Báo Hà Giang điện tử
.

Hồi sinh "đất chết", đón các anh về! - Kỳ II: Những nỗ lực hồi sinh "đất chết"

11:25, 11/09/2023
 

Trước những mong mỏi của bà con và thân nhân các liệt sỹ hy sinh trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, trăn trở nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ (BMVN). Bởi không chỉ là nỗ lực làm sạch đất giao cho bà con canh tác, nơi chiến trường xưa còn biết bao người lính đã anh dũng hy sinh, nhiều người còn nằm lại nơi khe đá, thung sâu, quy luật thời gian mài mòn, ngày càng làm khó thêm những hy vọng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ (HCLS).

Vì thế, nhiệm vụ rà phá BMVN là "nhiệm vụ kép” hết sức thiêng liêng, đáp ứng nguyện vọng của biết bao gia đình thân nhân liệt sỹ. Chính bởi vậy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong những lần làm việc với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành luôn kiến nghị Trung ương quan tâm, bố trí nguồn lực cho tỉnh đẩy nhanh tiến độ rà phá BMVN, tìm kiếm, quy tập HCLS. Tỉnh Hà Giang qua nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đều bàn và coi nhiệm vụ rà phá BMVN là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định đời sống KT – XH, AN – QP của địa phương. Tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác rà phá BMVN, thường xuyên quan tâm, động viên nỗ lực của các lực lượng rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập HCLS.

Theo Thượng tá Trần Huy Thục, Trưởng ban Công binh, BCH Quân sự tỉnh Hà Giang, việc rà phá BMVN ở những địa bàn biên giới Hà Giang thực sự gian khó, bởi địa hình các thôn, xã biên giới là nơi chiến trường xưa thường rất hiểm trở. Mật độ bom mìn bố trí dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp; chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm qua, do đó địa hình đã bị biến động bởi khí hậu, sự tác động của con người, bom mìn bị vùi lấp, xáo trộn, rất nguy hiểm và khó khăn khi rà phá.

Trước giờ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ của Đại đội 19 Công binh, BCH Quân sự tỉnh tại địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên

Những nỗ lực rà phá BMVN trên tuyến biên giới Hà Giang không chỉ ghi nhận sự nhọc nhằn của cán bộ, chiến sỹ giữa thời tiết biên giới luôn rất khắc nghiệt, mà còn ghi nhận những hy sinh. Theo thông tin của Ban Công binh, BCH Quân sự tỉnh Hà Giang, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, đã có 1 chiến sĩ hy sinh, 4 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó có 1 đồng chí bị thương nặng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn để trả lại bình yên cho đất. Từ năm 2008 đến nay, nhiều lần theo chân các đơn vị làm nhiệm vụ rà phá BMVN trên tuyến biên giới các xã Xín Chải, Thanh Thủy, Minh Tân, Tả Ván, Nghĩa Thuận…, được chứng kiến sự nhọc nhằn và cả nguy hiểm đối với những người lính mới thấy hết nỗ lực và giá trị của việc hồi sinh vùng “đất chết”.

Tỉ mỉ rà từng mét đất trong vùng ô nhiễm để không bỏ sót những vật nổ gây nguy hiểm

Với sự quan tâm lớn của Trung ương, năm 2023, tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận được sự đầu tư nhằm đẩy mạnh rà phá nhiều điểm ô nhiễm trên tuyến biên giới Vị Xuyên – Quản Bạ. Qua đó, Dự án rà phá BMVN phục vụ tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2 đã được triển khai từ đầu năm 2023 với 8 đơn vị thực hiện nhiệm vụ rà phá, nhằm làm sạch 1.500 ha địa bàn từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) đến các xã Tả Ván và Nghĩa Thuận (Quản Bạ). Mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các đơn vị rà phá đã và đang quyết tâm, miệt mài với những kết quả tích cực, hàng trăm héc-ta đất đang được làm sạch, hàng ngàn trái mìn, vật nổ đã được phát hiện, xử lí an toàn.

Rất nhiều mìn, vật nổ đã được các đơn vị rà phá tìm kiếm, thu dọn những năm qua

Có mặt tại nhiều điểm rà phá trên tuyến biên giới xã Minh Tân, Tả Ván, Nghĩa Thuận những ngày hè nắng sạm da thịt, nơi có những đơn vị rà phá như: Lữ đoàn 543, Đại đội 19 Công binh - Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, Sư đoàn 316, Lữ đoàn 299/Quân đoàn 1, Công ty Bom mìn 319… mới thấy hết những vất vả của anh em cán bộ chiến sỹ những ngày tháng bám trên triền đồi ẩn chứa BMVN. Trung úy Phạm Đức Trường, cán bộ thuộc đơn vị công binh rà phá BMVN của BCH Quân sự tỉnh ở địa bàn xã Minh Tân (Vị Xuyên) cho biết: Ngoài việc đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn kỹ càng tuân thủ quy trình kỹ thuật để không chỉ đảm bảo an toàn cho cá nhân mà còn phải cố gắng không để sót lại BMVN, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương về sau.

Bữa cơm trưa giữa rừng của những người lính rà phá bom mìn, vật nổ

Theo tiến độ của Dự án rà phá BMVN giai đoạn 2 ở Hà Giang, đến năm 2026 sẽ có thêm khoảng 1.500 ha bị ô nhiễm nặng được làm sạch. Nhưng vẫn còn nhiều diện tích ô nhiễm nặng nữa cần sự đầu tư để làm sạch trên suốt tuyến biên giới Hà Giang, trong đó có những vùng ô nhiễm nặng như Vị Xuyên, Quản Bạ. Do đó, ngoài việc các địa phương cần tiếp tục quan tâm tuyên truyền, vận động, cảnh báo để người dân cảnh giác, không lao động, sản xuất ở những vùng chưa được làm sạch, Hà Giang cũng cần thêm sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị cho mục tiêu sớm hoàn thành rà phá BMVN vì những mục tiêu nhân văn.

 

Kỳ I: Khắc khoải nỗi đau bom mìn

Kỳ cuối: Biên cương bình yên đón các anh về

Nhóm PV Điện tử (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp