Tạo cơ chế thông thoáng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
BHG - Để tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), vừa qua, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Phan Đăng Đông – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang trao đổi về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang.
Các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh tham quan công nghệ bơm nước không dùng điện tại huyện Đồng Văn |
Phóng viên: Thưa ông, từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông có thể thông tin về những kết quả đã đạt được?
Ông Phan Đăng Đông: Giai đoạn từ 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện 166 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ, trong đó: 18 nhiệm vụ cấp trung ương; 86 đề tài, dự án cấp tỉnh; 62 dự án mở rộng cấp huyện/thành phố. Đây đều là các nhiệm vụ có nội dung bám sát mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 2021, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 12.1.2021 về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Đây là một trong những hoạt động quan trọng đang được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm triển khai.
Sau 6 năm thực hiện, các mô hình ứng dụng vào sản xuất đều cho hiệu quả về kỹ thuật; nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) đã làm chủ được công nghệ nuôi trồng một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Nhiều máy móc, thiết bị được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa; nhiều DN cũng đã áp dụng công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng một số sản phẩm đặc sản của Hà Giang.
Ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH&CN |
Trong lĩnh vực y dược, tỉnh Hà Giang đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại 16/16 bệnh viện; phần mềm quản lý y tế xã/phường liên thông với 195/195 Trạm y tế xã/phường/thị trấn; phần mềm bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện. Ngoài ra, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh.
Trong lĩnh vực kinh tế, thông qua hình thức đặt hàng nghiên cứu đối với các đơn vị có uy tín, ngành KH&CN đã góp phần đắc lực cho việc xây dựng và hoạch định các chủ trương, chính sách trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,.
Đặc biệt, Dự án “KawaTech“ - ứng dụng công nghệ mới cấp nước bằng bơm không dùng điện (PAT) do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc vùng cao huyện Đồng Văn đã trở thành 1 trong 10 sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2019. Hiện, các chuyên gia CHLB Đức tiếp tục tài trợ dự án “Xây dựng mô hình bơm nước bằng pin năng lượng mặt trời tại thôn Lùng Lú, huyện Đồng Văn” theo hình thức phi Chính phủ nước ngoài...
Nhằm đẩy mạnh việc đưa các kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ vào sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang đã ký thỏa thuận hợp tác về Khoa học và Công nghệ với 7 đơn vị ở Trung ương, gồm: Viện Dược liệu TW; Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...
Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh với sản lượng thấp, đến nay, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc; Hồng không hạt Quản Bạ; Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; Cam sành Hà Giang; Chè san tuyết Hà Giang; Thịt bò Hà Giang; Thảo quả Vị Xuyên... đã được người tiêu dùng cả nước biết đến. Đây chính là kết quả của hoạt động nghiên cứu, xây dựng và đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc thù được ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang triển khai tích cực thời gian qua.
Phóng viên: Thưa ông, các chính sách hỗ trợ, đầu tư và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tỉnh Hà Giang với lĩnh vực Khoa học và Công nghệ góp phần như thế nào vào kết quả đáng khích lệ trên?
Ông Phan Đăng Đông: Xác định được vai trò quan trọng của Khoa học và Công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN nghiên cứu, tiếp nhận làm chủ và ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ cho 9 DN, HTX đổi mới công nghệ; 17 DN, HTX được xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 và Công cụ cải tiến năng suất 5S; 13 DN, HTX xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật;
Hiện, nhiều DN trong tỉnh đã được hướng dẫn hỗ trợ đã xây dựng, triển khai được các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng giúp giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, cải thiện hình ảnh, thương hiệu. Qua đó khẳng định chỗ đứng của các DN trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế. Trong số đó có 2 DN, HTX đã đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Phóng viên: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực. Để tận dụng được những thế mạnh do Cách mạng 4.0 mang lại, ngành Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho tỉnh Hà Giang xây dựng chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Đăng Đông: Với định hướng: thông qua hoạt động ứng dụng Khoa học và Công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, từng bước chuyển đổi vị trí, vai trò của khoa học từ “gắn với phát triển kinh tế - xã hội” sang “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", ngành Khoa học và Công nghệ Hà Giang đã và đang tăng cường liên kết các tổ chức KH&CN, DN với các DN; khuyến khích tạo điều kiện để DN tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật. đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 16/KH-UBND/2021 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp, HTX tỉnh Hà Giang đến năm 2025. Đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ gắn với cải cách thủ tục hành chính theo hướng khoán tới sản phẩm cuối cùng; tạo cơ chế thông thoáng cho DN, HTX tham gia hoạt động nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tập trung hỗ trợ ứng dụng Khoa học và Công nghệ và đổi mới, sáng tạo cho các DN, HTX của địa phương; thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khoa học để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và sức cạnh tranh của DN, HTX. Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị và gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho DN, HTX có tiềm lực về Khoa học và Công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt chú trọng phân loại và lập danh sách các DN, HTX có tiềm năng về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ xây dựng phát triển DN đầu tàu về nghiên cứu khoa học và đổi mới, sáng tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách về Khoa học và Công nghệ cho phát triển DN, HTX nhằm vận dụng hiệu quả chính sách của Trung ương, đồng thời chỉnh sửa hoàn thiện theo hướng tập trung cho nhóm đối tượng DN, HTX là trung tâm của đổi mới, sáng tạo của địa phương.
Cùng với đó tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập với đích đến là phục vụ người dân và DN. Phấn đấu, mỗi một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập là một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học đầu ngành của địa phương, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kết nối cung cầu chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.
BTV
Ý kiến bạn đọc