Lời giải nào cho phương tiện vận tải đường thủy?

17:55, 03/09/2008

(HGĐT) Toàn bộ thuyền, đò chở khách đang hoạt động trên các dòng sông của tỉnh có nguy cơ bị đình chỉ khi lộ trình thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ đối với giao thông đường thuỷ đang đến gần. Điều này xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Các thuyền, đò, muốn không rơi vào tình trạng trên, giải pháp duy nhất là hoàn thiện thủ tục theo quy định. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất nhiều vướng mắc.

 


Nhu cầu thực tế.

Trên địa bàn tỉnh có 20 bến đò ngang sông, khoảng 91 thuyền chở khách trên sông Lô, sông Bạc, vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Các huyện tập trung nhiều thuyền chở khách gồm Bắc Mê 47 chiếc, Bắc Quang 25 chiếc, Vị Xuyên 8 chiếc, thị xã Hà Giang 7 chiếc... Hầu hết các bến đò ngang hình thành lâu đời, xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân. Nhu cầu đi lại bằng thuyền ở những vị trí chưa có cầu là rất lớn, theo thông lệ, các bến đò, thuyền chở khách phải được đầu tư tươm tất thì hiện nay đang rất tạm bợ. Có dịp thực tế tại một số bến đò, ngồi trên thuyền sang sông mới thấy được mối nguy hiểm sông nước luôn rình rập. Tuy quãng đường di chuyển giữa 2 bờ sông ngắn, chỉ khoảng mươi phút nhưng lòng sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ do đá ngầm, nước xoáy tạo ra. Đặc điểm của các sông trên địa bàn tỉnh mùa mưa nước chảy xiết, mùa khô nước cạn, thuyền rất dễ va phải đá ngầm gây lật, vỡ. Nguy hiểm vậy nhưng hầu hết các thuyền không được trang bị phao cứu sinh, áo phao hoặc có cũng chỉ mang tính hình thức.

     
Đội CSGT đường thủy kiểm tra hồ sơ thuyền chở khách của anh Vũ Đình Giang, bến đò Vĩnh Tuy (Bắc Quang).


Tại bến đò Vĩnh Tuy (Bắc Quang), mỗi ngày chiếc thuyền sắt, máy đẩy của anh Vũ Đình Giang thực hiện hàng chục lượt, vận chuyển hàng trăm người, phương tiện qua lại. Bến đò này được đánh giá hoạt động bài bản, chủ thuyền tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thuỷ (ATGTĐT). Nhưng trên thuyền cũng chỉ có 3 chiếc áo phao, 3 phao cứu sinh và một bó ống vầu. Nếu chẳng may gặp sự cố, mấy chiếc áo, phao cứu sinh và bó ống vầu đó có đảm bảo an toàn cho hàng chục khách ngồi trên thuyền! Bến đò Nà Sát do HTX Nà Sát xã Thanh Thuỷ (Vị Xuyên) quản lý, điều hành hoạt động. Nhiệm vụ của bến đò, thuyền hàng ngày đưa người dân trong thôn sang bên kia sông và đón về. Để duy trì hoạt động, mỗi ngày thôn cử 1 người ra làm nhiệm vụ lái thuyền. Nhiều người không nắm được các yếu tố sơ đẳng về ATGTĐT, sơ cấp cứu người khi tình huống xấu xảy ra, không có chứng chỉ chuyên môn cũng nhảy lên điều khiển thuyền và người dân cứ vô tư phó mặc số phận mình cho sông nước. Nhìn những con đò mong manh vượt dòng nước xiết tôi không khỏi lo sợ khi nghĩ lại vụ đắm thuyền xảy ra tại Việt Lâm (Vị Xuyên) ngày 27.7 vừa qua. Giữa lúc nước lũ về, người điều khiển phương tiện đã cho thuyền sang sông khiến nó gặp sự cố, hất toàn bộ người ngồi trên thuyền xuống dòng nước dữ, 3 người chết. Sau khi được cứu khỏi dòng nước lũ, nhiều người dân cho biết: Mặc dù nước to nhưng họ vẫn phải sang sông đi chợ. Đây là nhu cầu thực tế, người dân không thể đi vòng vài chục km để sang sông bằng cầu cứng.


Trước nguy cơ cấm…!


Vẫn biết việc hình thành các bến đò ngang xuất phát từ thực tế nhu cầu của nhân dân nhưng vấn đề quan trọng là quản lý, hướng dẫn hoạt động sao cho an toàn. Điều này tưởng đơn giản nhưng khi áp dụng vào thực tế lại có rất nhiều vướng mắc. Trong tổng số 20 bến thuỷ nội địa đang hoạt động chỉ duy nhất bến đò ngang thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) hoạt động trên sông Bạc được cấp giấy phép. Có 2/91 phương tiện đăng ký thủ tục hành chính, 10 phương tiện đăng kiểm. Từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 10 trường hợp làm thủ tục đăng ký tại phòng Vận tải (Sở GT-VT) nhưng thiếu hoá đơn lệ phí trước bạ nên chưa được cấp đăng ký. Để đảm bảo ATGTĐT, trong 8 tháng qua Đội CSGT đường thuỷ (Công an tỉnh) phối hợp với Thanh tra Giao thông, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra được 81 phương tiện. Kết quả rất đáng báo động, chỉ có 6 đò ngang đủ điều kiện hoạt động. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng đã đình chỉ 5 thuyền, xử phạt 36 trường hợp với các lỗi chính không đăng ký phương tiện theo quy định, không đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Khắc Tư, Đội trưởng Đội CSGT đường thuỷ, cho biết: Theo quy định, khi kiểm tra phát hiện các phương tiện đường thuỷ không đảm bảo an toàn, thiếu các thủ tục phải đình chỉ hoạt động. Nhưng số đình chỉ thường thấp hơn nhiều số vi phạm bởi nếu đình chỉ hàng loạt sẽ làm đảo lộn cuộc sống của người dân.


Theo ông Cù Duy Man, Phó Giám đốc Sở GT-VT: Công tác quản lý, cấp phép hoạt động bến thuỷ nội địa, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Công tác phân cấp quản lý đường thuỷ được triển khai đến tận cơ sở nhưng lại bị cơ sở buông lỏng. Việc phân cấp của UBND tỉnh đã trao quyền lớn cho cơ sở, Sở GTVT chỉ thực hiện nhiệm vụ tham mưu phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa; hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép mở bến đò; đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải thuỷ nội địa theo quy định. Còn việc cấp giấy phép hoạt động có thời hạn cho các bến thuỷ nội địa do cấp huyện quản lý. Cấp xã có quyền cho phép hoạt động đối với các phương tiện thuỷ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người… Ông Phạm Bình Minh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, cho biết: Theo quy trình, các chủ thuyền có đơn xin đăng kiểm, Trung tâm sẽ cử cán bộ xuống tận nơi vừa làm thủ tục đăng kiểm vừa phát tài liệu, hướng dẫn hoạt động. Nhưng hiện nay chúng tôi đang thực hiện quy trình ngược. Cán bộ đăng kiểm chạy theo chủ thuyền nhưng chủ thuyền thấy cán bộ đến họ lại bỏ đi vì sợ bị phạt. Vì vậy, từ đầu năm đến nay chưa thực hiện đăng kiểm được phương tiện đường thuỷ nào! Có tình trạng trên do người dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của việc đăng kiểm, chính quyền địa phương không quản lý chặt hoạt động của bến, thuyền. Việc buông lỏng quản lý dẫn đến hệ luỵ: Hầu hết các phương tiện thiếu thủ tục cần thiết để hoạt động. Theo lộ trình, chỉ còn 3 tháng nữa Nghị quyết 32 của Chính phủ đối với phương tiện giao thông đường thuỷ có hiệu lực thì những thuyền không đăng ký, đăng kiểm sẽ phải ngừng hoạt động. Việc đình chỉ hoạt động không chỉ đơn thuần là chiếc thuyền đó không được vận chuyển khách, nó còn kéo theo nhiều vấn đề liên quan, đặc biệt là việc đi lại của nhân dân.


Giải pháp tháo gỡ.


Theo nhận xét của các chủ thuyền, thủ tục đăng ký hiện nay rất rườm rà, khó đáp ứng được. Theo đúng quy định, các bến thuỷ được cấp phép hoạt động phải đáp ứng đủ yêu cầu: Có cầu cho người, phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có nhà chờ, bảng nội quy, niêm yết giá vé; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động… Đối với các thuyền đăng ký lần đầu phải có đủ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm; Giấy phép nhập khẩu đối với phương tiện nhập khẩu; hợp đồng mua, bán hoặc đóng mới đối với phương tiện thuộc diện đăng kiểm. Trường hợp đăng ký lại phải có hợp đồng mua, bán hoặc quyết định điều chuyển phương tiện của cơ quan có thẩm quyền; chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Căn cứ vào thực tế của tỉnh, rất ít thuyền đang hoạt động có đầy đủ giấy tờ trên.


Tháo gỡ những vướng mắc trên, theo ông Nguyễn Đức Niên, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Sở dĩ có tình trạng trên do người dân tự đóng thuyền, đò, không đủ giấy tờ hợp lệ để đăng ký, đăng kiểm; lệ phí đăng ký, đăng kiểm cao, người dân khó chấp nhận, nơi đăng ký, đăng kiểm phương tiện xa… Để tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thuỷ đúng quy định, cần có cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện cho nhân dân. Đối với những phương tiện đóng mới phải chấp hành đúng quy định, các phương tiện nhân dân tự đóng từ lâu chỉ cần làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, nộp thuế trước bạ là đủ thủ tục đăng ký. Bên cạnh đó, nhiều chủ phương tiện muốn trang bị phao cứu sinh, áo phao cũng không biết mua ở đâu. Vì vậy, cũng rất cần sự hỗ trợ, hoặc tư vấn mua phao cứu sinh, áo phao đảm bảo an toàn.


Chấn chỉnh hoạt động của các bến đò ngang, thuyền chở khách, vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo: Các huyện, thị, xã thực hiện nghiêm việc phân cấp quản lý, giám sát chặt chẽ đối với những thuyền, đò đã bị đình chỉ hoạt động. Nếu địa phương nào để thuyền, đò không đủ điều kiện hoạt động, gây hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND xã, Bí thư, trưởng thôn phải chịu trách nhiệm. Tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, hướng dẫn các chủ thuyền, đò, thực hiện đầy đủ quy định để được cấp phép hoạt động, tiến hành đăng ký, đăng kiểm theo quy định.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xăng giảm thêm 1.000 đồng/lít
Từ 10h sáng nay 27/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định từ giảm giá xăng A92 và giá dầu hỏa thêm 1.000 đồng/lít. Như vậy giá xăng A92 còn 17.000 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 18.000 đồng/lít.
27/08/2008
Khẳng định “thương hiệu” hàng đầu trong lĩnh vực phát triển viễn thông-CNTT
(HGĐT)- Là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tập đoàn BC-VT Việt Nam, có chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ chuyên ngành viễn thông-công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tập đoàn BC-VT Việt Nam, cùng với sự nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC trong toàn ngành,
27/08/2008
Để kinh tế trang trại thành nòng cốt thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp
(HGĐT)- Kinh tế trang trại đóng vai trò rất lớn trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo các ngành, cấp triển khai thực hiện nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, chưa có bước đột phá mạnh mẽ...
25/08/2008
Nông dân huyện Vị Xuyên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
(HGĐT)- Anh Ấu Xuân Hon, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Giang giới thiệu với tôi: Muốn tìm hiểu về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, anh hãy về Vị Xuyên, nông dân ở đó làm việc này tốt đấy!
25/08/2008