Báo Hà Giang điện tử
.

Nửa nhiệm kỳ nhìn lại: Sức mạnh từ nội lực

08:02, 07/08/2023
 

BHG - Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Diện mạo mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với nhiều bức tranh đa sắc đã tạo niềm tin, khí thế để “tăng tốc” thực hiện những chỉ tiêu còn lại trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Với quyết tâm tạo đột phá trên các lĩnh vực, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 quyết nghị 17 chỉ tiêu, 3 đột phá và 5 chương trình trọng tâm để triển khai thực hiện. Sau nửa nhiệm kỳ phấn đấu, có 5/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (chiếm 29,4%); có 8/17 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 47,1%); 4/17 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 23,5%). Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,94%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua từng năm, ước năm 2023 đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2020.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 quyết nghị 17 chỉ tiêu, 3 đột phá và 5 chương trình trọng tâm

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,66%. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực triển khai các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng giá trị thu hoạch bình quân ước năm 2023 đạt 62 triệu đồng/ha, tăng 12 triệu đồng/ha so với năm 2020. Chăn nuôi đại gia súc dần trở thành hàng hóa chính; đến nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 32% (tăng 6,7% so với năm 2020), đạt 91,43% chỉ tiêu Nghị quyết. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được quan tâm, chú trọng. Năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 58,9% (tăng 0,9% so với năm 2020), đạt 98,17% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Công nghiệp, thủ công nghiệp cơ bản hoạt động ổn định, phát triển tốt, đúng định hướng quy hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng đều qua các năm, năm 2023 ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020. Giai đoạn 2021-2023 có thêm 11 nhà máy thuỷ điện đi vào phát điện. Ngành chế biến nông, lâm sản đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phát triển theo phương châm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân hàng năm đạt 11,7%/năm (Nghị quyết Đại hội đề ra 8%/năm). Đầu năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực; dự kiến năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt khoảng 270 triệu USD (gấp 3,5 lần so với năm 2022 và tăng 4,5% so với năm 2020). Lượng khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng đáng kể. 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,418 triệu lượt khách, ước trong năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng (đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra).

Các chương trình trọng tâm và đột phá được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng, đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang; hoàn thành nâng cấp, cải tạo, đưa vào sử dụng Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) với xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Quốc lộ 2 đoạn cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Giang. Cùng với đó, các tuyến Quốc lộ 4C, 280, 34, đường đi Cột cờ Quốc gia Lũng Cú và 7 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, cải tạo cơ bản đạt cấp IV, V miền núi. Các tuyến đường huyện, đường nông thôn, đường ra các cửa khẩu, lối mở, đường tuần tra biên giới tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Qua đó, tạo nền tảng cho kinh tế phát triển.

Thực hiện đột phá về phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, các địa phương đã từng bước hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các cây, con đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 30 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, hơn 200 sản phẩm có nhãn hiệu độc quyền và 201 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trở thành hàng hóa đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Du lịch có sự tăng trưởng ấn tượng, đã hình thành các tour, tuyến kết nối thành phố Hà Giang với các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh. Bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng điện, nước và giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch; thu hút đầu tư, nhất là những dự án về du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

 Xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, cũng là chiến lược lâu dài của Đảng bộ tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đến nay, mục tiêu này được đặc biệt quan tâm lãnh đạo, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cùng với đó, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, toàn tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và triển khai hỗ trợ xây dựng được 3.113 căn nhà đối với người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới với kinh phí 186,78 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 47 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”, sửa chữa 503 nhà ở cho các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn. Quan tâm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nghiên cứu triển khai dự án cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất tại các huyện vùng Cao nguyên đá. Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, đã có 1.935 vườn cho hiệu quả kinh tế, với thu nhập 18,8 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2 – 3 lần so với trước khi cải tạo. Hỗ trợ 72.409 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn với tổng kinh phí 480,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công và chính sách khác đối với 2.841 người; trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 54.327 đối tượng. Đến nay, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 49,95%, trong đó hộ nghèo còn 37,08%, hộ cận nghèo còn 12,87%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Những đổi thay đáng kể đến với đời sống người dân sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh.

Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện, cuộc sống của người dân về vật chất cũng như đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng cao. Nhân dân được bảo đảm an ninh, an toàn và thụ hưởng các chính sách an sinh, tiến bộ, công bằng, phúc lợi xã hội. Góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp hơn, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua cũng còn những khó khăn, hạn chế. Những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của tỉnh trong nửa cuối nhiệm kỳ đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa để thực hiện hiệu quả 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trong tâm và hoàn thành thắng lợi 17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục thực hiện quyết liệt đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách; phát triển nguồn thu bền vững trên cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm chống thất thu và xử lý tốt nợ đọng thuế. Tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nội dung tiếp tục được chú trọng triển khai trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Tiếp tục phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển vùng nguyên liệu phù hợp. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh, phát triển văn hóa - xã hội, tăng cường công tác đối ngoại, đảm bảo QP-AN, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Nửa cuối của nhiệm kỳ 2020-2025, với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở những kết quả đạt được cùng tinh thần vượt khó và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị sẽ tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã đề ra.

 

Nội dung: Nguyễn Phương | Thiết kế: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Đọc tiếp