Nâng cao năng lực quản lý giao thông - vận tải
(Xuân Giáp Ngọ)- Năm Quý Tỵ vừa qua, ngành GT-VT đạt được nhiều thành tích xuất sắc, chuyển biến rõ rệt trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu cả về lượng và chất; tập thể cán bộ, CCVC, công nhân đã phát huy truyền thống, tập trung trí tuệ, đoàn kết vượt khó... đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Quyết Chiến, Giám đốc Sở GT-VT trước thềm Xuân mới.
Sửa chữa Quốc lộ 2, đoạn chạy qua địa phận huyện Vị Xuyên.
Kết thúc năm 2013, ngành GT-VT Hà Giang có thể tự hào bởi những kết quả đạt được trong bối cảnh nền kinh tế ngập tràn khó khăn. Đối với hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản, khối lượng xây lắp thực hiện trên 23 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở dự án đường Cầu Mè - Công viên nước Hà Phương; Yên Cường - Phiêng Luông; ngã ba Ngọc Linh - Linh Hồ - Phú Linh; xây dựng nền, mặt đường Quốc lộ 4C đoạn tránh thị trấn Yên Minh; xây dựng nền, mặt, rãnh, cống thoát nước Quốc lộ 34 đoạn Km28-32 (thị tứ Minh Ngọc). Tuy nhiên, năm qua ngành GT-VT tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm đầu tư công, giảm chi ngân sách nên vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng hạn chế, một số vấn đề nảy sinh nhưng chưa được điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời, công tác đền bù, GPMB gặp nhiều khó khăn.
Dù “ngập” trong khó khăn về nguồn vốn, nhưng ngành luôn duy trì, thực hiện tốt nhiệm vụ được tỉnh và Bộ GT-VT giao. Tất cả các dự án được thực hiện đúng thủ tục, trình tự XDCB, chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng. Trong đó, các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đều đạt chất lượng, đúng tiến độ phát huy hiệu quả cao; dự án được tổ chức thẩm định đảm bảo thời gian theo quy định, đúng quy trình, quy phạm và các quy định hiện hành của Nhà nước, quá trình thực hiện luôn áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, mỹ quan công trình. Kết thúc năm, ngành đã thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán, báo cáo kinh tế kỹ thật của 12 dự án chuyên ngành giao thông. Công tác tư vấn, thiết kế cơ bản thực hiện đúng chủ trương xây dựng của cấp có thẩm quyền, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Bên cạnh những mặt tích cực, nhìn lại hoạt động của ngành GT-VT cho thấy còn một số hạn chế, cần có giải pháp khắc phục đó là hầu hết Ban quản lý dự án tại các huyện thiếu cán bộ chuyên trách, trình độ quản lý XDCB chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, nhiều hồ sơ dự án khi trình thẩm định còn sơ sài khi phân tích chỉ tiêu KT-XH và hiệu quả kinh tế của dự án; thiếu thông số khẳng định sự cần thiết phải đầu tư, chất lượng hồ sơ thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư chưa đạt yêu cầu, có những hồ sơ thiết kế sai quy trình, quy phạm... Khắc phục những hạn chế trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý chất lượng công trình giữa chủ đầu tư, tư vấn, BQL dự án và các cơ quan chuyên ngành.
Cùng với việc triển khai các dự án đầu tư, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đường giao thông, khối lượng thực hiện gần 86 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Công tác sửa chữa, được thực hiện thường xuyên trên các tuyến Quốc lộ 4C, 34, 279; đường Bắc Quang - Xín Mần, Xín Mần - Bắc Hà - Mốc 5, Yên Bình - Cốc Pài, Vĩnh Tuy - Yên Bình, Yên Minh - Mậu Duệ - Mèo Vạc, Na Khê - Bạch Đích, Tráng Kìm - Đường Thượng, Minh Ngọc - Mậu Duệ, Bắc Mê - Na Hang, Km117 (QL4C) đi Phó Bảng; sửa chữa mặt đường các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, huyện... Sở GT-VT thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, chuẩn bị phương tiện máy móc, tích cực kiểm tra các tuyến đường, công trình cầu, phát quang hai bên lề đường, đặc biệt các tuyến đường vùng cao, vùng sâu, đảm bảo tầm nhìn và an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Công tác quản lý, sửa chữa thường xuyên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được quan tâm. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý dứt điểm những vị trí xảy ra sạt lở, hư hỏng nền mặt đường, bù vênh, vá láng, hạ dốc, cắt cua, mở rộng tầm nhìn nhiều vị trí nguy hiểm. Đồng thời, duy trì kiểm tra các tuyến đường, công trình cầu, hành lang an toàn đường bộ, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Việc đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, do có sự chuẩn bị tốt, chủ động xây dựng phương án, bố trí phương tiện, thiết bị và nhân lực, vật liệu nên đã kịp thời khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, thông xe nhanh an toàn.
Đối với hoạt động phát triển giao thông nông thôn, từ đầu năm đến nay, Phòng Công thương của các huyện, thành phố, cùng nhân dân địa phương tích cực tham gia duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cầu, đường giao thông, mở mới các tuyến đường, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, thông suốt từ tỉnh xuống các huyện, xã và thôn bản. Sở GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, huy động máy móc, nhân lực, phối hợp chặt chẽ với phòng chức năng các huyện và nhân dân, chủ động khắc phục những sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt.
Từ thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được, năm 2014 Sở GT-VT tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước, giúp các huyện, thành phố, từng bước chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải; phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các chuyên đề về giao thông vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ hành lang đường bộ... Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chủ đầu tư, đảm bảo các dự án thực hiện đúng tiến độ thi công, dự án hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đạt chất lượng tốt. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp, thi công nhanh các dự án chuyển tiếp, triển khai các dự án mới, giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án...
Ý kiến bạn đọc