nhân tạo thành công bình quân trên 1.000 con bò/năm. Phối hợp thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống Bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn”, bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất, thụ tinh nhân tạo giống bò Vàng thay thế phương pháp phối giống truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng giống bò; từ năm 2019 đến nay, đã sản xuất và cung ứng 7.900 liều tinh cho huyện thực hiện thụ tinh nhân tạo trên đàn bò. Đặc biệt, triển khai chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nhiều gia đình mở rộng diện tích trồng cỏ VA06, cỏ Goatemala, cỏ Voi; lũy kế diện tích cỏ trồng toàn huyện hiện có trên 3.000 ha. Hàng năm, trên 70% số hộ chăn nuôi bò thực hiện chế biến ủ chua cỏ để vỗ béo bò thịt, hình thành vùng nguyên liệu, tạo tiền đề cho liên kết tiêu thụ và chế biến sản phẩm thịt bò trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Dinh Chí Thành chia sẻ: Để duy trì tốc độ tăng trưởng đàn bò, đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của thịt bò Vàng, huyện chủ động kết nối với các đơn vị để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ bò thịt cho người dân và triển khai thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị bò Vàng Đồng Văn, thực hiện tại xã Sủng Là, Lũng Táo với tổng kinh phí thực hiện trên 2,8 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Phấn đấu hết năm 2023, tổng đàn bò toàn huyện đạt trên 29.400 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 1.280 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 103 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu thực tế, chăn nuôi bò Vàng trên địa bàn huyện Đồng Văn vẫn mang tính tự nhiên, chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật; vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi chưa được xử lý tốt, gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh; việc tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên chưa phát huy hết giá trị của giống bò Vàng. Việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt bò còn nhiều khó khăn. Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô tại các chợ trên địa bàn; chưa phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý và thương hiệu bò Vàng...
Tháo gỡ khó khăn, huyện xác định phát triển chuỗi giá trị bò Vàng theo hướng ưu tiên phát triển tập trung, công nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn bò bình quân đạt 3,8%/năm; đẩy mạnh chế biến đa dạng các sản phẩm và gia tăng giá trị thịt bò; khai thác, phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý và thương hiệu bò Vàng, tiến tới xuất khẩu sản phẩm thịt bò. Triển khai các dự án nghiên cứu, bảo tồn phát triển nguồn gen bò Vàng; bình tuyển, kiểm định con giống, xây dựng hệ thống quản lý giống chặt chẽ đến từng thôn, xã, hộ dân; đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; quy hoạch mỗi xã có 1-2 cơ sở chuyên sản xuất con giống, quy mô từ 10-20 con bò cái sinh sản, để cung ứng nguồn giống đảm bảo cho người dân. Xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; tập huấn, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch bệnh…
“Huyện đang tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình sự nghiệp, đề án, dự án, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công. Huy động đa dạng hoá các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; vận dụng linh hoạt các chính sách về tín dụng. Khuyến khích các hộ chăn nuôi, liên kết hình thành các trang trại, khu chăn nuôi tập trung; liên kết giữa các hộ chăn nuôi tạo thành nhóm sản xuất, kết hợp thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, để kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết giá trị thịt bò khép kín từ khâu con giống đến khâu chế biến sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP thịt bò. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; phát triển các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại các điểm tham quan du lịch, điểm dừng chân…” – Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Dinh Chí Thành cho biết thêm.
Bài, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc